Cảm xúc thăng hoa

Xã hội - Ngày đăng : 11:08, 10/11/2010

(HNMO) - Vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội, giới yêu thời trang và nghệ thuật Hà Nội đã được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đỉnh cao và ra về cùng chung một ý nghĩ: đêm diễn bí ẩn nhất trong năm thực sự là một bữa tiệc của âm nhạc, ánh sáng, hội họa, sắp đặt, trình diễn và trên hết là thời trang.


(HNMO) - Tối 3-11 vừa qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, giới yêu thời trang và nghệ thuật Hà Nội đã được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đỉnh cao và ra về cùng chung một ý nghĩ: đêm diễn bí ẩn nhất trong năm thực sự là một bữa tiệc của âm nhạc, ánh sáng, hội họa, sắp đặt, trình diễn và trên hết là thời trang.


Một chương trình thời trang dài tới 120 phút, chín nhà tạo mẫu Pháp và Việt Nam, mười bộ sưu tập được biên đạo Fanny de Chaillé dàn dựng thành mười hai bức tranh di động. Khán giả đã tưởng như thời gian ngừng trôi và háo hức chờ đợi sau khi chiêm ngưỡng hết một bức tranh. Fanny de Chaillé đã đưa ra một khái niệm táo bạo, độc đáo và thực tế đã cho thấy chị đã thành công. Xuất phát từ khái niệm thời trang và múa đương đại đều là những bộ môn nghệ thuật sử dụng sự phối hợp ở trình độ cao của một hoặc nhiều cơ thể để biểu đạt một thông điệp, cảm xúc nào đó dựa trên vận động, chị đã lấy những điểm dừng, tạo dáng của người mẫu trên sàn diễn vốn là điểm khu biệt của thời trang để từ đó phát triển thành những chuyển động của múa. Ngoài ra, để đảm bảo việc tôn vinh tác phẩm của các nhà thiết kế, chị đã táo bạo để tất cả diễn viên mặc quần áo màu đen bó sát người, che mặt bằng mũ trùm đầu để triệt tiêu sự khác biệt về hình thể giữa các diễn viên múa vốn có thể hình thấp bé và những người mẫu chuyên nghiệp. Công thức kì lạ này đã phát huy tác dụng. Khán giả Hà Nội vốn quen với những bước chân như bay như lướt của những người mẫu trên sàn diễn cổ điển, với những tiếng nhạc sôi động của nahcj dance nhạc pop và những mái tóc, khuôn mặt được trang điểm cầu kì thì nay lại tiếp xúc với một vẻ đẹp mới: vẻ đẹp duy nhất của các bộ thời trang trong tiếng nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng.

Nhạc sỹ Christophe Chassol đã đặc biệt sáng tạo trong việc kết hợp các nhạc cụ Việt Nam với các nhạc cụ phương Tây. Anh giải thích: trong chương trình lần này có sự tham dự của nhiều nhà thiết kế đến từ hai nền văn hóa khác nhau, các bộ sưu tập không chỉ khác nhau về phong cách mà còn cả về đối tượng thiết kế. Chính vì vậy âm nhạc của chương trình phải thật năng động, cho phép đẩy cảm xúc và chuyển động trên sân khấu lên thật nhanh nhưng cũng phải ngay lập tức trùng xuống, nhấn nhá vào sự thướt tha của một bộ trang phục, vừa phải lột tả được sự hoành tráng và tỉ mỉ của một bộ trang phục thời trang đỉnh cao (haute couture) vừa phải ngay sau đó làm khán phòng rộn ràng với sự xuất hiện của các em nhỏ với những chiếc áo dài cầu kì nhưng không làm mất đi sự hồn nhiên của các em nhỏ. Người ta có thể nghe thấy âm thanh huyền bí của cây đàn tì bà, tiếng đàn tranh xốn xang, tiếng xập xình của điệu múa chén, tiếng sáo du dương của châu Âu, tiếng đàn contrebasse trầm lắng, tiếng piano thánh thót…trong đó phần lớn là các nét nhạc Christophe Chassol sáng tác và hoàn thiện trong thời gian tập chương trình. Anh đã thành công bởi khi về, khán giả nào cũng còn thấy văng vẳng đâu đây một nét nhạc của chương trình, vừa lạ vừa quen, vừa bí ẩn, vừa gợi mở.

Đây là một chương trình đặc biệt bởi trước khi show diễn ra, không có một bức ảnh hay bài phỏng vấn nào xuất hiện trên các báo. Một số phóng viên văn hóa cũng được tham dự vào các buổi tập và tổng duyệt nhưng không ai được công bố ảnh mình chụp. Chương trình cũng là một bất ngờ thú vị với các người mẫu của hai công ty New Talent và Venus, họ vừa phải diễn như một diễn viên múa, vừa trình diễn các động tác quen thuộc trên catwalk của mình. Đặc biệt, đây là một chương trình không cần đến các vedette (siêu mẫu) bởi khả năng biểu đạt hình thể, tính kỷ luật, khả năng di chuyển trong không gian và cảm nhận âm nhạc là những yếu tố quan trọng nhất. Đây cũng là một chương trình đáng nhớ không chỉ với khán giả mà còn với chính các nhà tạo mẫu: lần đầu tiên họ tham gia vào một chương trình trình diễn thời trang ở trên ghế khán giả. Ý tưởng độc đáo của chương trình và các nhà tổ chức đã làm việc tốt đến mức, các nhà thiết kế có được niềm vui ngồi trong khán phòng chiêm ngưỡng các thiết kế của mình được tôn vinh như những tác phẩm nghệ thuật và chiêm ngưỡng công việc sáng tác của những người đồng nghiệp. Ambrym, Charabia, Christophe Josse và Dormeuil, cùng với DMC Đỗ Mạnh Cường, Hoàng Hải Elie, Kelly Bùi, Lê Hà và Sỹ Hoàng cùng êkíp nghệ thuật đã mang lại một tiếng nói mới và thiết lập một đẳng cấp khó vượt qua cho trình diễn thời trang ý niệm tại Việt Nam. Sau chương trình, lãnh đạo hai thành phố, khán giả và các nghệ sỹ còn có dịp trao đổi giao lưu trong phòng Gương tráng lệ của Nhà hát lớn Hà Nội và thưởng thức những ly sâm panh hảo hạng đến từ Pháp, Moet Chandon.

Chương trình thực sự là dịp để thời trang đến gần hơn với công chúng và góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa vùng Ile-de-France và Hà Nội nói riêng cũng như mối quan hệ Việt - Pháp trong lĩnh vực thời trang và nghệ thuật nói chung. Le Bros, Le Media lại tiếp tục khẳng định đẳng cấp của mình trong việc tổ chức, tham gia tổ chức và phụ trách truyền thông cho các sự kiện văn hóa nghệ thuật đỉnh cao. Các tạp chí của Le Media, kênh truyền hình Fansipan TV và kênh VTC HD1 là nhà bảo trợ thông tin của chương trình.

Nguyễn Thành