Lợi trước mắt, hại lâu dài
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:46, 16/11/2010
Ngày 13-11 vừa rồi Bộ Công thương đã tổ chức hội thảo về công tác vận hành hồ chứa thủy điện. Hội thảo kết thúc, song tới giờ vẫn còn nhiều ý kiến ngược xuôi, người bảo oan cho việc thủy điện bị coi là thủ phạm trực tiếp gây nên những đợt ngập lụt nghiêm trọng ở hạ lưu các con sông, người lại cho rằng không thể nói thủy điện... vô can và khẳng định tới đây sẽ chất vấn trước Quốc hội chuyện này.
Tuy nhiên chuyện không chỉ có vậy!
Thực tế thời gian qua, việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện nhỏ (công suất từ 5MW đến 30MW) thu hút sự quan tâm đặc biệt của các DN tư nhân. Trước hết là do đầu tư xây dựng thủy điện dễ dàng nhận được sự ưu ái của hệ thống ngân hàng trong tiếp cận vốn vay. Tiếp đó là khả năng thu hồi vốn nhanh. Và một lý do nữa như phát biểu của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đó là nhiều nơi muốn tăng GDP bằng mọi giá nên cấp phép xây dựng thủy điện nhỏ tràn lan (theo phân cấp, thủy điện có công suất dưới 50MW do địa phương cấp phép). Do đó, theo thống kê, năm 2005 cả nước có 340 dự án thủy điện nhỏ được phê duyệt thì nay con số này tăng lên gần gấp 3 lần với 880 dự án (tổng công suất 5.880MW), ấy là chưa kể tới hàng chục dự án vượt quy hoạch ban đầu.
Do sức hút về lợi nhuận nên nhiều DN giành bằng được phần đầu tư dự án thủy điện rồi cất đi làm "của để dành". Ví dụ như Nghệ An, nơi có 37 dự án thủy điện nhỏ đăng ký thì theo tiến độ của các chủ đầu tư đặt ra, các dự án đã triển khai thi công đều chậm hơn tiến độ từ 6 tháng đến 30 tháng. Liệu khi các DN đủ điều kiện thi công (có mặt bằng sạch, đủ điều kiện về vốn, máy móc, nhân lực...) thì những dự án đó còn phù hợp với tổng thể quy hoạch chung? Ấy là chưa kể đến những thiệt hại khi người dân phải hy sinh đất sản xuất, thậm chí phải di chuyển cả nơi ở cho việc triển khai các dự án để cuối cùng khi có mặt bằng thì lại để hoang hóa. Hoặc tình trạng hạn hán, thiếu nước do dòng chảy của các con sông thay đổi... hay việc xây dựng quá nhiều hồ chứa nước cho các thủy điện nhỏ trên những con sông ngắn, dốc ở miền Trung, Tây Nguyên dẫn đến nguy cơ úng lụt vùng hạ du luôn thường trực mỗi khi có mưa lớn, bão lũ...
Mặt khác, cũng vì những nguyên nhân trên, nhiều DN kinh doanh gỗ, cao su, xây dựng... thậm chí cả mua bán bất động sản cũng đổ xô đầu tư xây dựng thủy điện trong khi không hề có kinh nghiệm về lĩnh vực này. Làm theo phong trào, không thuộc lĩnh vực chuyên môn chính nên không tránh khỏi tình trạng thiếu thiết bị, phương tiện, thiếu đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề... Từ đó dẫn đến những hạn chế trong giám sát, thi công và không thể nói những dự án đó là có sự tính toán cẩn trọng hoặc có chất lượng tốt. Ấy là chưa nói tới những ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường, điều kiện dân sinh...
Chúng ta đang thiếu điện, việc phát triển thủy điện - nguồn tài nguyên thiên nhiên để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển KT-XH của đất nước là hợp lý. Song việc phát triển đó phải nằm trong một quy hoạch tổng thể có tính toán mọi yếu tố tác động. Đó cũng là yêu cầu bắt buộc của sự phát triển bền vững. Vậy nên cần nhanh chóng rà soát lại toàn bộ quy hoạch mạng lưới thủy điện quốc gia, đặc biệt là các dự án thủy điện vừa và nhỏ hiện đang do các địa phương quản lý. Kiên quyết đình chỉ các dự án không còn phù hợp kể cả đang thi công hoặc đã đi vào hoạt động. Và quan trọng là phải quy về một đầu mối quản lý nhà nước để không rơi vào tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương cùng "quản" nhưng không biết quy kết trách nhiệm cụ thể cho ai, dẫn đến việc thẩm định, cấp phép, kiểm tra, giám sát nhiều dự án thủy điện quá lỏng lẻo như thời gian vừa qua.