Yên Mỹ (Thanh Trì): Thiếu hướng đi an toàn cho rau an toàn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:27, 12/11/2010

(HNM) - Yên hoa là xã ngoài bãi ven sông Hồng, là xã có truyền thống sản xuất rau lâu đời huyện Thanh Trì với 80ha sản xuất rau, trong đó có 35,5ha được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp


Việc sản xuất rau an toàn ở Yên Mỹ vẫn theo mùa vụ, chưa đáp ứng
được nhu cầu tiêu dùng. Ảnh: Bá Hoạt

Với ưu thế đó, Yên Mỹ đã được thành phố quy hoạch là vùng sản xuất RAT cung cấp cho thị trường Hà Nội. Xã đã xây dựng được thương hiệu RAT và được UBND huyện Thanh Trì chọn triển khai dự án "Xây dựng vùng sản xuất RAT Yên Mỹ", cơ sở hạ tầng dần được cải thiện, 3 trạm bơm có hệ thống lọc cung cấp nước tưới bằng hệ thống ống dẫn cho 50ha, khu nhà lưới 8ha, nhà sơ chế rau 200m2 và đường giao thông nội đồng được bê tông hóa.

Điểm mạnh ở đây là người nông dân đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất và hầu hết đã được tham gia tập huấn dài hạn về sản xuất RAT. Từ tháng 2-2010 đến nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Mỹ còn được Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm do CIDA-Canada tài trợ chọn là điểm triển khai thí điểm áp dụng thực hành sản xuất tốt. Tham gia mô hình, nông dân đã được làm quen với sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap nhằm giảm lượng ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hóa chất độc hại một cách hiệu quả để cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm rau có chất lượng cao. Hoạt động kiểm tra, giám sát và hướng dẫn áp dụng Quy trình thực hành sản xuất tốt được tiến hành từ 2 đến 3 lần/tuần do cán bộ BVTV huyện Thanh Trì phối hợp với Ban Quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Mỹ thực hiện. Nhìn chung, mô hình sản xuất RAT đã cho năng suất và chất lượng cao, trung bình mỗi ngày Yên Mỹ cung cấp cho thị trường từ 18 đến 20 tấn rau các loại…

Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Cả, xã viên HTX Yên Mỹ cho biết, xã lại vấp phải khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm mới chỉ cung cấp cho các trường học trong xã và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn với giá thấp, nhưng lượng tiêu thụ cũng chỉ chiếm từ 30-40% tổng sản lượng thu hoạch, còn lại nông dân phải tự mang ra các chợ đầu mối để bán. Hiện tại RAT ở Yên Mỹ có mã vạch mà chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nên cũng chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Bà Dương Thị Tình Thương, Phó Chủ tịch HĐND huyện Thanh Trì nhận định: Khó khăn khi triển khai mô hình này ở Yên Mỹ cũng như các xã là ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, nông dân có đất đều có tâm lý chờ dự án vào để được đền bù giải phóng mặt bằng, không thực hiện việc dồn điền đổi thửa, nên khó triển khai thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn tập trung. Đồng thời, trình độ sản xuất của nông dân còn hạn chế, lúng túng khi tiếp cận và áp dụng quy trình kỹ thuật mới. Công nghệ sau thu hoạch, chất lượng sản phẩm và khâu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn kém. Chính vì vậy, dù đã sản xuất theo quy trình VietGap nhưng diện tích trồng RAT trên địa bàn huyện vẫn thấp so với lợi thế. Ngoài ra, sản phẩm RAT ở đây còn chưa đa dạng, nông dân vẫn chủ yếu trồng theo mùa vụ nên chưa đáp ứng được nhu cầu lớn và thường xuyên của các DN. Mối liên kết giữa DN với nông dân sản xuất RAT chưa thực sự chặt chẽ, người tiêu dùng lại chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng RAT nên đầu ra còn bấp bênh.

Bạch Thanh