Giảm khai thác nước ngầm
Xã hội - Ngày đăng : 07:34, 12/11/2010
Mới có 15% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch
Công nhân bảo dưỡng tại nhà máy nước Cáo Đỉnh. Ảnh: Linh Tâm
Báo cáo về quy hoạch cấp nước, đại diện Công ty VIWASE (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) cho biết: theo khảo sát, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có 4 công ty làm nhiệm vụ cấp nước sạch với tổng công suất các nhà máy nước khoảng 954.000m3/ngày đêm, tổng công suất phát ra mạng lưới là 683.000m3/ngày đêm. Hệ thống cấp nước đô thị Hà Nội hiện phục vụ khoảng 70-85% dân số đô thị với tiêu chuẩn 80-150 lít/người/ngày. Tuy nhiên, hiện tại, nguồn nước cấp cho Hà Nội chủ yếu lấy từ nước ngầm (3/4 công ty sử dụng nguồn nước ngầm) với 251 giếng. Nguồn nước mặt mới được bổ sung từ sông Đà, công suất 300.000 m3/ngày đêm, nhưng mới chỉ cấp cho khu vực phía tây nam Hà Nội.
Theo khảo sát của VIWASE, phần lớn dân cư nông thôn đang sử dụng nước giếng khoan và nước mưa. Trong nhiều năm qua, thực hiện chương trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh nông thôn, TP đã đầu tư được 91 trạm cấp nước có công suất 400-1.600m3/ngày đêm nhưng mới chỉ cấp được cho khoảng 15% dân cư nông thôn, tập trung chủ yếu tại các thị trấn, thị tứ và một số khu vực đông dân.
Khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch
VIWASE tính toán, dự kiến, tổng nhu cầu cấp nước sạch vào năm 2020 là trên 1,9 triệu mét khối/ngày đêm, vào năm 2030 là xấp xỉ 2,7 triệu mét khối và đến năm 2050 là xấp xỉ 3,15 triệu mét khối. Để đáp ứng nhu cầu này, phải có phương án khai thác nước ngầm hợp lý tại khu vực Hà Nội cũ. Giai đoạn đến năm 2020 ngừng khai thác nước ngầm tại các nhà máy nước Tương Mai, Hạ Đình, Pháp Vân và một số nhà máy quy mô nhỏ, chỉ tiếp tục khai thác tại khu vực trung tâm Hà Nội với công suất 400.000m3/ngày đêm. Việc giảm dần khai thác nước ngầm không chỉ do nguồn nước đã tới giới hạn mà còn nhằm từng bước hạn chế ảnh hưởng đến cấu tạo địa tầng của TP gây sụt lún đối với các công trình. Bên cạnh đó, TP sẽ tăng cường khai thác, sử dụng nước mặt sông Hồng, sông Đà và sông Đuống thông qua việc xây dựng một số nhà máy sản xuất nước sạch lấy từ nguồn nước mặt của các con sông. Trong quy hoạch, VIWASE đưa ra mục tiêu đến năm 2020, 100% cư dân đô thị được cấp nước sạch. Với khu vực nông thôn, dự kiến đến năm 2020, khoảng 30% người dân sống gần các đô thị được cấp nước sạch từ mạng lưới cấp nước đô thị. Đến năm 2030, tỷ lệ này được nâng lên 40%...
Góp ý cho bản quy hoạch này, ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc cho rằng, đến năm 2020 nhu cầu sử dụng nước của TP là gần 2 triệu m3/ngày đêm, gấp 3 lần công suất khai thác hiện có. Do đó quy hoạch phải đề ra được chi tiết việc phát triển phần nguồn nước mới cũng như mạng cấp nước cho nhân dân.
Một số ý kiến khác đề xuất, quy hoạch cấp nước trong tương lai phải tính tới việc phát triển mạng lưới cấp nước cho các khu vực dân cư bám dọc theo những tuyến đường lớn đã được quy hoạch như đường trục phía nam và đường trục bắc nam tỉnh Hà Tây (cũ), khu vực dân cư giữa đường vành đai 3 và vành đai 4…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, TP đã yêu cầu Sở Xây dựng, VIWASE khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch trong tháng 11-2010. Trong báo cáo quy hoạch phải làm rõ một số nội dung quan trọng như: phạm vi nghiên cứu cấp nước, tiêu chuẩn cấp nước; rà soát lại các thông số trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô làm cơ sở để tính toán quy hoạch cấp nước và đưa ra dự báo nhu cầu sử dụng nước phù hợp. Bản quy hoạch phải tính tới cả yếu tố giảm các nhà máy khai thác nước ngầm trong trung tâm TP, từ đó tăng cường khai thác nước mặt từ các con sông. Việc dừng khai thác nước ngầm và đầu tư nhà máy khai thác nước mặt phải có lộ trình cụ thể. Đồng thời có các phương án giảm mức độ hao hụt sử dụng nước.