Thiếu và yếu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:37, 10/11/2010
Đầu tháng 11, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức nhiều chuyến đi tham quan, học tập các mô hình KNCS hoạt động hiệu quả ở các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Cà Mau... và đã rút ra được nhiều bài học từ thực tế sinh động. Ông Vũ Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Giang cho biết: Là một tỉnh nghèo, kinh tế khó khăn nhưng với cơ chế chính sách đãi ngộ thỏa đáng như cho cán bộ hưởng lương theo bằng cấp, được đóng bảo hiểm... tỉnh Hà Giang đã thu hút được nhiều sinh viên chính quy các trường Đại học Nông nghiệp I, Đại học Lâm nghiệp vào vị trí cán bộ khuyến nông cấp xã. Nhờ có lực lượng khuyến nông tại chỗ mà những năm qua, trên địa bàn tỉnh ít xảy ra những ổ dịch lớn trên cây trồng, vật nuôi. Không chỉ làm tốt hoạt động khuyến nông, đội ngũ cán bộ này còn hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, chỉ đạo lịch thời vụ gieo trồng, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Và đây còn là lực lượng nòng cốt đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ đắc lực cho hệ thống khuyến nông thôn, bản phát triển và "phủ sóng" tới tất cả các huyện, kể cả các huyện khó khăn như Mèo Vạc, Đồng Văn, Hoàng Su Phì.
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho rằng: Do cơ chế đãi ngộ quá thấp, chỉ được trợ cấp 80% lương cơ bản, ký hợp đồng thời vụ theo năm nên Hà Nội không thể thu hút được sinh viên đại học chính quy trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản về xã làm công tác khuyến nông. Tính đến 30-9-2010 toàn thành phố có 450 khuyến nông cấp xã/466 xã có sản xuất nông nghiệp. Không những thiếu về nhân lực, đội ngũ khuyến nông cấp xã của thành phố hiện còn nhiều hạn chế về trình độ, rất ít người có trình độ đại học trở lên. Mặt khác, cán bộ KNCS chủ yếu tập trung trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, còn các lĩnh vực như thủy lợi, thủy sản, khuyến công... đều rất ít hoặc chưa có. Tỷ lệ cán bộ khuyến nông được đào tạo chuyên ngành còn thấp (khoảng 15%) nên khả năng truyền đạt kiến thức còn hạn chế, tỷ lệ kiêm nhiệm nhiều (48%), có những huyện chiếm đến 100% (Ba Vì, Gia Lâm, Sóc Sơn), ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khuyến nông tại cơ sở. Qua đó, việc tổng kết nhân rộng một số mô hình còn chậm; các mô hình chế biến nông, lâm sản, phát triển công nghệ sau thu hoạch còn quá ít; chưa giúp được nông dân trong vấn đề giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Đây là một bất hợp lý đối với vùng nông nghiệp trọng điểm của khu vực phía Bắc như Hà Nội.
Để đạt được mục tiêu "Khuyến nông mạnh, nông dân giàu", khuyến nông Hà Nội cần phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đáp ứng nhu cầu tư vấn của các chủ trang trại lớn. Với thị trường nông sản ngày càng đòi hỏi cả về số lượng và chất lượng, cán bộ KNCS cần phải nâng tầm thành các chuyên gia, phải tự chịu trách nhiệm bằng cách ký kết hợp đồng tư vấn với chủ trang trại, giúp nông dân chủ động giải quyết những vấn đề trong sản xuất, tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho rằng: Muốn làm được điều đó, thành phố cần có cơ chế thỏa đáng cho hệ thống KNCS, trước mắt nhân viên khuyến nông cấp xã cần được ký hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ 3 - 5 năm, được hưởng lương theo bằng cấp chuyên môn; được tham gia BHXH, BHYT và các chế độ chính sách khác theo quy định của Nhà nước. Khuyến nông cấp xã cần được tham dự các lớp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; được đề nghị khen thưởng theo qui định hiện hành khi lập thành tích xuất sắc trong công tác... khuyến khích các sinh viên hệ chính quy ở các trường đại học nông, lâm, thủy sản đầu ngành trong cả nước về làm công tác khuyến nông cấp xã. Đây không chỉ là hạt nhân quan trọng đi đầu phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương mà còn là lực lượng nòng cốt xây dựng nông thôn mới.