Xuất khẩu lao động năm 2010: Thiếu “nguồn”
Đời sống - Ngày đăng : 07:38, 18/11/2010
Lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia. |
Sau thời gian đình trệ vì ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, những tháng đầu năm 2010, một số thị trường lao động ngoài nước đã có dấu hiệu hồi phục với bằng chứng là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhận được nhiều đơn hàng chất lượng, với những cam kết bảo đảm việc làm và thu nhập từ phía đối tác. Giữa quý II-2010, đã có nhiều đơn hàng với số lượng lao động lớn đặt các DN XKLĐ đưa sang những thị trường truyền thống như Đài Loan, Trung Đông. Theo ông Tống Hải Nam - Trưởng phòng Thị trường lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước. Ngoài Đài Loan, thị trường các nước Trung Đông như UAE, Arab Saudi đang có nhu cầu tiếp nhận lao động rất lớn. Vừa qua, Qata cũng đã nới lỏng việc hạn chế cấp visa cho lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, những thay đổi trong chính sách của Chính phủ Malaysia có lợi cho NLĐ nước ngoài tạo ra những tín hiệu lạc quan cho thị trường này. Một con số thống kê khác cũng cho thấy, chỉ tính riêng tháng 6 và tháng 7, đã có gần 800 đơn hàng được thẩm định với số lượng chỉ tiêu tuyển dụng lên đến hơn 10.000 lao động.
Thế nhưng, dù có đơn hàng song các DN XKLĐ lại gặp khó khăn lớn khi không tạo được đủ nguồn lao động cung ứng cho đối tác. Theo số liệu thông kê mới đây nhất của Cục Quản lý lao động nước ngoài, tổng số lao động đưa đi từ đầu năm tới nay mới chỉ đạt 58.710 người. Trong đó, thị trường Đài Loan tiếp tục đứng đầu với 20.621 người; tiếp đến là Malaysia 6.113 người; UAE 4.823 người; Lào 4.681 người; Libya 3.910 người; Hàn Quốc 3.708 người; Nhật Bản 3.441 người; Arab Saudi 2.071 người, Campuchia 2.505 người; Macau 2.457 người; Bahrain 1.204 người và các thị trường khác là 3.176 người.
Nhìn nhận về triển vọng công tác XKLĐ hai tháng cuối năm, một lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, kế hoạch đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2010 có khả năng sẽ không hoàn thành. Nguyên nhân là do sự phục hồi của kinh tế, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở nhiều nước, việc cắt giảm việc làm đang diễn ra ngày càng nhiều cùng với xu hướng sáp nhập của các doanh nghiệp dẫn đến lao động tại các nước sở tại cũng gặp khó khăn khi tìm việc làm, cho nên cơ hội cho lao động xuất khẩu nói chung và của Việt Nam là rất ít. Thậm chí, nhiều nước từng là các thị trường lớn như Hàn Quốc cũng đã giảm bớt nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài để nhường chỗ cho lao động trong nước.
Bên cạnh đó, để bảo hộ việc làm cho lao động bản địa, các nước có truyền thống nhập khẩu lao động dù không tuyên bố ngưng nhập khẩu lao động, nhưng đã có nhiều hàng rào kỹ thuật được dựng lên để hạn chế lao động nước ngoài, như không tuyển chọn một số ngành hoặc yêu cầu trình độ kỹ thuật của lao động nước ngoài cao hơn.