Công tác dân số: Không phải vấn đề y tế đơn thuần

Đời sống - Ngày đăng : 09:07, 13/11/2010

(HNM) -

* Nếu chi 1 USD cho KHHGĐ sẽ tiết kiệm 31 USD chi cho xã hội n "Lợi nhuận" từ giảm sinh một năm bằng 1,4 lần đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ trong 20 năm

(HNM) - "Nếu như DS-KHHGĐ không còn là chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) mà chỉ là một dự án nằm trong CTMTQG thuộc ngành y tế sẽ dễ dẫn tới tình trạng khoán trắng cho ngành y tế, thậm chí buông xuôi vì hiểu sai về chủ trương, đường lối của Đảng, không coi công tác DS-KHHGĐ là mục tiêu của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nữa" - TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số-KHHGĐ trăn trở.

Cán bộ y tế xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) tư vấn sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cho người dân. Ảnh: Nguyệt Ánh


"Lợi nhuận" từ giảm sinh

Qua kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở  năm 2009 cho thấy quy mô DS nước ta là 85,8 triệu người; mỗi năm Việt Nam tăng thêm 952 nghìn người, đây là lần đầu tiên trong suốt nhiều thập kỷ, số người tăng thêm mỗi năm ở mức dưới 1 triệu người. Tỷ lệ gia tăng DS trung bình hằng năm đã giảm từ 1,7% (giai đoạn 1989-1999) xuống còn 1,2% (giai đoạn 1999-2009), đây là mức giảm sinh lớn nhất và tỷ lệ gia tăng DS thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) giảm xuống còn 2,03 và đạt dưới mức sinh thay thế. Để đạt được những thành tựu rất tốt đẹp đó, TS Dương Quốc Trọng khẳng định, đó là nhờ có chương trình mục tiêu DS-KHHGĐ.

Trong 20 năm qua, từ các nguồn ngân sách (trung ương, địa phương, vốn vay, viện trợ) Việt Nam đã đầu tư cho chương trình DS-KHHGĐ 8.400 tỷ đồng. Về kinh tế, đầu tư đó có mang lại lợi nhuận gì?

Theo PGS-TS Nguyễn Đình Cử, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, so với năm 1969, mỗi năm nước ta đã giảm một nửa số trẻ sinh ra (1.524.800 ca sinh/năm). Chỉ tính chi phí nuôi con ở mức rẻ nhất là 5 triệu đồng/trẻ/năm và lương của người mẹ nghỉ 4 tháng tính ở mức 750.000 đồng/tháng thì tổng 2 mức chi phí đó cho 1.500.000 đứa trẻ đã lên tới 12.000 tỷ đồng/năm. Như vậy, mỗi năm đầu tư cho công tác DS khoảng 600 tỷ đồng/năm, mà đã "tránh" sinh ra 1,5 triệu đứa trẻ thì đã tránh đánh mất tới 12.000 tỷ đồng. "Lợi nhuận" từ giảm sinh một năm đã cao gấp 20 lần và gấp 1,4 lần vốn đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ của cả 20 năm.

Cũng trong 20 năm qua, GDP tăng liên tục, với tốc độ bình quân năm là 7,5% giai đoạn 1991-2000 và 7,2% giai đoạn 2001-2010. Con số thực tế của năm 2010 cho thấy, tổng sản phẩm trong nước đã gấp 4,12 lần so với năm 1990 và quy mô DS tăng gấp 1,32 lần, nên GDP bình quân đầu người năm 2010 tăng gấp 3,13 lần so với năm 1990. Nhưng nếu dân số tăng theo đúng với dự báo của các chuyên gia là năm 2010 nước ta sẽ có 105,45 triệu người như trước kia thì GDP bình quân đầu người chỉ tăng gấp 2,57 lần so với năm 1990. Như vậy, kết quả CTMTQG đã trực tiếp góp phần làm tăng 0,38 lần GDP bình quân đầu người.

Không dừng lại ở đó, CTMTQG còn được đánh giá là đã góp phần đạt các mục tiêu Thiên niên kỷ như nâng cao sức khỏe bà mẹ, giảm tử vong ở trẻ em, giảm tình trạng đói nghèo. Sinh con thưa và ít giúp cho mẹ khỏe, con khỏe; phụ nữ cũng có nhiều cơ hội đầu tư cho học tập, tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, góp phần nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.

Vẫn cần đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ
Trong thế kỷ XX, nhiều nước châu Á đã thực hiện thành công chương trình DS-KHHGĐ và đạt mức sinh thay thế từ rất sớm như Nhật Bản (từ những năm 1960-1965); Hàn Quốc, Singapore (1976-1986); Thái Lan (1994); Trung Quốc (1998)... Sau khi kiềm chế được tốc độ gia tăng DS quá nhanh thì nền kinh tế của hầu hết những nước này đều "cất cánh". Đặc biệt, ngay cả khi đã đạt mức sinh thay thế, các nước này vẫn tiếp tục không giảm mức đầu tư cho chương trình DS.

Nước ta, tuy đã đạt mức sinh thay thế, nhưng công tác DS lại xuất hiện những vấn đề mới và còn nhiều thách thức như mức sinh có thể tăng trở lại; mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức cao; vấn đề về già hóa DS, chất lượng DS thấp, tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh; vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống dẫn tới suy thoái giống nòi của một số dân tộc ít người... Kinh nghiệm đúc kết qua mấy chục năm cho thấy công tác DS-KHHGĐ hoàn toàn không chỉ là vấn đề y tế đơn thuần. Trong suốt 30 năm, từ đầu những năm 1960 đến đầu những năm 1990, các chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ được nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng đề ra đều không đạt. Nguyên nhân chính là do khi đó công tác DS-KHHGĐ mới chỉ được hiểu là những biện pháp đặt vòng, tránh thai... giao cho ngành y tế thực hiện và chưa có sự phối hợp liên ngành. Vì vậy, nếu như DS-KHHGĐ không còn là CTMTQG mà chỉ là một dự án nằm trong CTMTQG thuộc ngành y tế thì rất dễ mắc phải những sai lầm trong quá khứ và nguy cơ sẽ đổ vỡ những thành quả phấn đấu suốt những năm qua.

Hiện nay, Tổng cục DS-KHHGĐ đã xây dựng CTMTQG DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015 trình Bộ Y tế để trình Chính phủ. Mong rằng, CTMTQG DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015 sớm được Quốc hội, Chính phủ thông qua để tạo một bước tiến mới về công tác DS.

Vân Nga