Thị trường lao động cuối năm: Cầu nhiều, cung ít
Đời sống - Ngày đăng : 07:23, 11/11/2010
Việc tuyển dụng nhân sự cuối năm của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khi cung không đủ cầu. Ảnh: Thái Hiền |
Tuyển dụng sớm nhưng vẫn khó khăn
Có thể thấy nhu cầu tìm lao động rất đa dạng trên các báo, đài truyền hình, các website, tờ rơi. Các vị trí được rao tuyển thuộc các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, bán hàng. Để thu hút ứng viên, các công ty không ngại ngần chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, mức lương hấp dẫn và doanh thu bán hàng cao dù đó chỉ là những công việc thời vụ. Từ 10 ngày nay, Công ty TNHH Gia Lục Nguyên Quân - đơn vị chuyên doanh may mặc thời trang đã rầm rộ tuyển lao động thời vụ với số lượng không hạn chế, đặc biệt ở vị trí nữ nhân viên bán hàng thời trang trẻ em. Nhìn thấy sự khó khăn trong việc tuyển dụng do thị trường cung - cầu quá chênh lệch hiện nay, công ty đã tính đến phương án sẽ tuyển dụng sinh viên làm theo giờ (gọi tắt là part - time). Công ty TNHH SHIAN (chuyên về dịch vụ, nhà hàng) đã sớm thông báo tuyển dụng 20 lao động làm việc ở các vị trí bar, bàn và phụ bếp từ đầu quý IV với mức lương khởi điểm là 3 triệu đồng/tháng, bảo đảm các chế độ về BHXH, BHTY. Tuy nhiên, đến nay đã hơn một tháng họ mới chỉ tuyển được 1/3 số lượng. Đại diện Công ty cổ phần Gia Anh cho biết, để chuẩn bị cho mùa làm ăn cao điểm cuối năm, công ty này có nhu cầu tuyển khoảng 100 công nhân kỹ thuật và hơn 10 nhân viên kinh doanh, bộ phận tuyển dụng đã tham gia nhiều phiên giao dịch việc làm, phát tờ rơi, đăng báo, website nhưng việc tuyển dụng khó hơn dự kiến trong khi đó các đơn hàng cuối năm ngày càng nhiều.
Theo khảo sát thực tế, trong các phiên giao dịch việc làm gần đây, nhu cầu cuối năm như cần nhân viên kinh doanh, quản lý bán hàng, nhân viên bán hàng tăng đột biến. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên dự đoán, mùa tuyển dụng năm nay sẽ kéo dài hơn những năm trước do các doanh nghiệp sợ khó khăn trong tuyển dụng nên đăng tuyển sớm.
Bất cập về lương
Thống kê sơ bộ của Trung tâm Dự báo nhân lực, trong tổng số nhu cầu việc làm từ nay đến cuối năm, lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm khoảng 20%; trung cấp, công nhân kỹ thuật chiếm 40%. Nhu cầu lao động có trình độ sơ cấp, lao động phổ thông chiếm đến 40%. Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung vào các nhóm ngành, nghề: marketing, nhân viên kinh doanh, quản lý điều hành, dịch vụ, chế biến lương thực - thực phẩm, xây dựng... Vì vậy, các chuyên gia nhân sự nhận định đây đang là thời điểm sôi động của thị trường lao động Hà Nội.
Việc tuyển dụng nhân sự cuối năm của các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nếu nguồn cung vẫn tiếp tục thiếu và yếu như hiện nay. Kéo theo đó sẽ là việc tăng vọt chi phí tuyển dụng do cung không đáp ứng kịp cầu lao động. Theo các doanh nghiệp, ở thời điểm hiện nay, để tuyển được một lao động thì doanh nghiệp phải trả cho đơn vị môi giới từ 500.000-700.000 đồng. Sau khi tuyển dụng thành công, doanh nghiệp phải đào tạo miễn phí trong 3 tháng nhưng vẫn phải trả lương thử việc. Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp có thêm các ưu đãi như xây nhà ở, nhà trẻ cho công nhân, miễn phí ăn trưa, chăm sóc sức khỏe... Như vậy, để có được một lao động làm việc chính thức tại công ty, họ sẽ phải tốn chi phí đến 5-6 triệu đồng. Tuy nhiên, với việc tuyển dụng khó khăn như hiện nay thì các chi phí sẽ tăng ít nhất là gấp rưỡi. Nhưng dù đã chấp nhận một mức tiền tuyển dụng không nhỏ như trên, các doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn.
Lý do duy nhất được đưa ra là do mặt bằng lương tối thiểu thấp (khoảng 1 triệu đồng/người/tháng), lại duy trì nhiều năm nay với mức tăng dè dặt chưa đủ sức níu chân người lao động trong khi giá cả đang ngày càng leo thang. Biết rõ rào cản trong quá trình tuyển dụng như vậy nhưng các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp làm ăn tốt cũng không thể tăng lương quá cao so với mức quy định. Họ chỉ có thể căn cứ vào mức lương khởi điểm để bù đắp các phụ phí khác đủ để người lao động chi tiêu. Do vậy, nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu đang ngày càng nhiều hiện nay.