Luật tố cáo: Phải đảm bảo cho công dân thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản
Chính trị - Ngày đăng : 16:49, 10/11/2010
Theo tờ trình Chính phủ, Dự thảo Luật Tố cáo gồm 9 chương và 72 điều.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật tố cáo điều chỉnh đối với việc giải quyết tố cáo về (1) vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, tổ chức; (2) vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Bên cạnh đó, để bảo đảm sự thống nhất giữa Luật tố cáo với Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật khác, dự thảo quy định đối với tố giác, tin báo tội phạm, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng; tố cáo và việc giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật lao động.
Đối tượng áp dụng của dự thảo Luật tố cáo bao gồm: công dân tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp giải quyết tố cáo. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định việc tố cáo và giải quyết tố cáo của cá nhân nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam được áp dụng theo quy định của Luật này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, Dự thảo quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền như sau:
Với các tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết. Trong trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết.
Với các tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ có dấu hiệu tội phạm do các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Dự thảo Luật cũng có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận và xử lý tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, bao gồm: tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo, bản ghi lời tố cáo; tiếp nhận, xử lý tố cáo trực tiếp; tiếp nhận, xử lý tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax; việc xử lý tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm; việc xử lý trong trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhà nước, của tập thể, tính mạng, tài sản của công dân.
Về bảo vệ người tố cáo, dự thảo Luật ghi nhận quyền được bảo vệ bí mật của người tố cáo; yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm về việc làm; trách nhiệm và các biện pháp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là cơ quan công an trong việc bảo vệ người tố cáo; việc xử lý người vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo.
Với các tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, theo Ban soạn thảo, trong xử lý tố cáo về tội phạm, tố giác, tin báo tội phạm, tố cáo về tham nhũng, pháp luật về tố tụng hình sự, phòng, chống tham nhũng đã quy định. Vì vậy trong việc xử lý tố cáo về hành chính thì Luật tố cáo không nên quy định việc giải quyết đối với loại tố cáo nêu trên. Trong trường hợp cần nghiên cứu, sử dụng thông tin do người tố cáo cung cấp để phục vụ công tác quản lý thì quy định trong Nghị định hướng dẫn thi hành.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành, các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật tố cáo đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và đánh giá, những sửa đổi, bổ sung này là tương đối tích cực.
Tuy nhiên, cơ chế giải quyết từ khâu tiếp nhận, trình tự thủ tục xử lý, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết tố cáo, cơ chế bảo vệ người tố cáo…vẫn là những cơ chế hiện hành. Do đó, những sửa đổi trong dự luật chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu của công tác giải quyết tố cáo hiện nay, nhất là việc khắc phục những hạn chế của công tác giải quyết tố cáo cũng như hiệu quả giải quyết tố cáo không cao.
“Vấn đề tố cáo và giải quyết tố cáo là vấn đề không đơn giản, bởi vì chủ thể tố cáo, đối tượng bị tố cáo và hành vi bị tố cáo có tính đan xen và trong không ít trường hợp là rất khó phân biệt nếu không có các quy định rõ ràng… Mặt khác, hành vi bị tố cáo trong không ít trường hợp lại không liên quan đến việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Trong những trường hợp này thì cơ quan nào có trách nhiệm xử lý, đơn tố cáo sẽ được gửi đến đâu, cơ quan quản lý cán bộ, công chức đó hay cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực vi phạm; hoặc đối tượng bị tố cáo là cán bộ, công chức nhưng đồng thời là đảng viên thì việc giải quyết tố cáo được tiến hành theo cơ chế nào và đối tượng bị tố cáo sẽ được xem xét, giải quyết với tư cách là đảng viên hay cán bộ, công chức…Đây là những vấn đề cần được nghiên cứu, làm rõ để có những quy định phù hợp”, báo cáo thẩm tra viết.
Uỷ ban pháp luật cũng đề nghị, việc xây dựng Luật tố cáo cần xuất phát từ yếu tố tích cực của tố cáo nên Luật tố cáo cần đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là bảo đảm cho công dân có thể thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện và cơ chế giải quyết tố cáo phải công khai, minh bạch, hiệu quả. Để thực hiện được các yêu cầu này, dự thảo Luật cần có các quy định đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết tố cáo; phân định rõ thẩm quyền giải quyết đối với hành vi vi phạm bị tố cáo, không chỉ đối với những vi phạm về nhiệm vụ, công vụ mà còn đối với những vi phạm về đạo đức, lối sống; quy định trách nhiệm chứng minh đối với các hành vi bị tố cáo thuộc về cơ quan nhà nước; ngăn chặn hành vi lạm quyền trong việc giải quyết tố cáo; cơ chế bảo vệ người tố cáo cần được quy định rõ ràng, cụ thể; đồng thời, cũng cần có cơ chế bảo vệ người bị tố cáo khi bị tố cáo oan sai; có cơ chế liên thông trong giải quyết tố cáo giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công chức là đảng viên. Bên cạnh đó, Luật cũng cần khẳng định quan điểm tố cáo phải có điểm dừng, không xem xét đối với các tố cáo đã được giải quyết, tố cáo lại.
Đáng chú ý, với quy định về tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo, đa số thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với quy định tại khoản 2 Điều 23 của dự thảo Luật là: “người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực nội dung tố cáo; cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được”. Quy định như vậy sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo, hạn chế những trường hợp lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật gây mất đoàn kết nội bộ, tốn kém cả thời gian và tiền bạc cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết.
Về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo, Dự thảo Luật phân biệt hai loại tố cáo là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và tố cáo hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước; tương ứng với mỗi loại tố cáo có quy định về trình tự, thủ tục giải quyết riêng. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật thì trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với từng loại, về cơ bản là giống nhau. Vì vậy, Uỷ ban pháp luật đề nghị cân nhắc có nên tách riêng trình tự thủ tục đối với mỗi loại tố cáo hay không? Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về chế độ trao đổi thông tin, sử dụng kết quả giải quyết giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố cáo.
Về bảo vệ người tố cáo, Ủy ban pháp luật thấy rằng, các quy định về bảo vệ người tố cáo trong dự thảo Luật vẫn chung chung, còn mang tính nguyên tắc, thiếu cơ chế thực hiện và chưa có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn bảo vệ người tố cáo để có thể thực hiện trên thực tiễn. Vì vậy, cần được nghiên cứu để quy định chi tiết hơn. Ví dụ, cần xác định về cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ; thứ tự ưu tiên bảo vệ, ví dụ trước hết cần phải bảo vệ tính mạng, tài sản của người tố cáo, thậm chí là cả người thân của họ. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định về bảo vệ các quyền lợi về chính trị, kinh tế, việc làm, bảo vệ uy tín cho người tố cáo. Đồng thời, cần nghiên cứu quy định cơ chế, biện pháp bảo vệ cả những người bị tố cáo, đảm bảo khôi phục danh dự, quyền và lợi ích của họ trong trường hợp bị tố cáo sai.
* Cũng trong phiên làm việc chiều 10/11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật kiểm toán độc lập và dự án Luật lưu trữ.