Động lực mới

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:45, 15/11/2010

(HNM) - Kết quả lạc quan từ Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Seoul (Hàn Quốc), đặc biệt những đồng thuận đạt được vào phút cuối về cam kết tránh phá giá đồng nội tệ vì mục đích cạnh tranh, đã tạo hứng khởi cho Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 18 (APEC 18) tại thành phố biển xinh đẹp Yokohama (Nhật Bản) vừa khép lại chiều 14-11, sau gần 48 giờ nghị sự.

Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vừa bước vào phục hồi sau cơn bão khủng hoảng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, APEC 18 đã hoàn tất một nhiệm vụ đầy khó khăn: tạo ra động lực mới tăng cường hợp tác và củng cố vị thế của khu vực trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế thế giới cũng như cải tổ các thể chế tài chính quốc tế.

Các đại biểu tại Hội nghị cấp cao APEC 18. (Ảnh: AFP)

Sự hoàn tất đó được thể hiện khi các nhà lãnh đạo APEC thông qua Báo cáo về các tiến bộ của 13 nền kinh tế thành viên trong việc thực hiện các mục tiêu Bogor và xem xét kết nạp thành viên mới trong thời gian tới. Điều này lý giải vì sao nước chủ nhà Nhật Bản chọn "Đổi mới và hành động" là chủ đề của APEC 18. Trong đó: "Duy trì tăng trưởng và thịnh vượng ở khu vực"; "Các mục tiêu Bogor và tương lai của APEC" là trọng tâm ưu tiên được bàn thảo trong hai phiên họp kín của hội nghị.

Động lực mới cho sự phát triển của APEC nói riêng và sự thịnh vượng toàn cầu nói chung đang trở thành hiện thực khi Tuyên bố "Tầm nhìn Yokohama - Bogor và sau đó" cùng 3 văn kiện quan trọng gồm: "Chiến lược tăng trưởng APEC", "Báo cáo đánh giá thực hiện các mục tiêu Bogor"; "Lộ trình liên kết kinh tế khu vực của APEC sau năm 2010" được các nhà lãnh đạo tại APEC 18 thông qua trong phiên bế mạc chiều 14-11.

Đặc biệt, lần đầu tiên khái niệm "Cộng đồng APEC" cũng như các biện pháp cụ thể hóa tầm nhìn về một cộng đồng mang tính khu vực đã được đưa ra tại APEC 18. Trong đó, việc sớm kết thúc vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu; nhất trí gia hạn cam kết không tăng thêm rào cản với các hoạt động đầu tư, thương mại hàng hóa và dịch vụ tới cuối năm 2013; không áp đặt hạn chế xuất khẩu mới hay thực hiện các biện pháp trái với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong tất cả các lĩnh vực là ưu tiên hàng đầu của APEC trong tương lai đã được cụ thể hóa trong "Tầm nhìn Yokohama" tại APEC 18.

Thế kỷ XXI vừa bước qua thời điểm được gọi là thế kỷ của châu Á khi châu Á - Thái Bình Dương đang vươn lên, trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu. Tuần qua dư luận thế giới đã đổ dồn về châu Á khi liên tiếp hai Hội nghị Thượng đỉnh G20 và APEC 18 được tổ chức tại hai quốc gia đầu tàu kinh tế của châu lục là Hàn Quốc và Nhật Bản với sự góp mặt của lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới để tìm giải pháp cho tương lai của kinh tế toàn cầu. Với 21 nền kinh tế thành viên, chiếm hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, 57% thương mại toàn cầu, APEC tiếp tục khẳng định là một cơ chế hợp tác khu vực hiệu quả sau hơn hai thập kỷ hình thành và phát triển.

Khác với các Hội nghị Cấp cao APEC mà Việt Nam từng tham gia kể từ khi trở thành thành viên chính thức của diễn đàn kinh tế lớn nhất khu vực (tháng 11-1998), đây là lần đầu tiên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu tham dự APEC với tư cách Chủ tịch ASEAN 2010. Tiếp nối những sáng kiến được đánh giá cao tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, đóng góp tích cực của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tại Hội nghị Cấp cao APEC 18 đã thật sự góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế và hợp tác giữa ASEAN và APEC. Sự kiện Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là 1 trong 5 nhà lãnh đạo APEC được trân trọng mời phát biểu chính tại Hội nghị Cấp cao Doanh nghiệp APEC 2010 (APEC CEO Summit 2010) và trong các phiên thảo luận một lần nữa cho thấy vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như vai trò kết nối ASEAN với APEC của Việt Nam được khẳng định sâu sắc hơn.

21 nền kinh tế APEC vừa có thêm động lực mới để phát triển khi APEC 18 vừa khép lại; song, như vậy không có nghĩa con đường hướng tới một "Cộng đồng APEC" trong tương lai là hoàn toàn bằng phẳng. Chiến lược tăng trưởng mới, phù hợp với tình hình kinh tế đang có nhiều thay đổi như một thách thức lớn đang đón chờ chúng ta ở phía trước. Điều này được khẳng định khi APEC 19 vừa được xác định sẽ tổ chức tại Hawaii - một bang của nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ.

Đình Hiệp