Chi 27.000 tỷ đồng điều chỉnh tiền lương
Chính trị - Ngày đăng : 07:01, 16/11/2010
Bên cạnh các ý kiến đồng tình, đáng chú ý có ĐB cho rằng, việc phân bổ NSTƯ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang có xu hướng ngày càng giảm dần. Về vấn đề này, UB TVQH khẳng định, tổng số vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đã và đang tiếp tục tăng. Năm 2011, tổng số vốn đầu tư cho lĩnh vực này trên địa bàn cả nước tăng khoảng 8,5%. Trước những ý kiến băn khoăn về khoản 3.500 tỷ đồng đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, UB TVQH cho rằng, việc đầu tư như vậy là thực hiện chiến lược phát triển mạnh ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025. Theo chiến lược này thì Tập đoàn Dầu khí được để lại ít nhất 50% lợi nhuận để đầu tư phát triển. Năm 2011, do khả năng cân đối đầu tư phát triển từ NSNN còn hạn chế nên việc để lại 3.500 tỷ đồng cho ngành này là hợp lý (chỉ bằng 50% so với mức cần đầu tư trở lại). Ngoài các vấn đề trên, các ĐB đề nghị xem xét các vấn đề: rà soát lại việc hỗ trợ các trung tâm y tế tỉnh 500 tỷ đồng và việc hỗ trợ 13 tỉnh, TP có nguồn thu lớn 500 tỷ đồng; cơ chế hỗ trợ đầu tư các dự án quan trọng cấp bách của địa phương 3.619 tỷ đồng...
Sau khi nghe giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển, các ĐB đã thông qua Nghị quyết về phân bổ NSTƯ năm 2011.
Theo đó, tổng số thu cân đối NSTƯ năm 2011 là 398.679 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 206.321 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSTƯ năm 2011 là 519.279 tỷ đồng, bao gồm cả 126.208 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ NSTƯ cho ngân sách địa phương. Đáng chú ý, QH đã thống nhất chi 27.000 tỷ đồng cho việc điều chỉnh tiền lương năm 2011.
QH cũng quyết định, thời điểm ổn định ngân sách địa phương là 5 năm, từ năm ngân sách 2011 đến hết năm ngân sách 2015.
Về một số vấn đề cụ thể, QH quyết định về hỗ trợ đầu tư các dự án, công trình cấp bách của địa phương với nội dung: NSTƯ chỉ hỗ trợ một phần vốn đầu tư tập trung chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian không quá hai năm đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, chỉ cân đối được ngân sách địa phương từ 50% trở xuống, ưu tiên các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ; hỗ trợ đầu tư các dự án, công trình theo quyết định của cơ quan lãnh đạo cao nhất.
* Trước đó, với đa số ĐB tán thành, QH đã thông qua 3 dự thảo luật: Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Viên chức và Luật Thuế bảo vệ môi trường.
l Ngày 15-11, nội dung dự án Luật Khiếu nại tiếp tục được QH thảo luận tại hội trường (ngày 29-10, QH đã thảo luận tại tổ về nội dung dự án luật này). Các ĐBQH tán thành với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo luật, được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành của Luật Khiếu nại, Tố cáo: ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng, thực tiễn, quá trình phát sinh khiếu nại chủ yếu từ phạm vi hành chính với căn cứ khiếu kiện là các quyết định hành chính, nên phạm vi quy định của luật là sát thực. Tuy nhiên, các ĐB đề xuất, nên quan tâm xem xét về loại khiếu nại, giải quyết khiếu nại của đơn vị sự nghiệp công lập, vì các tổ chức sự nghiệp công lập không phải là các cơ quan hành chính nhà nước, trong quan hệ với công dân không có quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Bên cạnh việc thống nhất về phạm vi điều chỉnh, các ĐB đề nghị tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền thụ lý việc khiếu nại để bảo đảm tính dân chủ, công khai, đồng thời bảo đảm tính khả thi đối với cơ quan tiếp nhận khiếu nại. ĐB Trần Thị Phương Hoa (Nam Định) băn khoăn về tính khả thi đối với quy định thời hạn thụ lý đơn khiếu nại là 3 ngày, hay thời hạn giải quyết khiếu nại là 10 ngày như dự thảo luật, bởi thực tế số vụ việc khiếu nại ngày càng tăng, khả năng tiếp nhận thực tế của các cơ quan chức năng khó đáp ứng được đòi hỏi của luật và nếu luật được thực thi, chính những cơ quan giải quyết khiếu nại sẽ vi phạm luật trước.
Một thực tế mà nhiều ĐBQH nêu ra và bày tỏ sự quan tâm sâu sắc là tình trạng khiếu nại đông người diễn ra phức tạp. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, khiếu nại đông người ngày càng tăng và năm 2010 có gần 3.600 vụ. Tại dự thảo Luật Khiếu nại cũng đề cập nhiều về nội dung này với quy định "trong trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn từng người viết đơn riêng để được giải quyết"...
Về vấn đề này, các ĐB cho rằng, khiếu nại đông người thực chất là nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, môi trường... Đối với các vụ việc này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn phải giải quyết dưới các hình thức khác nhau như tiến hành thanh tra, xác minh, sau đó ra văn bản trả lời... Tuy nhiên, do chưa có quy định của pháp luật về xử lý khiếu nại đông người nên khi có vụ việc xảy ra đã gây không ít khó khăn, lúng túng trong quá trình xem xét, giải quyết. Vì vậy, các ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Trần Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị luật cần bổ sung quy định chi tiết về vấn đề này, không nên né tránh. Đồng thời với việc yêu cầu tiếp nhận khiếu nại đông người như một thực tế khó tránh khỏi, các ĐB cũng đề cập nhiều giải pháp cần cụ thể hóa trong luật để hạn chế hiện tượng này.
- Tổng chi NSTƯ năm 2011: 425.500 tỷ đồng. - Chi cho đầu tư xây dựng cơ bản: 78.800 tỷ đồng, trong đó chi cho Chương trình biển Đông, hải đảo, Cảnh sát Biển 52.420 tỷ đồng. - Chi cho xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch: 160 tỷ đồng. - Chi cho vay chính sách (hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, nhà ở cho người nghèo, cho vay hộ đồng bào nghèo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, xuất khẩu lao động ở 62 huyện nghèo...): 820 tỷ đồng. - Chi trả nợ: 85.000 tỷ đồng. - Chi cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề: 22.600 tỷ đồng (trong đó chi bằng nguồn vốn vay viện trợ là 1.167 tỷ đồng). - Chi y tế: 10.200 tỷ đồng (trong đó chi bằng vốn vay viện trợ là 1.728 tỷ đồng). - Chi cho khoa học, công nghệ: 4.870 tỷ đồng (trong đó chi bằng nguồn viện trợ là 117 tỷ đồng). - Chi cho phát thanh, truyền hình, thông tấn: 940 tỷ đồng. - Chi lương hưu và bảo đảm xã hội: 59.450 tỷ đồng. - Chi sự nghiệp bảo vệ môi trường: 1.100 tỷ đồng. - Chi quản lý hành chính: 450 tỷ đồng. - Trợ giá mặt hàng chính sách: 450 tỷ đồng. - Chi điều chỉnh tiền lương: 27.000 tỷ đồng. |
Ðại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Ðồng Nai): ÐBQH cũng cần có phương thức phối hợp trong giải quyết khiếu nại Thành Tâm |