Thiếu điện vì dự án chậm tiến độ

Kinh tế - Ngày đăng : 08:55, 13/11/2010

(HNM) - Năm 2011, người dân TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục khốn khổ khi sống trong cảnh thiếu điện, cắt điện luân phiên. Ngành Điện lực đang nỗ lực tìm biện pháp khắc phục giảm thiểu thiệt hại. Trong khi đó các dự án điện lại rối như tơ vò.

Nguồn điện phập phù ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất.


Hệ thống quá tải
Năm 2010, TP Hồ Chí Minh đã phải "vật lộn" với tình cảnh thiếu điện nghiêm trọng. Ngành điện lực bị xoay như chong chóng, thậm chí bị người dân dọa kiện ra tòa vì cắt điện không báo trước, gây thiệt hại nghiêm trọng đời sống, sản xuất của người dân. Theo Tổng Công ty Điện lực TP (EVN HCMC), hai tháng cuối năm 2010 và mùa khô năm 2011, tình hình cung cấp điện cho TP Hồ Chí Minh sẽ gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện công tác sửa chữa, bảo trì và hoàn thiện lưới điện.

Đặc biệt lo ngại là tình trạng quá tải lưới điện và không bảo đảm cung cấp điện. Nguyên nhân chính là do trạm 500kV Cầu Bông bị chậm tiến độ so với quy hoạch, để giảm áp lực quá tải cho lưới điện 220kV của TP, giải pháp cấp bách lúc này là sớm đưa vào vận hành đường dây 500kV Ô Môn - Nhà Bè và Ô Môn - Phú Lâm.

Năm 2011 EVN HCMC sẽ khởi công 20 công trình và đóng trạm 14 công trình lưới điện mới với mục tiêu ưu tiên cung cấp đủ điện cho các khu công nghiệp, khu chế xuất; bệnh viện, trường học, trung tâm y tế, trạm xử lý nước, không để mỗi khách hàng thiếu điện nhiều lần trong một tuần…

Nan giải các dự án điện
Dự kiến năm 2010, TP Hồ Chí Minh khởi công 21 công trình lưới điện, nhưng đến nay mới thi công được 9 công trình. Ngoài ra, nhiều dự án phát triển điện theo quy hoạch hiện đang giậm chân vì không giải phóng được mặt bằng như trạm biến áp 110kV Bình Chánh, Bình Hòa, Bình Tân 3, An Hạ, Nam Sài Gòn 3, Gò Vấp, Hóc Môn, Tân Thới Hiệp… Từ năm 2012 trở đi, khu vực miền Nam, nguồn điện sẽ không đáp ứng được nhu cầu và khi đó phải tiếp nhận một lượng lớn điện năng từ miền Trung chuyển vào, các Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, Phú Mỹ và Nhà máy Nhơn Trạch 2 liên tục phát cao. Trong trường hợp sự cố một trong các đường dây 220kV, việc vận hành lưới điện 220kV của khu vực TP và các tỉnh lân cận sẽ rất khó khăn.

Trong khi đó những dự án điện trọng điểm của EVN triển khai rất chậm, trong số này phải kể đến dự án đường dây 500kV Nhà Bè - Ô Môn (đoạn Nhà Bè - Cai Lậy) khởi công từ tháng 4-2006 với khối lượng gồm 19 vị trí trụ, chiều dài tuyến 6,978km. Đến nay Ban QLDA lưới điện miền Nam và Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia "sản xuất" gần 30 văn bản gửi UBND TP, UBND huyện Nhà Bè nhưng vẫn không giải quyết được vướng mắc! Không những thế, theo đề án "Quy hoạch phát triển điện lực TP Hồ Chí Minh giai đoạn đến 2015, xét tới 2020" hiện đang trình Bộ Công thương phê duyệt, khối lượng đầu tư các công trình lưới điện là rất lớn gồm 37 trạm 110kV, 3 trạm 220kV thuộc trung tâm thành phố; ngoài ra là đầu tư đường dây 500kV PleiKu - Mỹ Phước - Cầu Bông, trạm 500kV Củ Chi...

Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc quy hoạch sử dụng đất cho các dự án điện, EVN đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét sử dụng nguồn ngân sách để triển khai cắm mốc hành lang tuyến đường dây 110-220-500kV và quy hoạch vị trí các trạm biến áp để các quận, huyện khi phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng và cấp đất cho các dự án khác phù hợp với quỹ đất, hướng tuyến của các dự án lưới điện đã có trong quy hoạch được phê duyệt.

Nguyên Hoàng