Cơ chế ràng buộc nâng chất lượng “đầu ra”

Đời sống - Ngày đăng : 08:03, 11/11/2010

(HNM) - Tại một hội nghị đánh giá công tác dạy nghề, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Ngọc Phi nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng dạy nghề thì các trường nghề phải từ bỏ thói quen lấy số lượng làm thước đo đào tạo, thay vào đó là chuẩn hóa phương thức dạy nghề để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao. Và một cách mới  được đưa ra là doanh nghiệp cùng tham gia vào việc chấm thi tốt nghiệp để bảo đảm chất lượng tay nghề thực sự của sinh viên.

Chất lượng nghề của sinh viên sẽ được đánh giá sát thực với sự tham gia của các doanh nghiệp. Ảnh: Nguyệt Ánh


Hiện nay hệ thống dạy nghề trong cả nước có 118 trường cao đẳng, 294 trường trung cấp nghề và 810 trung tâm dạy nghề. Hằng năm, các trường này đào tạo 1,7 triệu người lao động. Sau khi triển khai chương trình dạy và tổ chức thi tay nghề khóa 1 đã có 70 trường tổ chức thi tốt nghiệp, trong đó 44 trường tổ chức thi thí điểm theo ngân hàng đề chung, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đạt 95%. Và điều đáng nói là trong số đó có 83,85% số sinh viên ra trường có việc làm ngay với mức lương khởi điểm bình quân đạt 3,3 triệu đồng/tháng. Có được con số cùng mức lương hấp dẫn nêu trên là nhờ vào sự đổi mới trong cách thức chấm thi, ra đề, cũng như sự tìm tòi, liên hệ, năng lực thực tế của từng trường. Trong đó, sự kêu gọi các doanh nghiệp tham gia ra đề, chấm thi và liên kết tuyển dụng, đặt hàng giữa bên có nhu cầu và cơ sở đào tạo đã cho ra đời những học sinh tốt nghiệp có tay nghề, có việc làm ngay và mức lương khởi điểm như mong ước. Đây cũng chính là cách  động viên các học sinh học hành chăm chỉ ngay từ những năm đầu tiên.

Trên thực tế, các doanh nghiệp rất phấn khởi khi được tham gia với vai trò là ban giám khảo. Họ đã đặt hàng tuyển ngay những học sinh có tay nghề.

Được biết, nội dung đề thi có 70% là bám sát chương trình khung của Tổng cục Dạy nghề, 30%  là của doanh nghiệp đưa ra nhằm phù hợp với thị trường lao động từng vùng miền. Qua đó doanh nghiệp có thể lựa chọn, tuyển dụng được lao động theo yêu cầu thực tế của mình, đồng thời trường dạy nghề cũng dễ dàng điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp. Thông qua việc thí điểm thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung này, các trường nghề sẽ có cơ sở để đánh giá chất lượng đào tạo, rút ra những thiếu sót trong chương trình đào tạo để bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, việc thực hiện thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung đã tạo ra được mặt bằng về chất lượng cũng như sự tương đồng giữa các trường cao đẳng nghề. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề không phải dễ. Những thành quả nêu trên mới chỉ là bước đầu thí điểm. Về lâu dài, nếu muốn chất lượng nghề tốt hơn nữa cần sự nỗ lực của các trường nghề. Bởi thực tế hiện nay, các đơn đặt hàng từ các tổng công ty, tập đoàn và doanh nghiệp tư nhân chưa nhiều. Số lượng tham gia tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi còn hạn chế,  mới chỉ có 44/118 trường cao đẳng nghề có doanh nghiệp tham gia. Điều rất cần là chưa có cơ chế ràng buộc giữa nhà trường với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, ra đề thi cũng như tiếp nhận sinh viên khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó việc phân định đầu ra của hệ cao đẳng nghề và trung cấp nghề chưa có ranh giới rõ ràng nên phần thiệt thuộc về người lao động khi mức lương được hưởng sau khi tốt nghiệp không rõ ràng, dẫn đến học nghề chưa thực sự thuyết phục được người lao động.

Như vậy, nếu chưa có chính sách ràng buộc giữa doanh nghiệp và nhà trường trong quá trình đào tạo và chấm thi thì chưa thể chuẩn hóa phương thức dạy nghề để tạo nguồn được. Được biết trong thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH sẽ ban hành quy định về thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề, như vậy, doanh nghiệp và người lao động sẽ tự "chấm điểm"cho nhau và sẽ có những lựa chọn đúng và phù hợp.

Dung Nhi