Tranh cổ động dần vắng bóng

Văn hóa - Ngày đăng : 07:47, 12/11/2010

(HNMO)-  Trước kia, tranh cổ động là những bảng thông tin bằng hình ảnh sinh động, tức thời, không thể thiếu ở mỗi góc phố hay quảng trường, để cập nhật hằng ngày cho người dân về ý nghĩa, mục đích và kết quả của các cuộc vận động chính trị và xã hội lớn. Nhưng độ dăm năm nay, các bảng hiệu, quảng cáo đã lấn át tranh cổ động cả về số lượng...

Tranh cổ động ở Hồ Gươm bị cây che khuất

(HNMO)- Trước kia, tranh cổ động là những bảng thông tin bằng hình ảnh sinh động, tức thời, không thể thiếu ở mỗi góc phố hay quảng trường, để cập nhật hằng ngày cho người dân về ý nghĩa, mục đích và kết quả của các cuộc vận động chính trị và xã hội lớn. Nhưng độ dăm năm nay, các bảng hiệu, quảng cáo đã lấn át tranh cổ động cả về số lượng, diện tích lẫn vị trí trưng bày.

Ngay trong thời điểm có những cuộc vận động chính trị quan trọng ta ít thấy tranh cổ động được bày với số lượng lớn và ở các vị trí thoả đáng. Dọc các phố, người đi đường luôn luôn rối mắt vì các bảng hiệu to đùng được treo trên cửa mỗi nhà và thêm nữa còn mỏi cổ ngước nhìn các bảng quảng cáo rất lớn được treo trên cao, riêng tranh cổ động thì tìm mãi đâu dễ thấy…

Có còn được quan tâm?

Thực ra nếu tính từ đầu năm đến giờ đã có tới vài ba cuộc thi vẽ và một số cuộc triển lãm tranh cổ động với các đề tài lớn. Vào dịp tết Kỷ Sửu, triển lãm tranh cổ động được tổ chức tại Hà Nội, hưởng ứng cuộc phát động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với 48 tác phẩm của 33 tác giả. Sau đó là cuộc trưng bày tranh cổ động được tổ chức ở Hải Phòng, để kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn và 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Triển lãm này có 60 tác giả thuộc nhiều thế hệ, đóng góp 105 tác phẩm, được chọn lọc trong cuộc thi có tới 450 tác giả tham dự. Rồi còn vài ba cuộc trưng bày nữa như hình ảnh phụ nữ (ở HN), hoặc treo tranh ở các tỉnh có đường Trường Sơn đi qua, và kể cả bức tranh cổ động lớn, được những du khách vẽ chung, về môi trường tại Festival biển Nha Trang… Chưa hết, hồi tháng 6 năm nay, Bộ Văn hoá - Thông tin đã tổ chức cuộc thi vẽ tranh cổ động để kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân và hưởng ứng phổ biến nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Cuộc thi này sẽ được tổng kết vào ngày 22-12-2009.

Như vậy là không ít tranh cổ động được sáng tác trong thời gian qua, nhưng chúng được sử dụng như thế nào, trong bao lâu và ở đâu quả thực là điều ít được chú ý. Tất nhiên đời sống của một bức tranh cổ động khá ngắn vì nó chỉ có ý nghĩa trong một quãng thời gian nhất định, nhưng xem ra cách làm như hiện nay càng co hẹp tuổi thọ của tranh cổ động và mất hút trong đời sống cộng đồng.

Thêm nữa, do giá trị của tác phẩm có tính chất tức thời, mang yếu tố đồ họa này còn kèm theo giá nhuận bút thấp nữa nên không ít hoạ sĩ chuyên nghiệp ngại ngần tham gia. Tuy nhiên vẫn có những hoạ sĩ cả đời chỉ vẽ loại tranh này. Đó thật sự là điều đặc biệt.

Cửa hàng tranh cổ động ở 25A Lý Quốc Sư


Những hoạ sĩ trọn đời vẽ tranh cổ động

Tiêu biểu nhất, phải kể đến hoạ sĩ Trần Mai, 80 tuổi, ở 17 Cửa Nam, Hà Nội. Tính cho đến nay ông là người đã có những kỷ lục mà chưa có họa sĩ nào theo kịp. Đó là kỷ lục, mỗi ngày vẽ một bức tranh cổ động, trong thời kỳ quân và dân Hà Nội cùng cả nước chiến đấu chống không quân Mỹ đánh phá miền Bắc. Ông kể có đêm máy bay giặc Mỹ đang đánh phá ga Hà Nội, nhưng ông không chịu xuống hầm trú ẩn mà quyết tâm ở lại căn nhà nhỏ bé để vẽ cho kịp sáng hôm sau bày tranh ở Hồ Hoàn Kiếm, báo tin số lượng máy bay Mỹ đã bị bắn rơi từng ngày. Kỷ lục thứ hai thuộc về ông là người được chọn vẽ tranh cổ động cho 7 kỳ Đại hội Đảng, liên tục từ khoá IV đến khoá X. Và thêm nữa, ông còn đoạt kỷ lục vẽ tranh cổ động về hình tượng Bác Hồ nhiều nhất. Ông đã từng được bằng khen của Ban chấp hành TƯ Đảng năm 2008 về tranh cổ động, sáng tác theo chủ đề “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hiện ông đang chuẩn bị trưng bày triển lãm "79 mùa xuân" vào trung tuần tháng 9 tới. Ông tâm sự rằng, triển lãm lần này gồm 79 tác phẩm ông tâm đắc nhất trong cuộc đời chuyên vẽ tranh cổ động của mình. Hình tượng Bác Hồ được thể hiện với 79 ý tưởng khác nhau, kèm theo những lời ghi có tính khái quát của từng chủ đề cho mỗi bức tranh, quả là một sự nỗ lực lớn của một nghệ sĩ. Ông có tài làm nổi bật chất thơ trong hình tượng tranh cổ động mà ai cũng tưởng như rất khô khan. Ông bày tỏ: “Tôi đã đọc rất nhiều thơ Bác Hồ và thơ Tố Hữu cùng với ca dao để tìm ý tứ cho mỗi bức tranh. Các tác phẩm khác cũng vậy, tôi luôn xuất phát từ cảm xúc, tạo tứ rồi mới dựng bố cục hình tượng”.

Cùng với hoạ sĩ Trần Mai còn có cặp hoạ sĩ Dương Anh và Minh Phương cũng đã dành trọn nửa thế kỷ chuyên vẽ tranh cổ động. Hai người đã cùng nhau trưng bày 100 tranh cổ động hồi tháng 9 năm 2008. Cả hai đều được những giải thưởng cao trong các cuộc thi vẽ tranh cổ động và hiện có hàng chục tác phẩm nằm trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Mặc dù đội ngũ tham gia xưởng vẽ tranh cổ động Trung ương khá đông với các tên tuổi nổi bật như Phạm Lung, Nguyễn Bích, Nguyễn Thụ, Huy Oánh, Từ Thông, Huỳnh Văn Thuận… nhưng chuyên tâm vẽ tranh cổ động như các hoạ sĩ Trần Mai, Dương Anh và Minh Phương thì quả hiếm hoi.

Các tay chơi tranh

Nếu đội ngũ hoạ sĩ trọn đời vẽ tranh cổ động đã ít thì người chơi tranh cổ động cũngkhông phải là nhiều. Nổi lên cũng chỉ có số ít, đa số vẫn theo cách chơi ngiệp dư, một số khác kết hợp, vừa sưu tầm vừa buôn bán, để làm động lực gây hứng thú cho cuộc chơi độc đáo và lâu dài này.

Có thể nói về thú chơi của anh Kaysilabetzschky (sinh viên người Đức học Hoá tạiĐại học quốc gia Hà Nội). Trong 5 năm, anh đã sưu tầm được nhiều tranh cổ động ở các nước như Nhật, Trung Quốc, Pháp nhưng có lẽ anh rất thích thú với các bức tranh cổ động của Việt Nam đã có trong tay. Anhmua được 20 tác phẩm do hoạ sĩ Việt Nam sáng tác và nói rằng, qua cuộc chơi này, anh muốn hiểu biết lịch sử của những nước mà mình đã đi qua.

Tuy vậy, cuộc chơi tranh của Kay chẳng thấm vào đâu so với anh Phạm Mạnh, sinh năm 1978, là chủ Gallery 25A Lý Quốc Sư Hà Nội. Anh là đời thứ ba trong một gia đình rất thích sưu tầm tranh cổ động. Tiếp sức cho ông nội và người cha thân yêu, Phạm Mạnh đã dấn thân vào cuộc chơi hơn 15 năm qua. Hiện kho sưu tầm ở cửa hàng có tới 800 tranh gồm cả nguyên gốc và in lại. Có thể nói anh là một ông chủ trẻ duy nhất hiện nay theo đuổi lĩnh vực xa lạ này.

Khảo sát bảng liệt kê danh sách mới thấy anh có nhiều bức tranh có giá trị và rất nổi tiếng như "Miền Nam hoàn toàn giải phóng", "3000 máy bay Mỹ đã rơi", "Những mét vải vì Miền Nam ruột thịt"... Đặc biệt anh có bức tranh "Tử thủ chống Pháp bảo vệ Hà Nội" được vẽ năm 1946. Đây là bức tranh cổ động có ý nghĩa lịch sử hiếm hoi còn lại vào thời điểm đó. Tất nhiên tranh cổ động càng cũ, càng nguyên gốc thì càng có giá, nhưng thực ra những bức nổi tiếng nhất cũng chỉ ước chừng bán được giá từ 200 USD đến 300 USD là cùng.

Đừng để lép vế mãi!

Lép vế thì rõ rồi. Thị trường mà, đâu đâu cũng xô bồ, chồng chất biển hiệu và bảng quảng cáo làm mờ nhòe những bức tranh cổ động rất ít ỏi hiện nay. Mà đã là tranh cổ động thì phải được bày ở những nơi thuận tiện và nhiều người qua lại. Do vậy để chống lại sự “áp bức” trên, tranh cổ động cần được nhân bản, treo ở nhiều nơi công cộng trong thành phố và kéo dài thời gian chứ không lèo tèo, loanh quanh ở mấy điểm bên Hồ Gươm, như hiện nay.

Ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám, tranh cổ động đã gắn bó với những sự kiện nổi bật qua từng thời kỳ cách mạng phát triển. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thị trường mở cửa ngày càng ồ ạt, những hoạt động trưng bày tranh cổ động bị giảm sút. Nhiều cuộc thi vẽ tranh cổ động theo các đề tài khá thiết thực, nóng hổi nhưng tất cả đều là tác phẩm độc nhất vô nhị, nhưng lại không được chú ý nhân bản để trưng bày giữa các quảng trường hay tại các giao điểm đường phố, nên ítphát huy tác dụng xã hội một cách tích cực nhất.

Tranh cổ động luôn luôn có ý nghĩa về Chính trị, Văn hoá, Xã hội trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng, nên cần được lưu giữ xuất bản, phổ cập sâu rộng trong đời sống quần chúng. Sức ép của biểu hiện, quảng cáo ngày càng lớn, cần có những quy định chi tiết về nội dung, kích thước cũng như vị trí treo, để các bức tranh cổ động không bị lạc lõng và xa lạ với cộng đồng.

Vương Tâm