Hiện đại hóa, hướng tới nền giáo dục tiên tiến

Giáo dục - Ngày đăng : 06:25, 14/11/2010

(HNM) - "Bài toán" quy mô và chất lượng đã được ĐH GTVT "giải" khá tốt trong từng giai đoạn phát triển. Trong giai đoạn hiện nay, quy mô đào tạo của nhà trường không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành GTVT mà còn là một yếu tố quan trọng tạo nên vị thế của trường trong hệ thống các trường ĐH và CĐ.

Hài hòa quy mô và chất lượng

Trên 46.000 kỹ sư, gần 1.000 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo dưới mái trường ĐH GTVT trong 65 năm qua đã có mặt ở hầu hết các công trình giao thông lớn của đất nước như đường Trường Sơn, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, đường sắt Thống Nhất, cầu Mỹ Thuận, đường Hồ Chí Minh, cầu Bãi Cháy, Thanh Trì, hầm Thủ Thiêm, các đoàn tàu đường sắt tốc độ cao, trạm trộn bê tông nhựa nóng, hệ thống tổ chức giao thông công cộng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh... Để "sản phẩm" đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển nhanh về GTVT của đất nước trong những năm qua, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, nhà trường đã có những đổi mới to lớn và mạnh mẽ về đào tạo, NCKH, xây dựng đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất... với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Sinh viên Trường ĐH Giao thông - Vận tải thực tập trắc địa. ảnh: Trung Kiên

Năm học 2009-2010, trường có hơn 31.000 sinh viên, nghiên cứu sinh. Trong đó có hơn 100 nghiên cứu sinh, 18.000 sinh viên hệ chính quy với số sinh viên tuyển mới là hơn 4.000 người. Cùng với việc bảo đảm quy mô, nhà trường tập trung cho việc chuyển đổi mô hình đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ. Từ năm học 2009-2010, Trường ĐH GTVT đã bắt đầu triển khai đào tạo tín chỉ trên diện rộng mà không gặp vướng mắc lớn. Nhà trường đang tiếp tục triển khai chuyển đổi chương trình đào tạo thạc sĩ sang hệ thống tín chỉ.

Để nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với mô hình đào tạo mới, nhà trường đã tổ chức rà soát, cơ cấu lại chương trình đào tạo hệ ĐH theo hướng hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng nhu cầu xã hội. Đến tháng 7-2009, trường đã hoàn thành chương trình đào tạo ĐH của 15 ngành với 69 chuyên ngành. Trong chương trình mới, thời gian đào tạo được rút ngắn từ 0,5 đến 1 năm, lược bớt một số môn hoặc nội dung đã lạc hậu, bổ sung cập nhật môn học và kiến thức mới theo hướng tiếp cận chương trình đào tạo của một số trường ĐH tiên tiến trên thế giới. Nhờ đó, quy mô đào tạo tăng hằng năm song chất lượng đào tạo vẫn được giữ vững và từng bước nâng cao.

Vững vàng đào tạo và nghiên cứu

Cũng như các cơ sở đào tạo khác, công tác NCKH được ĐH GTVT coi là một trong 2 nhiệm vụ trọng tâm và góp phần hỗ trợ nhiệm vụ cho đào tạo. Với mục tiêu xây dựng Trường ĐH GTVT trở thành trung tâm đào tạo có uy tín và nghiên cứu khoa học mạnh của ngành, từ năm 2005 đến năm 2009, gần 800 giảng viên, trong đó có 50 GS, PGS; 120 tiến sĩ khoa học và tiến sĩ đã nghiên cứu gần 500 đề tài, gồm 12 đề tài cấp nhà nước, 134 đề tài cấp bộ, 335 đề tài cấp trường, 10 đề tài bảo vệ môi trường. Nhiều đề tài, dự án có tính thời sự của ngành và có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội như "Xác định ưu tiên cho lộ trình đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng GTVT của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2015-2020"; "Xây dựng luận cứ khoa học đầu tư phát triển bền vững cơ sở hạ tầng GTVT tuyến ven biển Vũng Tàu - Tân Thành". Đặc biệt, nắm bắt được ý tưởng ngầm hóa hệ thống các đường dây nổi trên địa bàn thành phố Hà Nội, các giảng viên - nhà khoa học của trường đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu hệ thống tuy - nen kỹ thuật hợp lý để hiện đại hóa và ngầm hóa các công trình đường dây đi nổi trên địa bàn Hà Nội". Những công trình nghiên cứu của thầy cũng là nơi các nghiên cứu sinh, học viên cao học và cả sinh viên được rèn luyện tư duy khoa học, ứng dụng kiến thức được học vào việc giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn.

Vào tuổi 65, lá cờ truyền thống của ngôi trường anh hùng này lại có thêm một tấm huân chương cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đó là sự ghi nhận những đóng góp của ĐH GTVT đối với sự nghiệp giáo dục cũng như sự phát triển của ngành trong 5 năm qua, là động lực để nhà trường tiếp tục hiện đại hóa, hướng tới nền giáo dục tiên tiến.

Quỳnh Phạm