Một mô hình hoạt động câu lạc bộ tiêu biểu
Giáo dục - Ngày đăng : 07:08, 14/11/2010
Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học (YRC) có tuổi đời 17 năm và là ''anh cả'' trong ngôi nhà chung CLB ở ĐH Ngoại thương Hà Nội. Với mục đích cổ vũ, hỗ trợ và phát triển phong trào học tập, nghiên cứu khoa học của SV, từ ý tưởng của các nhà giáo, YRC được thành lập năm 1993 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đoàn thanh niên. Lúc đầu chỉ có 10 thành viên, đến nay CLB đã có gần 2.000 thành viên chính thức, 3 ban chức năng với hàng chục hoạt động khác nhau như tọa đàm, diễn đàn phương pháp học tốt, tổ chức các cuộc thi viết đề tài nghiên cứu khoa học… Trong đó cuộc thi "SV nghiên cứu khoa học" được tổ chức hằng năm với quy mô lớn, mà được tham gia và đoạt giải cuộc thi là một trong những mục tiêu, ước mơ của rất nhiều SV.
Đỗ Minh Hường, Chủ tịch CLB YRC cho biết: Để tạo sự hấp dẫn và lan tỏa cho cuộc thi, CLB thường xuyên tổ chức tọa đàm mang tên "Đỉnh tri thức" cho các thành viên, giúp họ có cách nhìn xác thực và đúng đắn trong việc lựa chọn, hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học; chia sẻ những khó khăn mà các thành viên khóa trước đã từng tham gia các đội thi gặp phải. Chỉ riêng năm học 2009-2010, thông qua chương trình "SV năng động", YRC đã tập hợp 170 bài viết và công trình nghiên cứu các vấn đề kinh tế của SV trong và ngoài trường. Thông qua hoạt động CLB, nhiều thành viên đã tích lũy được kinh nghiệm, nhờ đó mà có được những thành công trong công việc sau khi tốt nghiệp.
Cùng hoạt động với YRC, CLB Nguồn nhân lực cũng hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo SV tham gia thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm hướng dẫn kỹ năng phỏng vấn, xin việc, làm cầu nối giúp DN tuyển dụng lao động… Nổi bật như cuộc thi "Ứng viên tài năng" - nằm trong "Festival tuyển dụng" dành cho SV và cử nhân ngành kinh tế. Cuộc thi không chỉ dành cho SV của trường mà còn tạo sức hút với chuyên ngành kinh tế của 7 trường ĐH khác trên địa bàn TP Hà Nội.
Còn nhiều CLB như CLB Tiếng Anh hấp dẫn với chương trình "Hùng biện tiếng Anh"; CLB Marketting với các buổi hội thảo tự tin về nghề, triển lãm sản phẩm dịch vụ công nghệ cao…; CLB Luật học tổ chức hội thảo về công tác quản lý doanh nghiệp cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn; CLB Tiếng Nhật tổ chức chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam và Nhật Bản, các sân chơi chủ đề "Du lịch Nhật Bản"…
Hiện nay, các CLB của trường được chia làm 3 nhóm lĩnh vực hoạt động, đó là các nhóm CLB sở thích, CLB chuyên môn và CLB tiếng nước ngoài. Xây dựng mô hình, cách thức hoạt động là sự sáng tạo của SV và sự giúp đỡ, định hướng của BCH Đoàn trường. Mỗi CLB có một thế mạnh, SV tự đăng ký tham gia theo sở trường, sở thích. Mỗi CLB đều phải chủ động xây dựng kế hoạch và hoạt động theo mảng chủ đề, tạo sự gần gũi, thiết thực, các thành viên trong CLB ai cũng có nhiệm vụ riêng, khi tổ chức phong trào, hoạt động đều có trách nhiệm với công việc.
PGS.TS Nguyễn Văn Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội khẳng định: Sáng kiến của đoàn trong việc thành lập các mô hình CLB đã giúp nhà trường quản lý SV tốt hơn, tạo sân chơi bổ ích, giúp SV tránh xa các tệ nạn xã hội. Hiện Trường ĐH Ngoại thương không có học sinh nghiện ma túy và sa vào tệ nạn xã hội là một trong những nhà trường có uy tín về đào tạo và quản lý SV trong cả nước.