“Vua lốp” bốc thuốc làm từ thiện

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:16, 11/11/2010

(HNM) - Đã khá lâu tôi mới có dịp trở lại thăm ông già Nguyễn Văn Chẩn (hiện ở ngõ 135 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội). Vẫn con người ấy, vẫn cảnh vật cũ, nhưng người một thời được mệnh danh là


Gác lại chuyện "vua lốp" mà nhiều người còn nhớ, từ một cố nông, quê Nga Sơn (Thanh Hóa), hai bàn tay trắng ra Hà Nội gây dựng cơ nghiệp. Nhờ vào tài năng và sự tháo vát, ông Chẩn đã trở thành người giàu có nổi tiếng; rồi sa chân vào vòng lao lý, mãi đến thời kỳ đổi mới, mới được minh oan…

Khoảng 10 năm trở lại đây, ông Chẩn làm nghề bốc thuốc. Bà Trần Thị Oanh, vợ ông kể: "Ông có nghề bốc thuốc từ cách đây 40 năm. Âu cũng là một sự tình cờ. Ngày đó, ông Chẩn được một người bạn tù truyền cho. Vận dụng kiến thức học được, ông chữa khỏi bệnh cho nhiều người. Một số bệnh như bị vôi cột sống, đau dạ dày, viêm xoang…, ông đều chữa khỏi. Dịp nọ, có bà cụ ở phố Hàng Phèn bị liệt toàn thân, đi bệnh viện chữa mấy năm trời không khỏi. Nghe tin có ông già Chẩn chữa bệnh này hiệu nghiệm, khổ nỗi, bà cụ đã cao tuổi, lâu nay chỉ nằm liệt giường. Gia đình khẩn khoản mời ông Chẩn đến giúp. Không quản ngại, già Chẩn đã cất công bắt con cháu đưa đi thăm người bệnh, mang theo lỉnh kỉnh đồ nghề, bọc lớn bọc bé thuốc. Đám con cháu còn phàn nàn "già yếu rồi còn ham hố những việc không đâu". Bỏ ngoài tai những lời phàn nàn, ông vẫn quyết "thử một phen". "Thầy thuốc" Chẩn bắt mạch, hỏi han kỹ lưỡng người bệnh rồi phát thuốc. Kết quả là, sau một thời gian kiên trì chữa trị, bệnh của bà cụ thuyên giảm trông thấy, dần dần đi lại được".

Hằng ngày, "vua lốp" dậy từ 5 giờ sáng, tự tay pha ấm trà, ra vườn "đi" mấy đường quyền, trà ngấm tới cũng là lúc ông kết thúc tập thể dục. Uống trà, ăn điểm tâm, rồi xem "Chào buổi sáng" của VTV1. Ông dành thời giờ đọc sách, nghiên cứu; đi hái lá tre hoặc nhờ người tìm mua những lá thuốc cần thiết khác, về sai con cháu đem phơi, sao khô để làm thuốc chữa bệnh. Lá tre giờ cũng không có nhiều, nhưng mà vẫn có thể tìm hái được, không phải bỏ tiền. Còn những thứ lá thuốc quý thì cần tới "hầu bao". Tiền không nhiều, nhưng ông vẫn chi đủ để nhờ người thân tìm mua về. Phơi, sao nhiều lần; lại tra khảo, nghiên cứu, ghi ghi, chép chép, phân loại chúng thành những vị thuốc, buộc sẵn từng gói dùng cho từng loại bệnh. Có những người đến… xin thuốc, ông sẵn sàng cho không. Thi thoảng ông mới lấy tiền, gọi là một chút đồng công "hỏa hồng" cho các cháu, hoặc chi cho người đã cất công đi tìm mua lá ngoài chợ...

Người nhà thấy ông già, gầy gò, ốm yếu mà vẫn say, vẫn bấn bíu việc thuốc thang thì than: "Thân làm tội đời". Trò chuyện, hỏi han già Chẩn, ông ân cần mà rằng: "Tôi làm vậy - cái chính là để khuây khỏa tuổi già, nguôi ngoai đi những nỗi buồn - mất mát quá khứ; chứ thực tình chẳng muốn lấy một xu của người bệnh".

Xuân Phong