Trách nhiệm cao nhất

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:45, 12/11/2010

(HNM) - Khi diễn đàn Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XII vừa lắng xuống với những cuộc thảo luận khá thẳng thắn xung quanh dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi, thì đêm 5-11-2010, dòng bùn đỏ từ chân đập chắn nước tuyển rửa quặng của Xí nghiệp Khai thác quặng sắt Nà Lũng, xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng (thuộc Công ty Khoáng sản luyện kim Cao Bằng) bục ra, vùi lấp hàng chục hécta lúa, hoa màu và ngập tràn (có nơi tới cả mét) nhiều nhà dân ở các xóm Nà Màn, Nà Kéo, Nà Cà, Nà Mạ.


Những nhà chức trách của Tập đoàn Than và Khoáng sản, của những cơ quan khoa học liên quan đến việc khai thác quặng sắt thì cho rằng "bùn đỏ này không độc hại". Nhưng, nhiều nhà khoa học chuyên ngành khẳng định, nói như thế là chưa thật sự nhìn nhận một cách nghiêm túc trách nhiệm của đơn vị gây ra họa bùn đỏ này.

Với người dân, họ cũng chẳng hiểu thuật ngữ "đuôi quặng sắt" là gì, chỉ biết rằng ruộng của họ sẽ không thể cấy được cây lúa, vườn không trồng được luống rau, còn nhà cửa bùn kết dính quánh lại, làm sao về mà sinh sống được?

Nhìn lại câu chuyện khai thác khoáng sản trên cả nước, mới giật mình về nhiều dự án. Những cánh rừng phi lao chắn bão cát, chặn sự xâm thực của biển, đã bị chặt hạ không thương tiếc để xới tung lên lấy quặng, thả cho biển bền bỉ gặm nuốt bờ cát mỗi ngày. Rồi những rừng, những suối đầu nguồn cây bị đốn ngã ngổn ngang, bị đào bới nham nhở để moi quặng, góp thêm cho những cơn cuồng thủy hung hãn nhấn chìm nhiều bản làng, thôn xóm.

Vẫn biết làm kinh tế là phải có lợi nhuận, nhưng với bất cứ lĩnh vực kinh tế - xã hội nào, nhất là lĩnh vực khai thác khoáng sản, không thể vì bài toán "hiệu quả" mà quên đi những hiểm họa như cháy, sập, nổ hầm lò, làm biến dạng môi trường tự nhiên, đặc biệt là các chất thải trong quá trình tuyển rửa quặng gây ra những cơn lũ bùn đỏ như vừa xảy ra ở Cao Bằng.

Làm kinh tế nếu chỉ biết có lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm xã hội, quên đi trách nhiệm đối với con người và môi trường thì đó là cách làm kinh tế thiếu lương tâm. Mục đích của kinh tế chính là vì con người. Vì vậy không thể vì lợi nhuận mà hy sinh tất cả thuộc về chất lượng sống của nhân dân. Bài học từ vụ bùn đỏ ở Cao Bằng nhắc các nhà quản lý và các nhà kinh doanh một điều: Phải đặt trách nhiệm với dân lên trước hết!

Nguyễn Hòa Bình