Hiệu quả của đầu tư

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:40, 11/11/2010

(HNM) - Trên truyền hình, hình ảnh những con tàu chở dầu thô vượt sóng to gió lớn, cố gắng cập cảng Dung Quất để bơm những dòng dầu nguyên liệu cho Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn duy trì hoạt động, bảo đảm tiến độ sản xuất khiến người xem thấy ấm lòng bởi những nỗ lực của đơn vị kinh tế trọng điểm của đất nước.


Càng thấy vui hơn khi lại có những thông tin về khối lượng xăng đạt tiêu chuẩn quốc tế của Dung Quất tiếp tục được nhiều đơn vị phân phối tới tay người tiêu dùng cả nước. Rõ ràng là Khu công nghiệp Dung Quất với hạt nhân là nhà máy lọc và hóa dầu từ khi hoạt động đã mang lại những thay đổi to lớn, cả về hiệu quả kinh tế lẫn chất lượng an sinh xã hội trên vùng đất có chiến khu cách mạng Ba Tơ nổi tiếng năm nào. Một khu công nghiệp trọng điểm, hiện đại, được Nhà nước đầu tư lớn giờ đây đang phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt ở miền Trung và trong tương lai nó sẽ góp phần làm giảm sự chênh lệch về kinh tế giữa các vùng, miền - đích đến của sự phát triển.

Không chỉ có Khu công nghiệp Dung Quất, mà tại tỉnh cực nam xa xôi của đất nước - tỉnh Cà Mau, Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm dù mới có nhà máy điện khí hoạt động, dòng điện lưới quốc gia đã có thêm 12% công suất khi các nhà máy thủy điện không thể chạy hết sức vì khô hạn, không chỉ làm tăng đáng kể nguồn thu ngân sách của tỉnh này, mà còn trực tiếp góp phần giải quyết vấn đề năng lượng tức thời cho lưới quốc gia. Sang năm, nhà máy đạm công suất 800.000 tấn/năm hoàn thành và đưa vào hoạt động, kinh tế Cà Mau còn khởi sắc hơn nữa. Khu công nghiệp này sẽ trực tiếp tác động làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội lẫn tập quán sản xuất ở vùng sâu, xa nhất của Tổ quốc khiến nhân dân các dân tộc anh em vùng chiến khu chót Tổ quốc sớm được hưởng lợi từ thành quả của công cuộc CNH - HĐH nước nhà.

Cùng với những khu công nghiệp trọng điểm này, nhiều khu công nghiệp và những công trình trọng điểm quốc gia tại nhiều địa phương cả nước cũng đã phát huy tác dụng cả về kinh tế lẫn an sinh xã hội bằng đóng góp trực tiếp cho ngân sách các địa phương, góp phần tái đầu tư các cơ sở hạ tầng để người dân có phần thụ hưởng. Có thể kể những công trình đường dây 500kV, đường Hồ Chí Minh, các cây cầu lớn bắc qua các sông Hồng, sông Tiền, sông Hậu, sông Thái Bình… đã mang lại nhịp sống mới cho nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào các dân tộc miền núi, miền Trung và Tây Nguyên - những người dân của bao thế hệ tiếp nối đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Công cuộc hiện đại hóa - công nghiệp hóa đất nước đang diễn ra trên cả chiều rộng và chiều sâu của quốc gia với những công trình và hạng mục công nghiệp mang tầm cỡ. Thực tế, nhiều khu công nghiệp và những công trình trọng điểm khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, không chỉ về kinh tế, mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc; nó còn góp phần bảo đảm an sinh - công bằng xã hội cho mọi vùng, miền, dân tộc. Vì thế, không thể nói gì khác rằng, việc đầu tư cho những khu công nghiệp lớn, ngoài mục đích kinh tế, cũng chính là chú trọng bảo đảm an sinh xã hội mà nhà nước ta đã và đang thực hiện thời gian qua.

Nếu dự án nào chỉ tính đến lợi nhuận mà không tính đến (hoặc không có) tác động an sinh xã hội thì chưa phải là dự án đầu tư có hiệu quả đúng nghĩa. Thực tế, cũng đã và đang có một số dự án ở nơi này, nơi kia mà người ta chỉ tính đến hoặc chăm chăm chỉ nhằm lấy lợi nhuận. Cái kiểu đầu tư đó sẽ không bền.

Huy Thịnh