Nhân rộng mô hình HTX đầu tư, khai thác chợ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:51, 16/11/2010

(HNM)- Theo Sở Công thương Hà Nội, hệ thống chợ trên địa bàn thành phố tuy được đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang nhưng chưa khuyến khích được hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ.


Việc giao chợ cho HTX đầu tư, khai thác, quản lý đạt hiệu quả hơn so
với mô hình ban quản lý.

Nguyên nhân là do công tác quản lý các chợ chủ yếu theo mô hình BQL là đơn vị sự nghiệp có thu lại có nhiều đầu mối, không thống nhất trong cách quản lý, nên đã làm hạn chế hiệu quả hoạt động kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Mặt khác, việc quản lý, khai thác chợ theo mô hình BQL chưa phát huy được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Vì vậy, hằng năm thành phố và các quận, huyện vẫn phải dành một khoản ngân sách khá lớn để đầu tư nâng cấp, cải tạo chợ.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND TP đã cho phép các tổ chức, cá nhân, HTX, DN đầu tư xây dựng chợ được quyền tổ chức khai thác, quản lý chợ dưới hình thức DN theo quy định của pháp luật. Đến nay, đã có một số chợ được các HTX trực tiếp tham gia đầu tư xây dựng, khai thác như chợ Láng Hạ (HTX Láng Hạ), Đức Hòa (HTX Thương mại Dịch vụ Việt Phương), chợ xe máy Dịch Vọng (HTX Dịch Vọng), Trung Văn (HTX Thống Nhất)... HTX Láng Hạ đã đầu tư 6 tỷ đồng xây dựng chợ với diện tích 8.000m2, thu hút 450 hộ kinh doanh. HTX Trung Hòa đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng 2 chợ với tổng diện tích 4.800m2, vừa kinh doanh chợ vừa mở dịch vụ cho thuê xe văn phòng, rửa xe, thu hút 250 lao động. Chợ Nành (Gia Lâm) do HTX Dịch vụ tổng hợp Ninh Hiệp khai thác có diện tích 6.030m2, với 930 hộ kinh doanh...

Tuy mới hoạt động được vài năm, nhưng hầu hết các chợ do HTX quản lý đều hoạt động có hiệu quả. Điều đó cho thấy, việc giao chợ cho các HTX đầu tư, khai thác, quản lý theo hình thức hạch toán kinh doanh, tự bảo đảm thu chi, chủ động mọi hoạt động có nhiều ưu điểm vượt trội so với mô hình BQL. Nhờ đó, đã thực hiện được xã hội hóa trong đầu tư, huy động được các nguồn vốn, giảm chi cho ngân sách, góp phần giải tỏa chợ cóc, chợ tạm. Song, quá trình hoạt động của mô hình HTX quản lý, khai thác chợ cũng bộc lộ bất cập. Bởi, những chợ mà các HTX quản lý, khai thác hiện nay hầu hết là chợ nhỏ, nên các HTX mới chỉ tập trung vào quản lý, chưa có nhiều hoạt động khai thác dịch vụ; chưa tổ chức được cung cấp nguồn hàng cho tiểu thương nên không quản lý, điều tiết được giá các loại hàng hóa.

Nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác chợ, chuyển đổi mô hình BQL chợ sang mô hình HTX quản lý, UBND TP cần có cơ chế thích hợp, ưu đãi, khuyến khích HTX đầu tư cho việc xây dựng mới, xây dựng lại chợ, nhất là đối với các chợ nông thôn, chợ loại 3 tại các huyện ngoại thành. Đấu thầu lựa chọn HTX có phương án khai thác kinh doanh có hiệu quả nhất để giao quản lý kinh doanh chợ; giải thể BQL chợ, thành lập HTX mới để quản lý kinh doanh chợ. Với các chợ xây mới, xây lại cần áp dụng mô hình HTX quản lý chợ. Khi tham gia đầu tư xây dựng chợ, HTX sẽ được hưởng các ưu đãi, khuyến khích về thuế như đối với các dự án sản xuất theo quy định... Huy động và khai thác nguồn lực của HTX, xã viên và các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng chợ. Thực hiện cơ chế giao đất, hạ tầng cơ sở hiện có cho các HTX đang kinh doanh chợ, áp dụng với các HTX đang hoạt động kinh doanh, khai thác chợ có hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Thanh Hiền