Chìa khóa chiến lược của Nga trong thế kỷ XXI

Thế giới - Ngày đăng : 07:16, 15/11/2010

(HNM) - Trong lúc châu Âu còn đang rối bời với bài toán đa dạng hóa nguồn cung năng lượng thì chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu mặt hàng này của Nga đang ầm ầm tăng tốc.

Sau khi cuộc vận hành thử nghiệm đường ống dẫn dầu thô nối vùng Viễn Đông của Nga với khu vực Đông Bắc Trung Quốc cho kết quả tốt, ngay trong tháng 11 này khoảng 250.000 tấn dầu thô từ Nga sẽ chảy sang nước này. Đây là một phần của tuyến đường ống dẫn dầu dài 4.000km từ vùng Đông Siberia của Nga tới Thái Bình Dương. Nhánh ở Trung Quốc của tuyến đường ống chạy từ thị trấn biên giới Mạt Hạt tới thành phố Đại Khánh, thuộc tỉnh Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc. Dự án chiến lược này không những là cơ sở để dầu mỏ và khí đốt Nga chảy tới các thị trường mới ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực cũng khát năng lượng không thua kém châu Âu, mà còn mở ra cơ hội phát triển khu vực Viễn Đông.

Về địa lý, Viễn Đông là khu vực xa nhất về phía đông của nước Nga, có diện tích trên 6.169.300km2, được chia thành 5 vùng: đông bắc Siberia, Amur Sakhalin, cận Thái Bình Dương, trung Siberia và nam Siberia. Sau khi Liên Xô tan rã, từ năm 1992, quá trình di dân từ Viễn Đông tới các khu vực trung tâm đã diễn ra ồ ạt. Một vùng vốn đã rất thưa thớt dân cư, nay lại càng vắng bóng người sinh sống. Chính vì vậy, dù chiếm tới 36% diện tích của nước Nga nhưng dân số nơi này chỉ có khoảng 6.500.000 người. Không một quốc gia nào trên lục địa Á - Âu lại có giãn cách quá lớn về kinh tế - xã hội giữa các vùng như ở Viễn Đông và phần còn lại của nước Nga. Trong khi đó, ngoài việc là một cảng biển lớn, có vị trí hết sức quan trọng để xứ Bạch dương xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài, Viễn Đông là khu vực tiềm ẩn nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú, da dạng, có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt trong việc đưa Nga trở thành một siêu cường về nhiều lĩnh vực trên thế giới.

Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân nên nhiều thập kỷ trôi qua, khu vực này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Những năm gần đây, sau một thời gian dài lâm vào khủng hoảng, Nga đã dần lấy lại vị thế kinh tế chính trị trên các diễn đàn thế giới, Mátxcơva bắt đầu thực sự coi trọng khai thác vùng Viễn Đông và đưa ra chiến lược phát triển khu vực này tới năm 2025. Một trong những nội dung chính của chiến lược này là tăng cường khả năng tập trung về chính trị, thúc đẩy phát triển các ngành hàng đầu ở khu vực, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng và tăng cường sức mạnh quân sự, bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực. Dự định tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2012 tại Vladivostok cho thấy quyết tâm của Mátxcơva đối với khu vực có tầm quan trọng chiến lược để Nga phát triển trong thế kỷ XXI.

Trên thực tế, sự phát triển mạnh mẽ của châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian qua cho thấy, nếu không coi trọng Viễn Đông, Nga sẽ bỏ lỡ cơ hội trở thành cầu nối Đông và Tây - một lợi thế trong cuộc đua giữa các cường quốc vào khu vực mà Mỹ cho là có nhiều cái "nhất" như: nền kinh tế phát triển sôi động nhất, tập trung nhiều của cải nhất và có lực lượng quân sự dày đặc nhất. Không những thế, Viễn Đông còn là một chìa khóa quan trọng để Mátxcơva duy trì và khẳng định vị trí cường quốc kinh tế và chính trị trong thế kỷ mới.

Quỳnh Chi