Công viên Hòa Bình: Công trình đặc biệt của Thủ đô

Kinh tế - Ngày đăng : 07:18, 10/11/2010

(HNM) - Nằm ở cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, Công viên Hòa Bình từ khi khánh thành, đưa vào sử dụng thực sự trở thành một công viên đồng bộ về cảnh quan môi trường và hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị và là điểm tham quan, vui chơi giải trí lành mạnh, hấp dẫn du khách quốc tế và nhân dân cả nước đến với Thủ đô. Công trình nhằm tôn vinh giá trị Hòa bình là biểu tượng của Thủ đô nghìn năm tuổi.


Biểu tượng của khát vọng Hòa bình


Một góc Công viên Hòa bình. Ảnh:  Viết Thành

Công viên Hòa Bình được xây dựng trên khu đất rộng hơn 20ha tại xã Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm), nằm trên trục đường Phạm Văn Đồng. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, đại diện chủ đầu tư cho biết: Với vị trí này, công viên như một bông hoa, lời chào trân trọng của Thủ đô gửi tới bạn bè bốn phương và mọi người con đất Việt khi tới Hà Nội. Các hạng mục chính trong công viên bao gồm: Tượng đài Hòa bình bằng đồng nặng khoảng 20 tấn, cao 7,2m đặt trên đài đế cao 22,8m. Hồ điều hòa rộng 5,54ha. Quảng trường phía bắc rộng 0,596ha. Quảng trường phía nam rộng 2,83ha. Diện tích đất cây xanh khoảng 6,9ha và nhiều công trình kiến trúc đặc sắc khác. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 282 tỷ đồng và đã hoàn thành sau gần 20 tháng thi công.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng các công trình văn hóa kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (thuộc Sở Xây dựng) cho biết: Tháng 2-2009, công trình được khởi công, nhưng tới tháng 1-2010 lại phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Tiếp đó là nhiều lần điều chỉnh, bổ sung thiết kế cho phù hợp với hiện trạng cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật xung quanh.

Khoảng thời gian cuối năm 2009, đầu năm 2010, các cơ quan chức năng đã bàn bạc rất kỹ việc lựa chọn phương án xây dựng tượng đài Hòa bình, nêu bật được giá trị biểu tượng, biểu trưng của Hà Nội. Đã có kiến nghị để đến sau Đại lễ, thời gian rộng dài tổ chức một cuộc thi tầm quốc gia để lựa chọn biểu tượng, bởi nếu làm ngay e rằng không kịp. Trước tình hình nêu trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã quyết liệt chỉ đạo, nếu không có tượng đài, công trình sẽ không có điểm nhấn và quan trọng nhất là không thể hoàn chỉnh về mặt mục đích, ý nghĩa như chủ trương của TP.

Tới tháng 4-2010, sau nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành TP và sự giúp đỡ nhiệt tình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, TP Hà Nội đã quyết định lựa chọn mẫu tượng đài của tác giả Nguyễn Phú Cường. Mẫu này đã chuyển tải được mục tiêu vươn tới khát vọng ngàn đời của người dân Thủ đô nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung: Khát vọng Hòa bình.

Quản lý và khai thác hiệu quả công trình

Trong lễ khánh thành tổ chức vào ngày 8-10, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, những người lao động đã tham gia xây dựng công trình, sự hợp tác hữu nghị của bạn bè quốc tế, đồng thời cảm ơn nhân dân địa phương đã tích cực đóng góp trong công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành dự án.

Trong khoảng hơn 10 ngày sau lễ khánh thành, công viên đã đón hàng vạn người dân Thủ đô và các tỉnh tới tham quan. Ai cũng háo hức được chiêm ngưỡng công trình được coi là lớn nhất và đồng bộ nhất của Thủ đô mới được xây dựng. Lượng người quá lớn đã khiến một số khu vực của vườn hoa, thảm cỏ bị hư hại và xảy ra tình trạng người dân tùy tiện ngồi ăn uống, xả rác...

Về vấn đề này, đại diện cho chủ đầu tư, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng: Vào thời điểm đó, tại một số hạng mục mới hoàn thành, nhà thầu còn đang quản lý, chưa kịp bàn giao cho chủ đầu tư. Do lượng người quá đông, công tác quản lý chưa đủ mạnh nên đã để xảy ra tình trạng trên. Sau đó, bên cạnh việc chấn chỉnh công tác quản lý và sửa chữa, khắc phục những khu vực bị hư hại, Sở đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Vườn thú Hà Nội vào tiếp quản. Đơn vị này đã xây dựng bộ máy đủ năng lực để quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy tối đa hiệu quả của công trình nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân. Hiện tại, lực lượng bảo vệ tại công viên luôn có 45 người, chia làm 3 ca hằng ngày túc trực; đội ngũ công nhân gần 100 người đảm nhiệm công tác chăm sóc, bảo vệ giữ cho công viên luôn sạch đẹp.

Năm 2000, cùng với 4 thành phố khác trên thế giới, Hà Nội là TP duy nhất đại diện cho châu Á nhận danh hiệu "Thành phố vì Hòa bình" của UNESCO trao tặng. Năm 2001, TP đã phê duyệt chủ trương xây dựng một công viên mang biểu tượng của Thủ đô - Thành phố vì Hòa bình. Dự án do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư.

Tuấn Lương