Phản biện xã hội phát huy quyền làm chủ và trách nhiệm công dân

Chính trị - Ngày đăng : 07:20, 17/11/2010

(HNM) - Cùng với UB MTTQ các địa phương trên cả nước, thời gian qua, các hoạt động của UB MTTQ TP Hà Nội đã có chuyển biến rõ nét, với nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào kết quả các mục tiêu kinh tế - xã hội của TP, đồng thời góp phần xây dựng sự nghiệp CNH, HĐH Thủ đô và đất nước.

Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2010), PV Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đào Văn Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UB MTTQ TP Hà Nội.

- Cuộc vận động (CVĐ) "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" (KDC) và CVĐ "Ngày Vì người nghèo" do MTTQ chủ trì đã góp phần tăng cường sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tăng cường và mở rộng đại đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở. Vậy phương châm của MTTQ TP trong việc tập hợp các tầng lớp nhân dân Thủ đô tham gia các CVĐ là gì?


Tiếp xúc cử tri là một trong những hoạt động giúp MTTQ có thể giám sát các hoạt động của đại biểu dân cử thông qua ý kiến của các cử tri. Ảnh: Nguyệt Ánh

- 15 năm qua, MTTQ các cấp giữ vai trò nòng cốt trong việc tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện hai CVĐ trên cơ sở tuân thủ Luật và Điều lệ MTTQ Việt Nam, thực hiện công khai, dân chủ và luôn phát huy tính tích cực của các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài để tập trung trí tuệ, sức lực và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. MTTQ TP cũng chú trọng gắn hai CVĐ với các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện phương châm "Thành thị thúc đẩy, hỗ trợ nông thôn; công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp và động viên trí thức hỗ trợ nông dân".

- Giám sát và phản biện là hai nhiệm vụ quan trọng của MTTQ các cấp. Theo đồng chí nhiệm vụ này được MTTQ TP thực hiện như thế nào để góp phần xây dựng Đảng và chính quyền?

- MTTQ đã có nhiều hình thức hoạt động đa dạng, tập hợp được sức mạnh của các giới, các tầng lớp nhân dân tham gia công tác giám sát trên cả ba phương diện: giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước; giám sát hoạt động của đại biểu dân cử theo Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND và UBND; giám sát cán bộ, công chức nhà nước. Việc giám sát đã được MTTQ TP triển khai thông qua phương thức cụ thể, phối hợp với cơ quan quyền lực nhà nước như Quốc hội, HĐND các cấp. Đồng thời, thông qua tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị bức xúc của các tầng lớp nhân dân và việc thực hiện Quy chế dân chủ và Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn để lấy phiếu tín nhiệm chủ tịch HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn 2 năm một lần. Năm nay, hoạt động trên sẽ được triển khai vào tháng 12 ở các cơ sở.

MTTQ TP cũng chú trọng nội dung giám sát về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước, chủ yếu là UBND các cấp và tham gia giám sát nhiều công trình, dự án lớn của TP. Đây là hoạt động giám sát mang tính chất phản biện xã hội trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý, chưa có quy định trong văn bản pháp luật cụ thể. Ngoài ra, MTTQ TP giám sát ở lĩnh vực tư pháp như tổ chức cho tổ dân phố đóng góp ý kiến đối với những người được đưa ra bổ nhiệm thẩm phán của Viện KSND TP, quận, huyện. Qua đó, có nhiều ý kiến xác đáng của nhân dân, giúp người cán bộ tự soi rọi lại mình trong quá trình sống và sinh hoạt tại địa phương. Việc giám sát đối với đại biểu dân cử cũng được MTTQ quan tâm, chủ yếu là việc tham gia tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, HĐND. MTTQ vận động nhân dân giám sát, giúp người dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình.

Công tác phản biện xã hội được coi là phương kế để MTTQ TP Hà Nội phát huy dân chủ, tham gia xây dựng chính quyền. Bởi mục đích phản biện xã hội là phát huy quyền làm chủ và trách nhiệm công dân tham gia vào quá trình xây dựng các quyết sách của chính quyền TP.

- Đề nghị đồng chí cho biết về vai trò của MTTQ TP Hà Nội trong thời gian qua đối với công tác bầu cử và yếu tố gì để nâng cao chất lượng công tác này?

- Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 quy định, MTTQ tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội. Hiện nay Luật Bầu cử quy định qua 3 hội nghị hiệp thương; trong các cuộc bầu cử, MTTQ TP hướng dẫn quy trình hiệp thương theo 5 bước, đó là: Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người ra ứng cử; các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử; tổ chức hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người ứng cử; tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác về những người ứng cử; tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu.

Hiện nay Quốc hội đang bàn sửa đổi Luật Bầu cử, theo tôi, để đổi mới công tác bầu cử, cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác hiệp thương. Lãnh đạo hiệp thương không có nghĩa là áp đặt đối với hoạt động này, mà nguyên nhân sâu xa là nếu không bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ, thống nhất, sẽ buông lỏng công tác cán bộ và tạo điều kiện cho kẻ xấu, các phần tử cơ hội vào cơ quan dân cử để vụ lợi, chống phá hệ thống chính trị, đi ngược lại với lợi ích nhân dân. Việc tổ chức phân chia đơn vị bầu cử về bản chất là sự định hướng mang tính đại diện. Do đó, không nên cơ cấu một cách cứng nhắc. Đồng thời, MTTQ TP tiến hành cải tiến hiệp thương - đây là nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận trong công tác bầu cử. Song song với hiệp thương giới thiệu ứng cử viên ra tranh cử, Mặt trận cần giám sát chặt chẽ hoạt động của đại biểu đã trúng cử.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Linh Nhi