Câu chuyện về kỳ tích phá án “Ngọn lửa ma”
Giải trí - Ngày đăng : 16:12, 16/11/2010
(HNMO)- Địch Nhân Kiệt là nhân vật chính trong tiểu thuyết "Địch Phán Quan", không chỉ là một cái tên quen thuộc với độc giả Trung Quốc, nhân vật này còn thu hút trí tưởng tượng của nhiều thế hệ độc giả phương Tây. Câu chuyện kỳ tích phá án “Ngọn lửa ma” của Địch Nhân Kiệt sẽ đặc biệt hấp dẫn khán giả với câu chuyện về vụ án bí hiểm này.
Phim có sự tham gia của dàn “sao khủng” của Trung Quốc như: Lưu Đức Hoa (trong vai Địch Nhân Kiệt); Lưu Gia Linh (trong vai Võ Tắc Thiên); Lý Băng Băng (trong vai Uyển Nhi)…Đặc biệt với tài thao lược của đạo diễn Từ Khắc Phim sẽ khuấy động màn ảnh rộng mùa này và rất hấp dẫn khán giả mê phim hành động.
Sự bí hiểm của vụ án "người tự bốc cháy"
Năm 690 sau Công Nguyên, bên ngoài kinh đô Lạc Dương, một tòa tháp phật giáo đang trong quá trình xây dựng. Vào ngày hoàn tất công trình này, vị nữ hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc – Võ Tắc Thiên sẽ chính thức ngồi lên ngai vàng của một trong những vương quốc hùng mạnh nhất thế gian. Tòa tháp có hình dáng của Phật Bà, với khuôn mặt được lấy theo hình mẫu của vị nữ hoàng đế chuẩn bị lên ngôi.
Nhưng rồi một loạt các sự kiện không lý giải nổi đã xảy ra, đe dọa tới quyền lực của nữ hoàng. Trong vòng tám năm, đã có 7 người đàn ông bị thiêu cháy ở ngay giữa chốn đông người, toàn bộ cơ thể của họ bị thiêu đốt từ trong ra ngoài cho tới khi chỉ còn lại một nắm xương đen. Và điều gây choáng váng nhất cho nữ hoàng là mỗi nạn nhân đều là thuộc hạ mà bà trực tiếp tuyển chọn sau khi lên nắm quyền.
Đặc biệt hơn nữa, trong vụ án mới nhất, nạn nhân lại là phụ trách thi công chính của tòa tháp này. Chắc chắn một điều rằng kẻ sát nhân kia đang thách thức quyền lực của vị hoàng đế mới. Với quyết tâm giải quyết vụ việc trước khi nó leo thang, bà viện đến một cứu tinh khá bất ngờ, Địch Nhân Kiệt. Vào tám năm trước, bà đã ra lệnh bắt giữ, thích chữ và tống giam ông bởi ông đã chỉ trích việc bà lên nắm quyền sau cái chết của hoàng đế tiền triều.
Từ Phong Nguyên trấn ngoài hòn đảo ngoài khơi, Địch Nhân Kiệt được trở lại Lạc Dương tiếp kiến nữ hoàng. Bà thăng cho ông chức Khâm Sai, một chức vụ uy quyền mà ông từng khước từ 8 năm trước đây. Võ Tắc Thiên tin rằng chỉ có mình Địch Nhân Kiệt mới có đủ bản lĩnh và võ thuật để vén bức màn bí mật của âm mưu chống lại bà.
Bất đắc dĩ được chỉ định hợp tác cùng Nhân Kiệt là võ quan Bùi Đông Lai dữ dằn, nôn nóng. Mặc dù Nhân Kiệt nghi ngờ rằng Đông Lai được cử đến để theo dõi ông, nhưng họ cũng dần trở thành đồng minh bất đắc dĩ của nhau. Ông còn tìm đến sự giúp đỡ của người bạn cũ Sa Đà, nay đã là một nhà sư, người này vốn từng là cố vấn thiết kế cho tòa phật tháp khổng lồ và cũng từng tận mắt chứng kiến những vụ án mạng gần đây nhất.
Một người quen cũ của Nhân Kiệt trong quá khứ cũng xuất hiện – nàng Thượng Quan Uyển Nhi xinh đẹp, người được cử đến bởi nữ hoàng để hầu hạ ông. Từ lâu, Uyển Nhi đã được đưa vào làm nô tỳ trong hoàng gia và nay đã trở thành một người phụ nữ xinh đẹp.
Vào sáng hôm sau, Uyển Nhi giải thích về những con mắt khổng lồ xuất hiện một cách kỳ bí mỗi ngày trên các tấm mành lớn treo trên các tòa nhà khắp nơi trong thành phố. Chúng tượng trưng cho sức mạnh từ thế giới khác của Lục Li, pháp sư hoàng gia, người hiện nay được coi là cố vấn tin cậy nhất của nữ hoàng. Lục Li khẳng định rằng mình không quan tâm đến thế tục nhưng lại nhiều lần thể hiện ma thuật hắc ám để biểu dương quyền lực của mình.
Cuộc điều tra đã đưa Nhân Kiệt đến Chợ Quỷ bí mật phía dưới thành phố, nơi ông khám phá ra những lời giải khoa học cho những vụ án người tự cháy. Tất cả chứng cứ đều hướng về vị pháp sư hoàng gia kia, nhưng thách thức hắn ta cũng chính là thách thức quyền lực của bản thân nữ hoàng. Tuy nhiên, Nhân Kiệt quyết tâm phải làm sáng tỏ sự thật bất chấp cái giá phải trả có thể là mạng sống của chính ông. Trong khi đó, giặc ngoại xâm đang tiến đến cận kề...
Nhân vật anh hùng có thật
Địch Nhân Kiệt là một nhân vật có thật trong lịch sử, sinh năm 630, mất năm 700, và từng là một vị quan nắm trọng trách trong triều. Trong lịch sử về nhà Đường cũng có rất nhiều ghi chép về nhân vật này. Tuy nhiên, quãng đời trước khi công danh nở rộ của ông thì lại không có nhiều tài liệu nói đến, vì thế, thời gian mà ông còn làm phán quan của một huyện nhỏ mang lại thu hút nhiều trí tưởng tưởng nhất.
Địch Phán Quan được phổ biến tới các độc giả hiện đại bởi nhà văn người Hà Lan Robert van Gulik (1910-1967). Trong thời gian ở lại Trung Quốc và Nhật Bản, van Gulik nhận ra truyền thống theo dõi truyện trinh thám của khu vực này và hy vọng có thể khơi nguồn cảm hứng của thể loại này bằng cách dịch lại những tác phẩm về nhân vật Địch Nhân Kiệt. Ấn tượng bởi vị thám tử đời nhà Đường này, van Gulik đã tự viết một bộ 25 tập truyện với tựa Địch Phán Quan, xuất bản lần đầu bằng tiếng Nhật và bản dịch tiếng Trung, sau đó mới là bản gốc tiếng Anh.
Bộ truyện của Van Gulik kể về quãng sự nghiệp của Địch Nhân Kiệt từ năm 663 tới năm 681 trong khi giữ chức vụ điều tra tại các huyện khác nhau cho tới trước khi được thăng chức Thượng Thư Bộ Hình. Theo trình tự thời gian, thì sự kiện trong phim Địch Nhân Kiệt diễn ra 8 hoặc 9 năm sau khi sự kiện cuối cùng trong bộ sách của van Gulik khép lại.
Thành công về thiết kế hình ảnh
Phố người Hồ: Phố người Hồ là trung tâm của cuộc sống thường nhật tại Lạc Dương. Nó được thiết kế nằm bên bờ sông, trong tầm nhìn của cung điện hoàng gia và tòa phật tháp đang được xây dựng. Trên đường phố có người tu hành, người bán hoa quả dạo, nhạc công, ăn mày, thầy bói... Nhưng con người không phải là những cư dân duy nhất của thị trấn, rải rác đâu đó còn có voi, lạc đà, ngựa, và thậm chí là cả hổ.
Tòa Phật tháp: Tạo ra tòa Phật tháp – ngôi chùa khổng lồ trong hình dáng Phật bà là thử thách lớn nhất đối với tổ thiết kế. Tòa phật tháp không chỉ là một địa điểm trong phim, nó còn là một vũ khí đóng vai trò chính trong âm mưu ám sát nữ hoàng Võ Tắc Thiên.
Trong kịch bản, tòa phật tháp được miêu tả là cao 120m, đủ cao để xuyên qua 33 tầng của thiên đàng để với tới tận cõi Niết Bàn. Phần đế của tòa tháp được xây dựng bởi hơn 100 tấn sắt thô, được cố định bởi những sợi cáp khổng lồ bằng thép để bảo vệ công trình này khỏi mưa bão và động đất.
Đội thiết kế tạo ra một vài mẫu với các kích thước khác nhau để sử dụng trong các cảnh ngoài trời. Phần nội thất của đế, phần giữa, và phần đỉnh tòa tháp sẽ được chia ra làm riêng trong các trường quay với kích thước thật.
Chợ Quỷ: Một trong những sản phẩm ấn tượng nhất trong phim là khu chợ Quỷ huyền bí, một thế giới ngầm bị lãng quên, vốn bị chôn vùi nhiều thế kỷ trước sau một trận động đất trong triều đại Nhà Hán. Trú ngụ tại nơi đây là những kẻ bị ruồng bỏ, người điên, và tội phạm, các hoạt động trao đổi vật phẩm trái phép và đẩy giả kim thuật ra xa khỏi tầm nhìn của xã hội. Cư dân ở chợ Quỷ đi lại bằng xuồng qua những mạng lưới kênh đào có ở khắp nơi.
Để nắm bắt được bầu không khí huyền bí tại chợ Quỷ, đội thiết kế đã thuê một cái hang nhân tạo vốn được du khách ưa chuộng, và đổ đầy nó bằng nước lạnh băng. Sau đó, các nhà làm phim tạo ra những chùm sáng phản xạ từ mặt nước, trở thành những hiệu ứng đặc biệt trên nóc và vách hang động, vẻ bí hiểm càng được tăng thêm khi đây đó lại bị che mờ bởi sương khói. Không nhìn rõ lối vào hay lối ra, cũng gần như mất cảm giác về phương hướng, nơi đây sẽ đem lại một cảm giác nguy hiểm thường trực.
Vô Cực Quan: Cũng là một trong những địa điểm quan trọng trong phim, đây là khu vực của pháp sư hoàng gia. Mười hai bức tượng với hình đầu thú, tượng trưng cho mười hai con giáp đứng trấn trước cửa đền, đồng thời cũng là một thế trong một loại cờ phổ biến ở Nhà Đường thời bấy giờ, ngầm báo hiệu rằng sẽ có một cuộc đấu trí sẽ diễn ra giữa Nhân Kiệt và vị pháp sư kia.
Trong ngôi đền, nguyên lý ngũ hành càng nhấn mạnh sự siêu nhiên của nó. Canh giữ bên trong bóng tối của ngôi đền là đội bảo vệ mù, chỉ dựa vào thính giác của chúng để cảm nhận xung quanh. Nguồn sáng duy nhất trong ngôi đền đến từ cái ao ở chính giữa. Nơi đây ánh lên những luồng sáng màu xanh, phát ra từ những hòn đá phốt-pho lát dưới đáy ao.
Phim hiện đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.