Băn khoăn việc mở rộng hình thức tố cáo
Chính trị - Ngày đăng : 15:19, 18/11/2010
Có nên xem xét tố cáo nặc danh?
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sáng - Tiền Giang, theo quy định hiện hành thì những tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo được coi là đơn thư tố cáo nặc danh và sẽ không được xem xét giải quyết. Thực tế cũng cho thấy những quy định này đã phát huy tác dụng tích cực, đồng thời đề cao trách nhiệm của người tố cáo đối với xã hội và đối với Nhà nước. Hạn chế tình trạng lợi dụng tố cáo để tố cáo sai sự thật, không mang tính xây dựng gây mất đoàn kết nội bộ. Vì vậy, đại biểu ủng hộ việc quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình, trình bày trung thực nội dung tố cáo, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được.
“Có những trường hợp thời gian qua người tố cáo không dám ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình vì sợ sẽ bị trù dập, trả thù do pháp luật chưa có quy định cụ thể cơ chế bảo vệ người tố cáo. Nhưng trong dự thảo luật lần này đã dành hẳn một chương quy định bảo vệ người tố cáo, nhằm tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình”, đại biểu Sáng nói.
Đại biểu Huỳnh Phước Long - Trà Vinh cũng ủng hộ quy định "người tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của mình, trình bày trung thực nội dung tố cáo, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được".
“Theo tôi dự thảo luật qui định như vậy là phù hợp, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo và các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo cũng thuận lợi trong việc xác minh, xem xét giải quyết tố cáo và điều này còn có sự ràng buộc về trách nhiệm công dân đối với người tố cáo trong trường hợp tùy tiện chủ quan cố ý tố cáo sai sự thật hoặc vu khống để làm mất uy tín, danh dự gây thiệt hại cho người bị tố cáo”, đại biểu Long nói.
Theo đại biểu Long, để hạn chế đơn thư tố cáo nặc danh phải bằng nhiều giải pháp căn cơ, trong đó có việc thường xuyên nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về chính sách pháp luật, có chính sách pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ và nhân dân. Đồng thời trong dự án luật phải có cơ chế cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết đảm bảo cho người dân an tâm trong tố cáo. Mặt khác, phải có chế tài xử lý nghiêm minh đối với những người cố ý tố cáo sai sự thật với động cơ không trong sáng, song song đó phải có cơ chế hình thức khen thưởng xứng đáng, phù hợp cho người tố cáo đúng.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Xuân - Tây Ninh lại cho rằng, những tố cáo qua điện thoại, qua email, qua thư góp ý, qua đường dây nóng và tố cáo nặc danh về cơ bản là giống nhau. Vì tố cáo qua điện thoại người ta cũng không thể xác minh ngay được số điện thoại đấy là ai, và làm gì có quyền xác minh , trong khi phạm vi của mình là cơ quan quản lý mức độ tương đối nhỏ.
“Có một đống cát mà có một thỏi vàng, tôi nghĩ rằng tôi sẵn sàng đãi để tìm thỏi vàng đấy. Cho nên, tôi đề nghị Quốc hội xem xét vấn đề này, chúng ta sẽ xem xét tất cả những nguồn thông tin chúng ta có được. Tuy nhiên, để nó không gây ra hậu quả, vấn đề là do ta xử lý. Ta nhận một đơn tố cáo nặc danh, đọc biết ngay có động cơ xấu, là chuyện không có, ta tống vào sọt rác thì làm sao có thể gây ra hậu quả được. Nhưng chúng ta lại lợi dụng cái đơn đó để mở cuộc kiểm điểm, giải trình, thông tin ồ ạt ra ngoài… thì đa số những trường hợp này không phải do người tố cáo, mà do người xử lý tố cáo cố ý lợi dụng thông tin này để triệt hạ lẫn nhau, trừng phạt, đấu đá lẫn nhau”, đại biểu Xuân nói.
Theo đại biểu Xuân, dự luật nên quy định thêm không được lợi dụng việc giải quyết khiếu nại tố cáo, tức là người có thẩm quyền hoặc người nhận được đơn, lợi dụng việc này để gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác.
Chung quan điểm, đại biểu Phan Thị Mỹ Bình - Tuyên Quang cho rằng, các đơn thư tố cáo có ghi tên, địa chỉ rõ ràng chỉ thuận lợi cho các cơ quan chức năng khi xác minh và giải quyết, chứ không thuận lợi cho việc tố cáo chống tiêu cực. Do đó, luật cần quy định đối với đơn thư tố cáo không rõ, tên, địa chỉ, nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cũng được các cơ quan chức năng xác minh giải quyết.
“Có như vậy chúng ta sẽ không để lọt lưới các vụ việc tiêu cực, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay, đại biểu Bình nói.
Băn khoăn việc mở rộng hình thức tố cáo
Đại biểu Lưu Thị Chi Lan - Vĩnh Phúc cho rằng, việc mở rộng hơn hình thức tố cáo trong Luật tố cáo với những quy định về các hình thức tố cáo như tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo hoặc bản ghi lời tố cáo, tố cáo qua điện thoại, thư điện tử, fax… sẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo của mình.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan và đề cao trách nhiệm của công dân khi sử dụng các hình thức tố cáo trên và tránh việc lợi dụng tố cáo để tố cáo sai sự thật, vu cáo, bôi nhọ, hạ thấp nhân phẩm, uy tín và danh dự của người khác vì động cơ cá nhân; đồng thời tạo cơ sở thuận lợi cho các cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố cáo, dự thảo luật cần có những quy định chặt chẽ và có các chế tài cụ thể đối với các hình thức tố cáo mới này.
Đại biểu Nguyễn Thị Nương - Cao Bằng lại ủng hộ việc giải quyết tố cáo chỉ với loại tố cáo có ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo với hai hình thức tố cáo, đó là tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng gửi đơn tố cáo. Loại đơn tố cáo không có họ tên, địa chỉ rõ ràng hoặc bản ghi lời tố cáo và hình thức tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, bằng fax thì không nên giải quyết.
Lý do đại biểu Nương đưa ra là thực tế hiện nay ở nước ta trừ một số trường hợp đặc thù ta chưa có khả năng để kiểm tra, xác minh một cách chính xác các thông tin tiếp nhận theo hình thức điện thoại, thư điện tử, fax từ người nào, từ nơi nào chuyển đến, đặc biệt ở những địa phương vùng sâu, vùng xa thiếu nhiều phương tiện thông tin và đội ngũ cán bộ có trình độ thấp.
“Nếu quy định như trong dự thảo luật sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh và mâu thuẫn với việc không xử lý đơn thư nặc danh. Việc chỉ xem xét, giải quyết đơn tố cáo có danh, có địa chỉ rõ ràng cần được khẳng định lại một cách rõ ràng, được quy định chặt chẽ trong luật này cũng là việc Nhà nước chúng ta tiếp tục đề cao vai trò, ý thức làm chủ của công dân, công dân phải có trách nhiệm sống theo Hiến pháp và pháp luật, pháp luật định hướng, điều chỉnh xã hội phát triển ngày càng tốt đẹp hơn”, đại biểu Nương nói.
“Tôi cho rằng tố cáo bằng điện thoai, qua email, qua fax thì độ tin cậy không cao, tính bảo đảm và trách nhiệm của người tố cáo cũng không đến nơi, đến chốn. Bởi vì việc quản lý Nhà nước ta đối với các phương tiện này còn lỏng lẻo và chưa có một cơ chế quản lý tốt về sim, về tạo địa chỉ email... Người ta có thể sẵn sàng sử dụng một sim nào đó hoặc một địa chỉ email nhất thời để tố cáo và hình thức này thì chúng ta đang trong giai đoạn vô thưởng, vô phạt”, đại biểu Phan Thị Thu Hà - Đồng Tháp phát biểu.
Theo đại biểu Hà, nếu luật thừa nhận hình thức này thì sẽ tạo nên một sự phức tạp, bất lợi cho người có thẩm quyền xử lý, cơ quan xử lý và không khéo sa vào nghi kỵ nội bộ và chính điều này sẽ dẫn đến tình trạng người tố cáo đối với người bị tố cáo thì người bị tố cáo khi tiếp nhận thông tin này, người ta sẽ rơi vào tình trạng bị khủng hoảng về mặt tâm lý, bị ảnh hưởng về uy tín, danh dự, trách nhiệm. Nhưng việc xử lý thông tin và giải quyết tố cáo không tới nơi, tới chốn sẽ gây đến một hậu quả rất lớn về mặt tinh thần đối với người bị tố cáo.
“Điểm a, Khoản 3, Điều 24 còn quy định khi nhận được tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax thì người tiếp nhận tố cáo phải tóm tắt nội dung tố cáo và báo cáo cho người có thẩm quyền để quyết định kiểm tra, xác minh tên, địa chỉ người tố cáo, nội dung tố cáo, người bị tố cáo và những thông tin có quản lý. Tôi cho rằng quy định như thế này rất khó khả thi. Vì người tiếp nhận đây là ai? Có đảm bảo khách quan hay không? Có tóm tắt đúng nội dung không? Đặc biệt là tiếp nhận điện thoại. Nếu người tố cáo điện thoại cho nhiều cơ quan, nhiều người thì giải quyết như thế nào? Đây là vấn đề rất khó. Vì vậy, tôi đề nghị không nên thừa nhận hình thức này”, đại biểu Hà nói.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Tiên - Tiền Giang cho rằng, việc quan trọng nhất là chúng ta xác định được danh tính người tố cáo, còn việc gửi email, điện thoại thì đây chỉ là phương tiện.
“Chúng ta khuyến khích giao dịch điện tử mà bây giờ lại không giải quyết bằng con đường email nữa thì tôi thấy không hợp, vấn đề cơ bản là ai là người gửi email đó. Vì vậy, tôi nghĩ quy định như dự thảo là phù hợp”, đại biểu Tiên nói.
Các quy định bảo vệ người tố cáo khó thi hành
Theo đại biểu Lê Văn Hưng - Hưng Yên, việc quy định "trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận tố cáo phải bảo vệ bí mật họ tên, địa chỉ người tố cáo" thực sự là bất khả thi vì cơ quan, tổ chức đó là một tập thể với nhiều bộ phận khác nhau.
Việc tố cáo theo dự thảo luật và thực tế phải qua các khâu tiếp nhận đơn, đơn tố cáo phải có địa chỉ rõ ràng, phải xem xét về thẩm quyền, phải xác minh, phải kết luận, sau đó thông báo và xử lý. Nếu cho rằng người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiếp nhận tố cáo là người có trách nhiệm phải bảo vệ bí mật đó cho người tố cáo thì họ không thể làm nổi”, đại biểu Hưng nói.
Đại biểu Hưng cũng cho rằng, các quy định về bảo vệ người tố cáo như việc bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, việc làm cho người tố cáo… mới được dự thảo luật đề cập tới như một sự liệt kê về đầu việc, mà chưa có cơ sở nào để thực thi từ vấn đề kinh phí, nhân lực và chủ thể thực hiện.
“Dự án Luật cũng quy định người có trách nhiệm bảo vệ là cơ quan công an, cơ quan Nhà nước, theo tôi vẫn còn quá chung chung và cũng chỉ đặt ra khi người tố cáo đề nghị, rồi phải xem xét có chính đáng hay không thì mới áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ, theo tôi các quy định như vậy vừa gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan Nhà nước, vừa đánh đố người tố cáo và cần chỉnh lý lại, cần quy định cụ thể, chặt chẽ ngay trong luật và không nên để Chính phủ hướng dẫn các quy định này, có như vậy người tố cáo mới yên tâm thực hiện quyền của mình”, đại biểu Hưng nói.
Tán thành với đại biểu Hưng, đại biểu Phan Thị Thu Hà - Đồng Tháp đề nghị Luật tố cáo nên đề cao vấn đề đảm bảo bí mật hay nói khác hơn là bảo vệ bí mật người tố cáo, đề cập trách nhiệm trong vấn đề giải quyết tố cáo, đề cao tính khách quan trong quá trình giải quyết tố cáo.
“Tôi thấy nếu như công dân khiếu nại vì quyền lợi của chính mình, còn việc tố cáo vì trách nhiệm đối với xã hội, vì quyền lợi chung, người tố cáo chịu áp lực, có thể chịu nhiều rủi ro, thiệt thòi, đánh đổi cả quyền lợi và tính mạng của mình. Tôi đề nghị nên thiết kế lại cơ chế bảo vệ bí mật cho người tố cáo như một nguyên tắc xuyên suốt quá trình tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo, có như vậy người tố cáo mới cảm giác an tâm, sẵn sàng tham gia vào vấn đề tố cáo trong tất cả các trường hợp vi phạm pháp luật cùa các cán bộ, công chức và các cơ quan”, đại biểu Hà nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - TP Đà Nẵng cho rằng, chủ thể tố cáo từ người dân bình thường cho đến người có chức, có quyền dù động cơ, mục đích tố cáo khác nhau nhưng đều là những người yếu thế, dễ bị rơi vào tình thế bất lợi, dễ bị người bị tố cáo trù dập, trả thù cho nên họ đều có chung tâm trạng là bất an, lo lắng và luôn đấu tranh tư tưởng khi mình thực hiện tố cáo. Vì thế, điều quan trọng là phải bảo vệ người tố cáo, có như vậy mới khuyến khích tố cáo.
“Nếu thực sự bảo vệ được người tố cáo thì không xem xét, giải quyết tố cáo không rõ tên, địa chỉ người tố cáo. Theo pháp luật quy định thì người tố cáo được bảo vệ, nhưng thực tế ai sẽ bảo vệ họ, bảo vệ như thế nào, bảo vệ bằng cách gì. Đó là câu hỏi tôi nghĩ rằng chúng ta phải tìm câu trả lời. Tôi cho rằng nếu như chỉ quy định với 4 điều như Chương V của dự thảo luật thì khó mà bảo vệ được người tố cáo trong thực tế. Bởi vì chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo, để người bị tố cáo không thể biết được hoặc có biết được cũng không thể trù dập, trả thù họ được”, đại biểu Thúy nói.
Theo đại biểu Thúy, dự luật nên có quy định cụ thể về biện pháp bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo; người có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo; phương tiện cơ sở vật chất sử dụng để việc bảo vệ người tố cáo là những cái gì, lấy từ đâu ra; quy định bảo vệ cả tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tố cáo và trong những trường hợp cần thiết phải bảo vệ cả người thân của họ.
Đại biểu Lê Việt Trường - An Giang cho rằng, quy định về bảo vệ người tố cáo là vấn đề khó nhất của đạo luật này. Theo ông, Luật không nên đặt vấn đề khi người tố cáo có yêu cầu hoặc khi cơ quan, tổ chức cá nhân thụ lý thấy có dấu hiệu có thể bị rò rỉ thông tin, gây ảnh hưởng và gây nguy hại cho người tố cáo thì mới có biện pháp bảo vệ, bởi người tố cáo luôn luôn ở vào thế bất lợi, người bị tố cáo nói chung không hài lòng, sẽ dễ dàng có những việc làm này, khác. Vì vậy, người đã tố cáo phải được cơ quan Nhà nước, cá nhân có thẩm quyền có kế hoạch bảo vệ ngay, bất luận họ có yêu cầu hay không.
Về quy định bảo vệ thông tin về người tố cáo, theo đại biểu Trường, các thông tin này có thể rò rỉ qua rất nhiều đường, không chỉ từ người thụ lý đơn mà có khi từ chính những người tố cáo. Do đó, luật cần có quy định chung là mỗi một người dân đều phải có trách nhiệm giữ bí mật thông tin về người tố cáo nếu biết được thông tin đó do vô tình hay hữu ý. Đồng thời, cần phải quy định cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ người tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo phải bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo, không cần người đó phải đưa ra yêu cầu; công tác xử lý đơn thư tố cáo phải được quy định hết sức chặt chẽ, giảm bớt các khâu trung gian càng nhiều càng tốt và tiến độ giải quyết tố cáo phải hết sức khẩn trương, càng ngắn thời gian càng bảo vệ người tố cáo tốt.
Bảo vệ người tố cáo: Quy định cụ thể thuận cho việc thực hiện nhưng vẫn khó khả thi
Thay mặt Ban soạn thảo, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Về những vấn đề còn ý kiến khác nhau, trước hết là về phạm vi điều chỉnh, Tổng thanh tra cho biết, dự luật chỉ tập trung vào lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, đặc biệt điều chỉnh đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính có vi phạm pháp luật. Khi công dân tố cáo về các lĩnh vực này thì chúng ta đưa vào điều chỉnh để thụ lý, xử lý việc này.
Về chủ thể tố cáo là công dân, tổ chức, qua tổng kết thực tiễn, khắc phục những bất cập trong việc thi hành luật vừa qua, trên cơ sở kế thừa những quy định còn hợp lý, Tổng thanh tra cho biết, tuy có xuất hiện tình hình đối với tổ chức cũng xảy ra trường hợp ký tên đông người, ký tên lấy danh nghĩa là tổ chức nhưng các trường hợp này không nhiều. Những nội dung tố cáo như vậy phần nhiều các tổ chức thiên về việc phản ảnh và kiến nghị là chính, chứ không phải tố cáo. Nếu đã là tố cáo thì thường được thể hiện dưới quyền và trách nhiệm của cá nhân.
Mặt khác, trong việc cá thể hóa trách nhiệm, chúng ta chưa có quy định về truy cứu trách nhiệm đối với tổ chức, nên nếu một số tổ chức vi phạm thì cũng có vi phạm của người đứng đầu và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về mặt xử lý, không đưa cả tổ chức đó ra để xử lý. Do vậy, nếu luật chấp nhận tổ chức cùng ký tên nhiều người thì khi đó cá thể hóa trách nhiệm để xử lý rất khó khăn, không thể thực hiện được.
Về hình thức tố cáo, Tổng thanh tra cho biết, trong quá trình soạn thảo cơ quan soạn thảo cũng thấy việc tố cáo qua fax, email, điện thoại… là một hình thức thực tế và cũng dễ kiểm tra chứ không phải đến mức không kiểm tra được.
“Bởi vì hiện nay một số thông tin mà họ lợi dụng, họ sử dụng sim rác họ nhắn thường họ không nói địa chỉ và chúng ta không xem được địa chỉ. Nhưng nếu sử dụng bằng hình thức điện thoại nói rõ ai đã tố cáo và nội dung gì và tôi ở đâu tôi tố cáo việc này, chúng ta kiểm tra lại thấy rõ nội dung này thì chúng ta cũng coi như một hình thức tố cáo có danh, có địa chỉ. Do vậy, dự thảo sẽ làm rõ và chặt chẽ lại việc này. Nhưng nói chung chúng tôi thấy nó cần thiết và bảo đảm được tiện lợi cho công dân, tiện lợi cho người tố cáo có khi phải đi mất thời gian hoặc trong điều kiện nhất định người ta không thể viết được một đơn hoàn chỉnh để người ta tố cáo. Cho nên đây chính là hình thức mở ra để phù hợp với thực tế”, Tổng thanh tra nói.
Về thư tố cáo nặc danh, bên cạnh một số người sợ không dám để lộ danh tính của mình vì bị trả thù thì còn có rất nhiều trường hợp lợi dụng để đưa những thông tin rất phức tạp trong những thời điểm phức tạp, thường việc đó là gây rối tổ chức.
“Có thư nặc danh nói về một việc gì đó thậm chí nghe rất cụ thể, nhưng thẩm tra, thẩm định lại cũng không có sự việc như vậy, nhưng người ta cứ đưa ra buộc các cơ quan chức năng phải giải quyết, đã giải quyết như vậy có khi làm lỡ việc giải quyết các vấn đề về cán bộ thường trong các kỳ đại hội. Vừa rồi lấy ý kiến của rất nhiều địa phương thì chúng tôi thấy ý kiến của các địa phương là không đồng tình với việc này. Do vậy, hôm nay cũng báo cáo lại với Quốc hội để biết việc này chúng ta cũng đã rất cân nhắc”, Tổng thanh tra nói.
Tuy nhiên, theo Tổng thanh tra, những tố cáo nặc danh vẫn được coi đây như là một dạng tin báo, có thể chính xác, có thể sử dụng được, có thể không, nhưng sẽ được dùng để tham khảo mà không cần phải qui định vào luật này.
Về bảo vệ người tố cáo, tinh thần Ban soạn thảo là cố gắng sẽ đưa ra được một chương bao gồm nhiều điều để qui định về việc bảo vệ đối với người tố cáo và xem đây như là một hình thức vừa đảm bảo an toàn, vừa khuyến khích đối với những người tố cáo có trách nhiệm tố cáo là có nội dung tốt, tích cực để phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, cũng như công tác quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, vì đây là luật cho nên chỉ đưa ra phạm vi để bảo vệ, nguyên tắc bảo vệ. Còn Chính phủ sẽ quy định cụ thể về bảo vệ ai, bảo vệ cái gì, bảo vệ như thế nào, ai chịu trách nhiệm, bảo vệ trong những trường hợp nào…
“Nếu chúng ta đặt ra là chỉ cần có đơn tố cáo là phải bảo vệ, chúng ta đặt ra vấn đề như thế thì không làm được. Trong những trường hợp người ta báo nhưng không có cơ sở gì để chúng ta có thể áp dụng các biện pháp bảo vệ thì chúng ta cũng khó có thể làm được việc này. Bởi vì như đại biểu biết là một năm chúng ta có đến vài chục ngàn trường hợp này. Do vậy, nếu đưa ra những biện pháp thật cụ thể và thật rõ ràng thì đương nhiên nó có mặt thuận cho việc thực hiện nhưng trong đó tính khả thi để thực hiện vẫn rất khó khăn”, Tổng thanh tra nói.