Sau vinh dự là trách nhiệm
Xã hội - Ngày đăng : 07:05, 18/11/2010
Tái hiện cảnh ngựa sắt của Thánh Gióng xung trận. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Ông Phạm Sanh Châu cho biết thêm: Hồ sơ Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc được UNESCO công nhận với các tiêu chí nổi bật: Có nguồn gốc lâu đời, do cộng đồng cư dân vùng châu thổ sông Hồng tạo ra, được coi là một phần bản sắc của họ và được truyền liên tục từ đời này qua đời khác. Việc ghi nhận DS này vào danh sách DSVH PVT đại diện của nhân loại sẽ góp phần quảng bá DS, góp phần thúc đẩy cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa. Nhiều biện pháp cụ thể, đa dạng đã được cộng đồng và quốc gia cam kết nhằm bảo tồn, tư liệu hóa, chuyển giao, công nhận, phát huy giá trị và tính liên tục của Hội Gióng. Các chủ thể văn hóa và cộng đồng thực hiện Hội Gióng đã được tham vấn, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc đề cử và hoàn toàn ủng hộ việc đề cử này. Hội Gióng đã được kiểm kê và được Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục các DSVH PVT của Việt Nam.
Chiếu theo quy định của UNESCO đối với một DSVH PVT đại diện của nhân loại (phải phản ánh sự đa dạng văn hóa toàn thế giới và minh chứng cho sự sáng tạo của nhân loại, có kế hoạch bảo tồn; cộng đồng có vai trò to lớn trong việc nhận diện, bảo tồn DS; DS này đã được kiểm kê...) thì hồ sơ Hội Gióng đạt điểm gần như tuyệt đối, hoàn toàn xứng đáng trở thành DS chung của nhân loại.
Có được kết quả này, như Hànộimới đã thông tin, Hội Gióng có sức sống mãnh liệt ở nhiều làng xã thuộc Hà Nội, tâm điểm là ở xã Phù Đổng (Gia Lâm) và xã Phù Linh (Sóc Sơn) nhằm tưởng nhớ Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng). Hội Gióng được dân làng tổ chức theo một mô thức cổ truyền, tái hiện chiến công của Thánh Gióng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm bằng một hệ thống diễn xướng mang tính biểu tượng: kéo ngựa ra trận, múa cờ thể hiện trận đánh, 28 nữ tướng giặc đầu hàng... Tính chủ thể của người dân trong quá trình tổ chức hội thể hiện rất rõ và đến nay, hội vẫn giữ được nét sáng tạo truyền thống của dân gian.
"Hội Gióng ẩn tàng tư tưởng đạo lý của người Việt, mong ước về một đất nước thái bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đó cũng chính là khát vọng nhân bản của con người trên trái đất này" - GS.TS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng DSVH quốc gia khẳng định.
Tự hào đi đôi với trách nhiệm
Tin Hội Gióng trở thành DSVH PVT đại diện của nhân loại nhanh chóng được truyền về Việt Nam, làm nức lòng nhân dân Thủ đô và cả nước. Ông Trần Lâm Biền, Cục DSVH, người dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu lễ hội cổ truyền ở Việt Nam chia sẻ: Tôi vốn khá khắt khe khi đánh giá những điều được và chưa được trong lễ hội, song riêng với Hội Gióng, tôi luôn có cái nhìn thiện cảm, đặc biệt là ở yếu tố cộng đồng tham gia lễ hội. Yếu tố này cần phải được duy trì bền vững bởi DS chỉ có thể "sống" tốt khi được chính đối tượng sinh ra nó (nhân dân) nuôi dưỡng.
Còn ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Cục trưởng Cục DSVH nhấn mạnh: Khi công nhận một DSVH, bao giờ UNESCO cũng đưa ra các khuyến nghị về việc bảo tồn và phát huy giá trị của DS, nếu không thực hiện đúng các khuyến nghị như đã cam kết, DS đó có thể bị tước danh hiệu. Vì thế, ngay từ bây giờ, các cơ quan hữu quan cần phát huy tốt hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc tổ chức và quản lý Hội Gióng như đã cam kết với UNESCO.
Thể hiện rõ trách nhiệm quản lý, ngay sau khi nhận được tin vui, chính quyền huyện Sóc Sơn đã lên kế hoạch tiếp tục phát huy giá trị của DS. Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng VH-TT huyện Sóc Sơn cho biết: Phòng VH-TT huyện sẽ tiếp tục duy trì việc tổ chức lễ hội theo kịch bản đã được đưa vào hồ sơ trình UNESCO; tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa, nội dung của lễ hội cho người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong, ngoài huyện được tham gia và tìm hiểu về lễ hội. Đây cũng là cách làm của chính quyền huyện Gia Lâm cho "thương hiệu" Hội Gióng bay xa.
Khai thác giá trị của di sản
Hội Gióng, cũng như nhiều lễ hội dân gian khác ở Việt Nam là DSVH PVT nhưng được tồn tại, lưu giữ và biểu đạt thông qua các DS vật thể (hệ thống di tích). Vì thế, ông Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, các địa phương cần mở rộng không gian cho Hội Gióng phát triển.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích Đền Sóc cho biết: Khu di tích Đền Sóc đã trải qua 13 lần trùng tu, lần gần đây nhất là năm 1999, thế nhưng đến thời điểm này hầu hết phần mái của các di tích đã bị xô, mưa to là dột, nước mưa ngấm vào làm ảnh hưởng tới kết cấu gỗ bên trong. Bốn hồ nước gắn với sự tích bước chân ngựa của Thánh Gióng có dấu hiệu bị sạt lở, chưa được kè đắp. Từ thực trạng đó, ông Nguyễn Văn Lâm đề nghị thành phố Hà Nội triển khai thực hiện dự án quy hoạch khu tâm linh Đền Sóc (có diện tích 274ha) sao cho tương đồng với kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Hội Gióng của UNESCO, đồng thời bổ sung thêm nhân viên thuyết minh cho khu di tích bởi sau khi Hội Gióng trở thành DS thế giới, lượng khách đến đây chắc chắn sẽ tăng lên.
Khu Đền Mẫu trong quần thể di tích thờ Thánh Gióng ở xã Phù Đổng đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều cấu kiện gỗ bị mục, giếng cổ gắn với truyền thuyết ra đời của Thánh Gióng bị sụt lún. Ông Đinh Binh Tỉnh, Phó BQL di tích đề nghị các cơ quan hữu quan sớm triển khai dự án trùng tu quần thể di tích Đền Gióng ở xã Phù Đổng giai đoạn 2 cho xứng tầm với giá trị của Hội Gióng.
Ở góc độ quản lý vĩ mô, ông Nguyễn Hữu Toàn khẳng định: Cục DSVH sẽ tham mưu và phối hợp với các cơ quan hữu quan hoàn thiện việc kiểm kê khoa học đối với Hội Gióng; hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng địa phương tổ chức lễ hội đúng kịch bản; xây dựng chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị DS Hội Gióng...
Hội Gióng, cùng với 82 Bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long có tên trong danh sách DS thế giới khẳng định bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi. Đó là niềm tự hào không của riêng ai, song cũng đặt ra trách nhiệm bảo vệ DS với tất cả mọi người.