Cuộc chiến dai dẳng và tốn kém

Đời sống - Ngày đăng : 07:11, 12/11/2010

(HNM) - Chiến tranh đã qua đi 35 năm nhưng đến nay nhiều bom mìn, vật liệu nổ vẫn còn sót lại ở nhiều nơi trên đất nước ta. Trong đó, Quảng Trị là nơi còn nhiều bom mìn nhất. Trong "cuộc chiến" lâu dài này có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng quốc tế, các tổ chức phi chính phủ...

Những vụ tai nạn thương tâm

"Ngày 12-2-2010, một quả bom bi phát nổ đã giết chết anh Hồ Văn Nguyên, ở thôn Mai Lãnh, xã Mò Ó, huyện Đakrông (Quảng Trị) khi anh đang phát cỏ trong vườn. Ngày 20-6-2010, anh Nguyễn Đức Nhã, 32 tuổi, trú tại Tân Quang, Cam Tuyền, Cam Lộ bị thương nặng khi đang rà tìm phế liệu. Ngày 5-10-2010, anh Đào Bá Tám, 44 tuổi, trú tại Câu Nhi, Hải Chánh, Hải Lăng bị chết tại chỗ khi đụng phải đạn cối trong lúc làm vườn. Đó chỉ là ba trong số hàng loạt vụ tai nạn thương tâm xảy ra thời gian qua ở Quảng Trị do bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra" - anh Ngô Xuân Hiền, cán bộ Dự án "Khôi phục môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh" (Dự án RENEW) của Quỹ Tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ (VVMF) tại Việt Nam - dự án được triển khai tại Quảng Trị từ 9 năm nay - khẳng định, khi chúng tôi có dịp đi thực tế tại địa điểm mà Dự án RENEW đang rà phá.

Nhân viên kỹ thuật của MAG rà phá mìn ở Quảng Trị. Ảnh: MAG

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc rà phá bom mìn tại Quảng Trị, anh Hiền cho biết các vật liệu nổ được tìm thấy ở đây chủ yếu là bom bi, đạn M79, bom thả từ máy bay, đạn cối, đạn rocket, đạn pháo... Theo số liệu nghiên cứu của Dự án RENEW, Quảng Trị có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất ở nước ta, với khoảng 83,8% tổng diện tích đất được xác định bị ô nhiễm. Từ năm 1975 đến tháng 7-2010, toàn tỉnh đã có 7.036 người bị thương, chiếm 1/2 dân số toàn tỉnh, trong đó có 2.618 người chết. Đáng chú ý 31% nạn nhân là trẻ em.

Nỗ lực lớn của cộng đồng quốc tế

Nhận thức rõ những tác hại trên, những năm qua tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực cùng các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự hỗ trợ của chính phủ nhiều nước, các tổ chức phi chính phủ thực hiện nhiều chiến dịch rà phá; tăng cường tuyên truyền, giáo dục về hậu quả và phòng tránh tai nạn về bom mìn, vật liệu nổ cho người dân. Đến nay, Quảng Trị đã rà phá được khoảng 261 nghìn hécta, phá hủy 113.000 bom mìn các loại. Riêng các tổ chức phi chính phủ đã giúp Quảng Trị rà phá được 1.645ha, phá hủy 225.000 bom mìn, vật liệu nổ các loại còn sót lại.

Trong số các tổ chức quốc tế đang triển khai dự án rà phá bom mìn tại Quảng Trị hiện nay phải kể đến Dự án RENEW của VVMF, Nhóm cố vấn bom mìn (MAG) - một tổ chức phi chính phủ của Anh hoạt động tại Việt Nam từ năm 1999 đến nay. Các dự án này đã góp phần rất lớn giúp Quảng Trị rà phá bom mìn, các vật liệu chưa nổ tại hiện trường; giáo dục phòng tránh bom mìn, hỗ trợ nạn nhân, rà phá, thông tin và dữ liệu, hỗ trợ phát triển sau rà phá... Tuy nhiên, do mức độ ô nhiễm lớn, trang bị phương tiện và lực lượng chuyên trách còn thiếu, nên tai nạn do bom mìn, vật nổ vẫn xảy ra thường xuyên và trên diện rộng… trong khi nhiều người dân bất chấp nguy hiểm, vẫn tự rà phá bom mìn, vật liệu chưa nổ để thu lượm phế liệu.

Số liệu thống kê của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (BOMICEN) - Bộ Tư lệnh Công binh Việt Nam cho thấy, lượng bom mìn, vật nổ của Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là hơn 15 triệu tấn (mật độ bình quân 46 tấn/km2), nhiều gấp 3,9 lần so với Đại chiến Thế giới thứ hai và gấp 12 lần so với Chiến tranh Triều Tiên. Theo nhận định của BOMICEN, với tốc độ rà phá bom mìn, vật nổ của cả nước khoảng 20.000ha mỗi năm, để làm sạch 6,6 triệu hécta ô nhiễm bom mìn trên cả nước, cần khoảng 300 năm và trên 10 tỷ USD. Điều đó cho thấy, việc rà phá bom mìn không chỉ là "cuộc chiến" lâu dài của Quảng Trị, mà còn với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, cần sự nỗ lực lớn của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, đặc biệt là sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.

Đình Tuấn