Lãnh đạo phường Phú Thịnh coi thường pháp luật?

Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 10/11/2010

(HNM) - Sự cố xảy ra trên đê hữu Hồng đoạn qua phường Phú Thịnh (TX Sơn Tây) đã được Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội xác định nguyên nhân ban đầu do khối lượng vật liệu xây dựng tập kết trên hành lang bảo vệ đê quá lớn, trong khi nền địa chất khu vực này yếu đã gây lún sụt, gây hư hỏng kè.


Đã giải tỏa 138.000m3 cát vàng

Như Báo Hànộimới đã thông tin, sự cố lún sụt đê hữu Hồng kể trên xảy ra vào ngày 18-10-2010 làm lún sụt nghiêm trọng 150m đê, chiều rộng 70m đến 80m, sâu 8m đến 10m. Sự việc xảy ra trong thời gian ngắn, làm 3 nhà tạm trông giữ vật liệu xây dựng, 2 máy xúc, khoảng 3.000m3 cát vàng sụt xuống hố. Đáng lo ngại, tình trạng này đã đẩy cơ kè đá hộc trên đoạn đê (được thi công hộ chân đê năm 2008-2009) ra phía sông khoảng 10m đến 15m. Tại hiện trường, trong ngày 18-10 trên đoạn đê chất một khối lượng rất lớn cát vàng ở hầu hết mặt bằng khu vực bãi, cao khoảng 10-12m, có nơi đến 15m.

Đê hữu Hồng bị sụt lún. Ảnh chụp ngày 19/10/2010


Ngay khi xảy ra sự cố, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội, Sở NN&PTNT TP đã yêu cầu khắc phục, bảo đảm an toàn tuyến đê và cuộc sống người dân trong khu vực. Trước tình hình khẩn cấp, công tác giải tỏa vật liệu xây dựng được tiến hành ngay trong đêm 18-10. Sau nhiều ngày tập trung lực lượng, phương tiện, đến ngày 8-11, xác nhận với PV Hànộimới, ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội) cho biết, khu vực xảy ra sự cố đã giải tỏa hết 138.000m3 cát vàng tập kết trái phép. Tại khu vực cảng Sơn Tây (đơn vị được cấp phép) có khoảng 10.000m3 cát, đã tiến hành san gạt, hạ thấp chiều cao còn 2m đến 3m. Hiện nay Trung tâm Tư vấn và chuyển giao công nghệ thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) đang khảo sát địa chất khu vực lún sụt, dự kiến ngày 15-11-2010 sẽ báo cáo chi tiết các vấn đề liên quan, đề xuất giải pháp xử lý.

Trên chỉ đạo, dưới... không nghe

Việc vi phạm tuy đã được giải tỏa nhưng đã để lại trong dư luận những băn khoăn về sự quản lý của chính quyền địa phương. Theo Chi cục Quản lý đê điều, tình trạng vi phạm ở khu vực này đã diễn ra nhiều năm dù UBND TP Hà Nội và cơ quan quản lý nhà nước về đê điều đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý. Cụ thể, năm 2005, UBND phường Phú Thịnh đã ký hợp đồng cho thuê đất với 14 hộ đến hết năm 2009; năm 2007 và 2008, UBND phường tiếp tục ký thêm 7 hợp đồng với 3 hộ kinh doanh vật liệu xây dựng đến hết năm 2011 với diện tích cho thuê 32.718m2 bao gồm hành lang bảo vệ đê và bảo vệ kè. Những vi phạm nghiêm trọng này đã được Hạt quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ, Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội nhiều lần lập biên bản và có văn bản đề nghị UBND TX Sơn Tây, UBND phường Phú Thịnh tổ chức giải tỏa vi phạm, nhưng phường Phú Thịnh vẫn "làm ngơ", cho các hộ thuê mặt bằng, tập kết vật liệu xây dựng trái phép trên hành lang bảo vệ đê (dù năm 2004 đã bị xử phạt và cưỡng chế vi phạm). Theo Hạt quản lý đê Sơn Tây - Phúc Thọ, từ năm 2009 đến tháng 10-2010, cơ quan này đã lập 35 biên bản vi phạm, yêu cầu di chuyển ra khỏi phạm vi bảo vệ đê, kè tại khu vực kè Hồng Hậu, thuộc địa bàn phường Phú Thịnh. Chính sự coi thường pháp luật đã khiến những biên bản vi phạm, những văn bản đề nghị xử lý, giải tỏa của cơ quan quản lý nhà nước về đê điều cũng như chiến dịch giải tỏa vi phạm của UBND TX Sơn Tây không đạt kết quả. "Việc để xảy ra lún sụt, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền phường Phú Thịnh" - ông Nguyễn Xuân Hải nhấn mạnh. Chiều 8-11, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Sơn, Chủ tịch UBND TX Sơn Tây thừa nhận trách nhiệm chính để xảy ra sai phạm thuộc về phường Phú Thịnh. Hiện, UBND TX đã yêu cầu phường Phú Thịnh kiểm điểm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể đối với những sai phạm để xử lý theo pháp luật.

Thêm 374 vụ vi phạm Luật Đê điều

(HNM) - Theo Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2010 đến ngày 15-10-2010 đã xảy ra 374 vụ vi phạm nhưng chỉ giải quyết được 22 vụ. Ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Quản lý đê điều cho biết, tình trạng tập kết vật liệu xây dựng trên hành lang bảo vệ đê xảy ra rất nghiêm trọng ở nhiều khu vực trên các tuyến đê thuộc địa phương các xã Cổ Đô (Ba Vì); Vân Phúc (Phúc Thọ); thượng, hạ lưu cầu Thăng Long; huyện Thường Tín, Đan Phượng...

Đỗ Chí

Đào Huyền - Chí kiên