Bảo đảm chất lượng đại biểu dân cử
Chính trị - Ngày đăng : 09:03, 13/11/2010
Cử tri đi bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử. Ảnh: Bảo Lâm |
Dùng một luật sửa nhiều luật
Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử ĐBHĐND được xây dựng theo phương thức dùng một luật để sửa nhiều luật và áp dụng quy trình thông qua tại một kỳ họp QH. Nguyên do thời gian từ nay đến ngày công bố bầu cử không còn nhiều. Pháp luật hiện hành quy định, đến trung tuần tháng 1-2011 quốc dân đồng bào phải được thông tin về việc bầu cử ĐBQH và bầu cử ĐBHĐND, có nghĩa thời gian cơ quan có thẩm quyền phải công bố về các cuộc bầu cử đã rất gần. Theo tính toán của Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử ĐBHĐND, sau khi QH biểu quyết thông qua việc thực hiện bầu cử "hai trong một" này, sẽ áp dụng quy định mới chỉ thành lập 63 tổ chức phụ trách bầu cử chung ở cấp tỉnh (số lượng tổ chức phụ trách bầu cử giảm được một nửa so với 2 luật bầu cử hiện hành). Đi cùng với đó, thay vì phải bố trí từ 1.386 đến 2.016 thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử, việc sửa đổi luật sẽ giúp giảm xuống còn từ 1.260 đến 1.890 người.
Do đó, kinh phí và nhân lực sẽ giảm đáng kể. Hiện Chính phủ đã thống nhất, một số vấn đề được sửa đổi lần này, đó là quy định về nhiệm vụ của Hội đồng Bầu cử ở TƯ. Hội đồng này bên cạnh một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng đối với bầu cử ĐBQH thì còn kiêm nhiệm vụ lãnh đạo việc tổ chức bầu cử trong cả nước; kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử… Bên cạnh đó, Hội đồng Bầu cử sẽ phải quy định thống nhất lại mẫu thẻ cử tri, phiếu bầu của cả ĐBQH và ĐBHĐND. Đặc biệt, theo dự thảo sửa đổi, số người trong danh sách ứng cử ĐBQH ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số ĐB được bầu ở đơn vị đó. Ngoài ra số lượng tổ bầu cử cũng được tăng thêm cho phù hợp với tình hình mới.
Tránh tình trạng quân xanh, quân đỏ
Thẩm tra 2 dự án luật này, Ủy ban Pháp luật của QH nhất trí với quan điểm trên. Tuy nhiên, còn không ít vấn đề phải chỉnh sửa nhằm tiết kiệm thời gian, kinh phí của nhân dân và bảo đảm chất lượng bầu cử.
Kinh nghiệm qua mỗi kỳ bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND cũng cho thấy: Trong vận động bầu cử, có ứng cử viên vận động bằng văn bản, có chương trình hành động, nhưng có ứng cử viên không có; có ứng cử viên xuống tận địa bàn dân cư phát văn bản chương trình hành động kèm theo hình ảnh cho cử tri, nhưng cũng có ứng cử viên không làm việc này. Cũng có ứng cử viên có tiềm lực hứa làm cho địa phương cái trường này, cái cầu kia. Những chi tiết nhỏ trên cho thấy, luật của ta chưa quy định rõ vận động bầu cử thế nào, nên không tiện cho việc lựa chọn của cử tri và nhân dân. Nay trong cùng một ngày, chúng ta tiến hành bầu cử cả ĐBQH, ĐBHĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Do đó, bao nhiêu nguồn thông tin, bao nhiêu đại biểu ứng cử, tự ứng cử... thì bất cập này càng cần phải khắc phục. Trong đó, phải tính cả đến việc công khai tài sản, tiểu sử, bằng cấp, tiêu chí đại biểu để bảo đảm cử tri và nhân dân có thể kiểm tra, giám sát và lựa chọn được người tiêu biểu, ưu tú nhất.
Thực tiễn tổ chức bầu cử ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng bố trí ''quân xanh, quân đỏ'' để làm cho thuận, cho nhanh. Đây là điều không nên và không được để lặp lại trong thời gian tới. Theo ý kiến của ĐBQH Huỳnh Văn Tý, đối với những đơn vị cần bầu 3 đại biểu thì nên để số dư ít nhất là 2, không nên để số dư 1, tránh quân xanh, quân đỏ và nâng cao tính lựa chọn trong công tác bầu cử. Trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì do hội đồng bầu cử quyết định. Bố trí ứng cử viên cần hợp lý. Nói cách khác là ứng cử viên nên một chín - một mười, chứ không nên một mười - một năm. Đơn cử như không nên đưa một người là ủy viên thường vụ tỉnh ủy, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh cùng với một sỹ quan thường; đưa giám đốc sở nông nghiệp cùng một kỹ sư nông nghiệp khiến người dân chỉ có 1 cơ hội lựa chọn cho người sáng giá nhất.
Và vì chúng ta sửa luật để tiến hành bầu 4 cấp đại diện trong cùng một ngày nên cần tăng thời gian công bố thành lập Hội đồng Bầu cử TƯ và ủy ban bầu cử các địa phương sớm hơn. Ít nhất Hội đồng Bầu cử TƯ phải được công bố sớm trước 120 ngày trở lên, ủy ban bầu cử địa phương từ 105 ngày trở lên, thay vì 105 ngày đối với Hội đồng Bầu cử TƯ và 95 ngày đối với ủy ban bầu cử địa phương như đề xuất của ban soạn thảo. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng bị động, cập rập trong quá trình chuẩn bị cho bầu cử.
Đây là ý kiến của các chuyên gia pháp luật, còn đối với người dân Thủ đô, cử tri đều tán thành với những sửa đổi, bổ sung của dự luật nhưng đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể sửa đổi thêm một số vấn đề khác. Chẳng hạn, tăng số lượng ĐBHĐND cho TP Hà Nội do vừa mở rộng địa giới hành chính. Điều kiện, quy trình tự ứng cử ĐBQH, ĐBHĐND cũng phải cụ thể hơn trong luật sửa đổi để công dân dễ dàng thực hiện.