Vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Chính trị - Ngày đăng : 06:35, 18/11/2010

(HNM) - Chiều 17-11, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành cao Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Khoáng sản sửa đổi và Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011.


Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được QH thông qua gồm 6 chương, 51 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Trong đó, đáng chú ý là quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải ghi nhãn hàng hóa, niêm yết công khai giá, cảnh báo khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và biện pháp phòng ngừa... Nghiêm cấm kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác; quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị trái ý muốn người tiêu dùng hoặc có hành vi cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của người tiêu dùng; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn hoặc thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch, cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng; yêu cầu thanh toán mà không có thỏa thuận trước... Cá nhân vi phạm, tùy theo tính chất có thể bị truy cứu hình sự.

Đối với buôn bán nhỏ lẻ diễn ra phổ biến trong đời sống, Chính phủ quy định chi tiết việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, quy định của Chính phủ và quy định của Luật, UBND phường, xã, thị trấn, ban quản lý chợ, khu thương mại triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể bảo đảm chất lượng, số lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Về Luật Khoáng sản sửa đổi (gồm 11 chương, 86 điều) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011, điểm đáng chú ý là quy định về đấu giá quyền thăm dò khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò và đấu giá quyền khai thác ở khu vực chưa thăm dò, trong khi cũng có ý kiến đề nghị không quy định việc này. Theo UB TVQH, việc cấp quyền khai thác khoáng sản phải được thực hiện trên cơ sở đấu giá nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, tăng nguồn thu cho ngân sách, xóa bỏ tình trạng xin-cho dễ nảy sinh tiêu cực. Tuy nhiên, trên thực tế có một số khu vực khoáng sản, loại khoáng sản khi cấp quyền khai thác không thể thông qua đấu giá, chẳng hạn khoáng sản quý hiếm có tính chiến lược hoặc khoáng sản ở khu vực nhạy cảm về môi trường, quốc phòng, an ninh... nên luật quy định việc cấp quyền khai thác khoáng sản không qua đấu giá chỉ được tiến hành ở khu vực khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở quy định các tiêu chí để xem xét cụ thể để bảo đảm yêu cầu quản lý.

Theo chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011, tại Kỳ họp thứ 9, QH Khóa XII, QH sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ của QH, Chủ tịch nước, UB TVQH, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao. Kỳ họp thứ 1 và thứ 2, QH Khóa XIII, QH xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ Kỳ họp thứ 8, QH Khóa XII đến kỳ họp thứ nhất, QH Khóa XIII; xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, TAND Tối cao và VKSND Tối cao. Các Ủy ban của QH cũng sẽ xây dựng chương trình giám sát riêng theo quyền hạn, nhiệm vụ được phân công...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của QH Đặng Vũ Minh: Giao Chính phủ quy định trách nhiệm từng bộ
Trong quá trình thảo luận Luật Bảo vệ người tiêu dùng, có ý kiến ĐBQH đề nghị cần quy định cụ thể hơn nữa sự phân công, phối hợp của các bộ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như trách nhiệm của các bộ có liên quan trong khâu quản lý, thẩm định và quảng cáo sản phẩm; trách nhiệm của UBND xã, phường trong kiểm tra và công bố thông tin để người tiêu dùng tự phòng, tránh hoặc quyết định sử dụng hay không loại hàng hóa, dịch vụ nào đó... UB TVQH cho rằng các ý kiến trên hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên, để thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và các luật mới được QH ban hành nên luật quy định chung về cơ quan đầu mối. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ liên quan sẽ do Chính phủ quy định cụ thể theo quy định của pháp luật cũng như điều kiện kinh tế - xã hội và thực tiễn yêu cầu trong từng thời kỳ.

Gia Khánh ghi

Khánh Khoa