Nói dễ, làm khó!
Xã hội - Ngày đăng : 07:08, 17/11/2010
Thói quen khó bỏ
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế TP Hồ Chí Minh cho biết, qua khảo sát cho thấy chỉ có 7% các bà nội trợ dùng làn nhựa hoặc túi sử dụng nhiều lần khi đi mua hàng, 93% còn lại dùng túi ni lông. Siêu thị, một trong những nơi được phát miễn phí túi ni lông nhiều nhất đưa ra lý do, vì yêu cầu cạnh tranh nên họ không thể hạn chế khách hàng dùng túi ni lông. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị vẫn buộc phải dùng túi ni lông vì có nhiều mặt hàng cần phải dùng như thực phẩm tươi sống, hóa chất… Các siêu thị chỉ có thể cung cấp thêm lựa chọn bằng bao bì tự hủy hoặc túi sử dụng nhiều lần, nhưng khách hàng không mặn mà vì các loại túi này phải mua!
Kênh Hiệp Tân, quận Tân Phú ngập rác ni lông. |
Mặc dù vẫn phát miễn phí, nhưng thời gian gần đây các siêu thị, trung tâm thương mại cũng đã thực hiện nhiều chương trình nhằm hạn chế dùng túi ni lông. Co.opMart khuyến khích khách hàng dụng túi sử dụng nhiều lần khi đi mua sắm thông qua các chương trình "Ngày không túi ni lông", "Ngày vì môi trường" và đã phát miễn phí cho khách hàng khoảng 2 triệu túi tự hủy. Siêu thị BigC từ tháng 3-2009 đã có thêm sự chọn lựa cho khách hàng bằng túi xách sử dụng nhiều lần nhãn hiệu Lohas được bán với giá vốn từ nhà sản xuất. Túi Lohas cũng được đưa vào các chương trình tặng quà, khuyến mãi của siêu thị này để khuyến khích khách hàng sử dụng... Trong tháng 11 này, Sở TN&MT cùng Sở KH-CN cũng phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức "Tháng sử dụng túi thân thiện môi trường tại một số siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ của TP. Theo đó, các ngày thứ 5 trong tuần của tháng 11 (ngày 4, 11, 18 và 25), các nơi này sẽ sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường gói hàng cho khách thay cho túi ni lông như thường lệ. Bên cạnh đó là nhiều hình thức khuyến khích sử dụng túi nhiều lần như tặng quà, cộng điểm vào thẻ thành viên với khách hàng mang theo túi, không nhận túi khi mua hàng…
Lợi, hại: còn bàn!
Dù đã thực hiện nhiều chương trình giảm thiểu sử dụng túi ni lông nhưng các siêu thị cũng thừa nhận là kết quả không được như mong muốn. Hiệu quả chỉ rõ rệt ở những ngày phát động và sau đó rơi vào thói quen cũ! Bà Đỗ Thúy Hằng, Phó Giám đốc quản lý môi trường và kiểm soát chất lượng Saigon Co.op cho rằng, để hạn chế việc sử dụng túi ni lông thì Nhà nước cần phải có những quy định cụ thể, đồng bộ hơn thay vì chỉ có những biện pháp khuyến khích như hiện nay. Trên thực tế, các siêu thị muốn chuyển từ túi ni lông sang các sản phẩm thân thiện với môi trường không hề dễ dàng như việc thay thế sản phẩm này bằng sản phẩm khác. Lý do, sản phẩm thay thế túi ni lông là bao bì tự hủy cũng không phải hoàn toàn tốt cho môi trường: trong khi bao bì tự hủy sinh học phân hủy triệt để nhựa tạo thành chất hữu cơ đơn giản và hòa tan trong môi trường, thì túi tự hủy thông thường chỉ là quá trình phân rã vỡ vụn bao bì nhựa từ mảnh lớn thành nhiều mảnh nhỏ, chứ không thay đổi được bản chất nguyên liệu đã dùng sản xuất ra sản phẩm, vì vậy vẫn gây tác hại rất lớn đến môi trường.
Chính vì thế mà, theo bà Hằng thì Saigon Co.op đã làm việc với nhiều nhà cung cấp bao bì tự hủy nhưng vẫn không thể lựa chọn được sử dụng sản phẩm nào khi chất lượng đều do các doanh nghiệp tự công bố chứ chưa hề có tiêu chuẩn quốc gia để làm căn cứ. Mặt khác, cũng chưa có trung tâm nào chịu trách nhiệm phân tích các thành phần được công bố. "Chúng tôi không thể đem chôn sản phẩm xuống đất 5-7 tháng để xác định xem phân hủy như thế nào. Điều này đã làm cho việc tìm giải pháp thay thế túi ni lông thêm khó khăn", bà Hằng nói.
Các siêu thị và nhà sản xuất cũng cho rằng, trong thời gian này Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ sản xuất bao bì tự hủy để sản phẩm ra thị trường được rẻ hơn, dễ được người tiêu dùng chấp nhận hơn nhằm tạo thói quen mới: Không dùng túi ni lông để bảo vệ môi trường.