Chưa nên bỏ các quy định về thời hiệu khởi kiện
Chính trị - Ngày đăng : 16:57, 12/11/2010
Trong Tờ trình, Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị sửa đổi, bổ sung 7 nhóm vấn đề. Những nhóm vấn đề này được thể hiện trong 43 điều sửa đổi, bổ sung; 12 điều bổ sung và 6 điều bãi bỏ.
Về nội dung bổ sung, TANDTC đề nghị bổ sung nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận tại Tòa; thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức; phương thức hòa giải và trình tự hòa giải; quy định về trình tự hòa giải; việc hỏi tại phiên tòa; thẩm quyền của Toà án giải quyết đối với trường hợp đã hoà giải thành nhưng đương sự không thực hiện; về Trợ giúp viên pháp lý có quyền tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự; về việc gửi văn bản đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và các tài liệu kèm theo để đương sự có trách nhiệm nhất định với việc khiếu nại của mình.
Những nội dung bãi bỏ liên quan đến quy định về thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án, thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu.
Trong tờ trình, Chính phủ cũng xin ý kiến Quốc hội với các quy định về thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự; thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; trường hợp bản án, quyết định hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì mới phát hiện có sai lầm.
Về thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự, Chính phủ đề nghị quy định theo hướng thời hiệu khởi kiện là bên có nghĩa vụ được miễn trừ nghĩa vụ khi đã hết thời hạn mà họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Còn quyền khởi kiện là quyền cơ bản của các chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự và Toà án luôn có trách nhiệm phải thụ lý đơn khởi kiện và không được lấy lý do thời hiệu khởi kiện đã hết để từ chối thụ lý đơn khởi kiện khi có yêu cầu.
Về trường hợp bản án, quyết định hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì mới phát hiện có sai lầm, dự luật quy định, trong thời hạn hai năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có thẩm quyền để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát, Tòa án phải có thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị.
Về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, dự luật quy định theo hướng người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quyền kháng nghị trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Trường hợp đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác đã có văn bản đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn hai năm nêu trên nhưng đã hết thời hạn kháng nghị mới phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của người có thẩm quyền kháng nghị không phụ thuộc vào thời hạn ba năm nêu trên.
Chưa nên bỏ các quy định về thời hiệu khởi kiện
Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với những quan điểm chỉ đạo và phạm vi sửa đổi của dự án Luật được nêu trong Tờ trình và cho rằng, trong điều kiện chưa sửa đổi Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án nhân dân thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS như trong dự thảo Luật là cần thiết. Đồng thời, nội dung của dự thảo Luật cũng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi và thống nhất với hệ thống pháp luật.
Đáng chú ý, về thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự, Ủy ban Tư pháp cho rằng khi mà vấn đề thời hiệu chưa được tiến hành nghiên cứu một cách đầy đủ và yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung BLTTDS lần này chủ yếu là giải quyết những vướng mắc, bức xúc nhất thì cần giữ lại quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự trong BLTTDS.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng nhận thấy có một số vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi các quy định về thời hiệu đối với một số quan hệ pháp luật như: yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; yêu cầu tuyên bố một người mất tích; yêu cầu tuyên bố một người là đã chết hoặc các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, về thuê tài sản…. Đây là các quan hệ pháp luật có tính đặc thù đòi hỏi phải có quy định phù hợp với bản chất của các quan hệ pháp luật đó. Vì vậy, để giải quyết bất cập hiện nay cũng cần phải sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 159 của BLTTDS cho phù hợp với các quan hệ pháp luật đặc thù nêu trên. Còn những vấn đề khác như thời hiệu, thời điểm tính thời hiệu…cần phải được nghiên cứu kỹ, tổng kết thực tiễn cùng với việc tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài để quy định cụ thể bảo đảm tính nhất quán trong BLTTDS, BLDS và các luật chuyên ngành.
Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị chưa đặt vấn đề bỏ các quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu của BLTTDS trong lần sửa đổi này mà cần tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị cho việc sửa đổi toàn diện BLTTDS và BLDS khi có điều kiện.
Về trường hợp bản án, quyết định hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mới phát hiện có sai sót, Ủy ban Tư pháp đồng ý với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, theo quy định của BLTTDS hiện hành có nhiều trường hợp gần hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Tòa án mới nhận được đơn khiếu nại của đương sự nên không có đủ thời gian để xem xét.
Mặt khác, thực tế cũng có trường hợp đương sự gửi đơn trong thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng không được người có thẩm quyền xem xét hoặc không kịp thời phát hiện các sai sót, do đó khi phát hiện có sai lầm của bản án, quyết định của Tòa án thì đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của đương sự nhưng không có cơ chế để giải quyết.
Do vậy, việc quy định thời hạn để gửi đơn đề nghị kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật là 02 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và thời hạn để người có thẩm quyền kháng nghị là 03 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là phù hợp.
Trong trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức có đơn đề nghị kháng nghị trong thời hạn quy định của Luật này nhưng đã hết thời hạn kháng nghị mà người có thẩm quyền mới phát hiện bản án, quyết định có vi phạm pháp luật thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm không phụ thuộc vào thời hạn quy định tại luật.
Về sự có mặt của đương sự tại phiên tòa, Ủy ban Tư pháp đề nghị quy định thành một điều chung thưo hướng: Khi được Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt. Trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên toà và thông báo cho họ biết.
Khi đã được Toà án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên toà, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau:
Đối với nguyên đơn mà không có người đại diện tham gia phiên toà thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;
Đối với bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập mà không có người đại diện tham gia phiên toà, thì Toà án tiến hành xét xử vắng mặt họ; Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập mà không có người đại diện tham gia phiên toà thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Toà án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;
Đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Toà án vẫn tiến hành xét xử.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự sẽ được các đại biểu thảo luận lần đầu tại tổ vào ngày 16/11 tới.
* Cũng trong phiên làm việc ngày 12/11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và thảo luận tổ về dự án Luật Lưu trữ.