Đồng thuận Seoul

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 07:10, 13/11/2010

(HNM) - Cuối cùng, những lo ngại về cọ xát tỷ giá đang mở rộng có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại quy mô lớn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những ngày tháng thăng trầm đã được các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới hóa giải tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào chiều qua (12-11, giờ Việt Nam).

Đạt đồng thuận trong những phút thảo luận cuối cùng về chủ đề gây tranh cãi nhất với cam kết tránh phá giá đồng nội tệ vì mục đích cạnh tranh, Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc vừa khép lại chiều 12-11, mang theo niềm tin về một cơ chế hợp tác giữa các quốc gia nhằm đưa thế giới thoát khỏi quỹ đạo của cuộc khủng hoảng thứ hai.

Tránh được một cuộc đụng độ Mỹ - Trung về vấn đề tỷ giá từng khiến nhiều người lo ngại sẽ biến G20 thành G2, nhưng vẫn có được hiểu biết chung về sự cần thiết phải theo đuổi cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt do thị trường quyết định, cuộc tụ hội của lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thành công ngoài mong đợi.

Trước đó, những tranh luận bất tận giữa Washington và Bắc Kinh với những lời lẽ cứng rắn nhằm bảo vệ quan điểm của mỗi bên đã đặt G20 tại Seoul trước một thử thách lớn. Trong khi không hài lòng với việc Trung Quốc đang duy trì đồng nhân dân tệ thấp hơn giá trị thực để duy trì lợi thế xuất khẩu và khiến Mỹ là nước nhập siêu kinh niên trong thương mại song phương, thì bản thân Hoa Kỳ lại đang là tâm điểm của sự chỉ trích với kế hoạch kích thích kinh tế lần hai trị giá 600 tỷ USD. Nhiều lời cáo buộc cho rằng Mỹ đang là chủ nhân của chính sách bảo hộ sẽ gây nhiễu loạn cho nền kinh tế thế giới vẫn chưa qua cơn nguy biến. Do đó, nhất trí cùng phối hợp đa phương nhằm thúc đẩy sự ổn định bên ngoài, chống chủ nghĩa bảo hộ, thực thi các chính sách giảm tình trạng mất cân bằng thương mại; duy trì cán cân thương mại ở mức ổn định mà hội nghị vừa đạt được qua Thông cáo chung cho thấy: "cuộc mặc cả" lợi ích đầy khó khăn giữa các thành viên G20 đã đạt được đồng thuận lớn về một nền kinh tế toàn cầu an toàn hơn.

Những kết quả này có dấu ấn đặc biệt của nước chủ nhà với "Sáng kiến Hàn Quốc". Không chỉ tránh được nguy cơ cuộc chiến ngoại hối làm lu mờ hai ưu tiên mà Seoul hướng tới trong hội nghị là cải tổ hệ thống tài chính thế giới và xây dựng một mạng lưới an toàn tài chính cho các quốc gia đang phát triển - một tập hợp đã mang tới nhiều thay đổi cho mô hình kinh tế toàn cầu hiện nay. Đó là một trật tự thế giới theo chiều ngang với sự tham gia lớn hơn các nền kinh tế mới nổi vào đại gia đình G20 thay thế cho cấu trúc chiều dọc từ trước đến nay với trọng tâm là các nước phát triển. Sự kiện được cả giới đầu tư thế giới nín thở chờ đợi kết thúc mà không "trắng tay" cũng được nhìn nhận như là một thắng lợi ngoại giao đối với nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á. Cho dù đã trở thành cường quốc kinh tế thứ 15 địa cầu, nhưng đây là lần đầu tiên, từ vị trí một quốc gia phải tuân thủ các quy định do các siêu cường áp đặt, Hàn Quốc cùng sánh vai với các đối tác tầm cỡ khác xác định luật chơi cho kinh tế thế giới. Việc Seoul thực sự có tiếng nói quyết định trong diễn đàn quan trọng này là một tín hiệu khả quan cho sự thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển, một nền tảng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng toàn cầu.

Trong mạch nguồn quan trọng đó, các bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên cương vị Chủ tịch ASEAN tại hội nghị đã giành được sự quan tâm đặc biệt. Đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về thành lập Mạng lưới G20, trong đó có sự tham dự của ASEAN để trao đổi thông tin, quan điểm về các vấn đề kinh tế, việc các nước tiên tiến tiếp tục có biện pháp hỗ trợ các nước đang phát triển không mắc bẫy thu nhập trung bình khi rơi lại vào nhóm nước thu nhập thấp, sáng kiến thành lập quỹ đặc biệt của G20 hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và diễn đàn các quốc gia ven biển đối phó với biến đổi khí hậu... đã nhận được sự ủng hộ lớn tại diễn đàn. Điều đó khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của ASEAN trên bàn cờ địa - kinh tế cũng như thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong hòa nhập với kinh tế thế giới.

G20 Seoul qua đi nhưng mối nghi hoặc vẫn còn đó về khả năng biến cam kết thành hành động khi những quyết tâm chính trị không phải lúc nào cũng được thực thi tuyệt đối trên thực tế. Hàng loạt bất đồng triền miên về hối đoái, tái cân bằng thương mại... không dễ khỏa lấp do các vấn đề nội tại của từng quốc gia. Thế nhưng, những điểm chung mà 20 thành viên của G20 đạt được sau hai ngày gặp gỡ đã khiến cuộc hội ngộ của cơ chế chiếm 90% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế tạo ra động lực mới cũng như niềm tin mới cho sự khởi sắc của nền kinh tế toàn cầu trong tương lai gần. Đồng thuận Seoul đã ngay lập tức trao cho Pháp một vị thế khá thuận lợi khi nắm giữ vị trí Chủ tịch luân phiên G20 trong năm 2011 tới.

Vân Khanh