Viêng Chăn: Những dấu ấn lịch sử

Thế giới - Ngày đăng : 07:22, 15/11/2010

(HNM) - Với hơn 2000 năm phát triển, thành phố Viêng Chăn chính thức trở thành kinh đô của Vương quốc Lạn Xạng từ năm 1560. Đánh dấu sự kiện Thủ đô Viêng Chăn tròn 450 năm, lần đầu tiên trong lịch sử, CHDCND Lào tổ chức lễ kỷ niệm long trọng với các hoạt động chính dự kiến diễn ra tại Quảng trường Thạt Luổng và sân vận động quốc gia từ ngày 15 đến 21 - 11 - 2010.

Viêng Chăn hay còn gọi là Mương Phay Nam hay Mương Chănxixattanac, một thành phố cổ kính của Lào. Tuy nhiên, trong công cuộc giải phóng và thống nhất Vương quốc Lạn Xạng từ năm 1349-1357, nước Lào lập kinh đô đầu tiên tại Mương Xiêng - Đông Xiêng Thong hay còn gọi là Mương Xoa (Luổng Pha Bang ngày nay). Năm 1560, dưới triều vua Setthathilat (1534-1572), kinh đô mới dời về Viêng Chăn.

Thạt Luổng, một công trình nghệ thuật vĩ đại, biểu tượng của đất nước Lào.

Viêng Chăn nằm ở trung độ của đất nước, một vùng trù phú đông dân, một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa qua các thời kỳ lịch sử. Năm 1566, Vua Setthathilat cho xây dựng Thạt Luổng, một công trình kiến trúc Phật giáo vĩ đại, biểu tượng của đất nước Lạn Xạng, với hệ thống một tháp chính và 13 tháp phụ. Tiếp theo là một số công trình chùa tháp khác được xây dựng trong thời kỳ hoàng kim của đất nước như chùa Xixaket, với 9.161 pho tượng Phật, chùa Phìa Vat, Hò Pha Keo, đền tượng Phật Keo Môracôt... Viêng Chăn còn là quê hương của thơ, ca, múa, nhạc, của bản trường ca bất hủ Sin Say dài 8.000 câu của nhà thơ lớn Pangkhăm, của những truyền thuyết anh hùng Champasitôn, Kalaket, Nhôn Nhang... của điệu múa Lămvông và tiếng khèn tuyệt diệu, những làn điệu khắp ngừm, lăm tắt, lăm tơi... như không bao giờ muốn tắt trên những cánh đồng lúa, rừng cây và dòng sông xanh mát.

Từ năm 1893, thực dân Pháp chiếm Lào, phong trào đấu tranh của các dân tộc bộ tộc lại sục sôi khắp đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Xứ ủy Ai lao, từ những năm 1934-1935, ở Viêng Chăn đã nổi lên phong trào của công nhân, công chức, học sinh, sinh viên đòi dân sinh, dân chủ. Cho đến năm 1945, cùng với cả nước, Viêng Chăn đã đứng lên rầm rộ giành chính quyền, thành lập Chính phủ Lào độc lập ngày 12-10-1945.

Chưa được bao lâu, nhân dân Lào lại phải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai (1946) và chống đế quốc Mỹ cho đến ngày 1-12-1975, Đại hội quốc dân diễn ra tại thủ đô Viêng Chăn với 264 đại biểu các dân tộc, bộ tộc Lào, tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chế độ thực dân và phong kiến, thành lập chế độ cộng hòa dân chủ nhân dân.

Ngày 2-12-1975, cả dân tộc reo hò, hướng về thủ đô Viêng Chăn thân yêu, nơi ghi dấu bao sự tích anh hùng, nay lại ghi thêm một chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước Lào. Hôm nay, sau 35 năm hoàn toàn được giải phóng (1975-2010), Viêng Chăn hiên ngang giữa lòng tổ quốc thiêng liêng của mình. Trải qua 450 năm với bao thăng trầm lịch sử, Thát Luổng vẫn vút cao giữa nền trời xanh mênh mông.

Hoài Nguyên