Tiếp tục bắc những nhịp cầu văn hóa
Văn hóa - Ngày đăng : 07:03, 14/11/2010
- Thưa dịch giả Thúy Toàn, xin chúc mừng ông và dường như sự kiện ông được nhận Huân chương Hữu nghị của Nga không phải quá bất ngờ?
- Xin cảm ơn các bạn! Đây là niềm vui không quá bất ngờ nhưng cũng khá thú vị với tôi. Cách đây một năm, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Trung tâm Văn hóa - Khoa học Nga tại Việt Nam đã đề nghị tôi cung cấp thông tin cá nhân. Lúc đó tôi cũng chỉ biết mang máng là mình có thể được nhận một phần thưởng nào đấy. Rồi tôi cũng quên đi. Đến ngày 21-10, Đại sứ quán Nga thông báo tôi được mời sang dự Ngày hội Thống nhất của nước Nga và sau khi nhận được thư mời của Văn phòng Tổng thống tôi mới biết chính thức mình sẽ cùng với 11 người khác được nhận huân, huy chương hữu nghị của Nga.
Nhà thơ, dịch giả Thúy Toàn. |
- Ông đã đến Nga từ khi mới mười tám đôi mươi, rồi cũng trở lại Nga rất nhiều lần. Nhưng lần trở lại này hẳn có một ý nghĩa đặc biệt. Không khí cũng như cảm xúc của ông tại buổi lễ nhận huân chương thế nào, thưa dịch giả?
- Theo chương trình, Văn phòng Tổng thống Nga sẽ đón tôi từ ngày 3-11. Nhưng vì tôi đến sớm (2-11) nên phải chủ động mọi việc của mình trước khi chính thức đến khách sạn "President" do Văn phòng Tổng thống sắp xếp. Cảm xúc đầu tiên của tôi là tình cảm tiếp đón nồng nhiệt của cộng đồng người Việt ở Nga đối với tôi. Đặt chân tới Phòng Vàng và Phòng Bạc của Điện Kremlin, khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trao cho tôi Huân chương Hữu nghị, tôi cảm thấy đây không phải chỉ là niềm vui cho cá nhân tôi mà còn là niềm vui chung cho quan hệ hai nước Việt - Nga, cho chặng đường hợp tác mới giữa văn học dịch hai nước. Đã có rất nhiều thế hệ người Việt làm công tác dịch thuật, giới thiệu văn học Nga, nhưng đến nay tôi may mắn là người đầu tiên được ghi nhận.
- Sau khi nhận huân chương, ông đã tặng cho Tổng thống Nga một cuốn sách, đó là tác phẩm gì vậy thưa ông?
- Đây là một tình huống không có trong kịch bản chương trình. Xuất phát từ tình cảm chân thành của mình, tôi đã "liều" mang theo và tặng Tổng thống Nga bản tiếng Việt cuốn "Khúc ca về cuộc hành binh Igor" ra đời từ thế kỷ XII với thông điệp kêu gọi sự đoàn kết trong đấu tranh. Cuốn sách được tái bản tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm hơn 825 năm ngày ra đời khúc ca này. Tôi thấy Đài TH Nga cũng đưa đi đưa lại nhiều lần chi tiết này.
- Thưa dịch giả, trong chuyến đi kéo dài một tuần qua, hẳn ông cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc khác nhằm thúc đẩy văn học dịch giữa hai nước?
- Quả thực, trong chuyến đi này tôi cũng được Hội Nhà văn giao nhiệm vụ kết nối với những nhà Việt Nam học, dịch giả Nga góp phần chuẩn bị cho việc ra đời Trung tâm Dịch thuật văn học tại Việt Nam. Tôi đã kịp gặp gỡ, trao đổi với một số người, trong đó có những nhà Việt Nam học, dịch giả thuộc thế hệ đầu tiên của nước Nga, những người từng dịch tác phẩm văn học của Ma Văn Kháng, Nguyễn Minh Châu, Tô Hoài, Nguyên Hồng... Họ cũng đã nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi những dịch giả trẻ hơn. Thậm chí có những người không phải là dịch giả nhưng cũng sẵn sàng giới thiệu cho chúng ta những người trẻ yêu thích văn học Việt Nam. Tôi cũng đã trao đổi với cộng đồng người Việt ở Nga về những đầu mối liên quan đến hoạt động xuất bản, phát hành sách tại Nga.
- Đã có một thời, văn học Nga có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của các thế hệ thanh niên Việt Nam. Hiện nay, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển văn học của đất nước rộng lớn nhất thế giới này?
- Đúng là đã có một thời kỳ dài, văn học Nga có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của các thế hệ người Việt Nam. Và cũng một thời kỳ văn học Nga gần như bị lãng quên. Nhưng đến cuối những năm 1990 và sang thế kỷ mới, nhận thấy những giá trị lâu bền của văn học Nga, chúng ta đã liên tục tái bản những tác phẩm này. Sau đó, nhiều dịch giả bắt đầu tìm kiếm, dịch và xuất bản những tác phẩm mới. Có thể kể đến Hồng Thanh Quang với "Một góc thơ Nga", Bằng Việt "Thơ trữ tình thế kỷ XX" rồi Triệu Lam Châu...
Theo tôi biết, hiện nay lực lượng sáng tác văn học Nga vẫn không hề giảm, đặc biệt là xuất hiện nhiều tác giả nữ mới. Hằng năm có khoảng 1.000 tiểu thuyết, truyện vừa được xuất bản. Thơ thì cũng nhiều như ở ta.
- Như vậy, để chuẩn bị cho việc thúc đẩy dịch văn học giữa hai nước, chúng ta cũng cần một lực lượng am hiểu cả ngôn ngữ và văn học Việt. Ngoảnh lại ông có thấy vững tin vào lực lượng kế cận không?
- Chúng ta có nhiều dịch giả trẻ và giỏi đấy, nhưng vấn đề là họ cũng bị chi phối bởi nhiều công việc khác. Tuy nhiên, vẫn có những gương mặt gắn bó với việc dịch văn học Nga như nhà báo Hồng Thanh Quang, nữ TS Thụy Anh (người đang giữ vai trò Chủ nhiệm CLB "Đọc sách cùng con")... Tất nhiên, đội ngũ này cần được bổ sung và xây dựng mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng đòi hỏi trong thời gian tới.
Dịch giả Thúy Toàn hiện là Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây, hội viên danh dự Hội Nhà văn Nga. Ông là người đầu tiên dịch thơ Nga trực tiếp từ tiếng Nga sau thế hệ những dịch giả dịch thơ Nga qua các ngôn ngữ khác như Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Trung Thông. Bên cạnh 15 tập thơ Nga đã xuất bản, Thúy Toàn còn là dịch giả của 4 tiểu thuyết, tập truyện ngắn khác. Ông cũng là tác giả của một số bút ký như "Nghĩ về những con đường nước Nga", "Cỗ xe Tam mã Nga"... Hiện ông đang tập trung cho công trình khảo cứu "Hơn nửa thế kỷ thơ Nga ở Việt Nam". |