Cần có nghị quyết chuyên đề về giám sát cải cách thủ tục hành chính

Chính trị - Ngày đăng : 16:12, 09/11/2010

(HNMO) – Ngày 9/11, Quốc hội dành trọn thời gian để thảo luận về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.


Các đại biểu đều chung nhận xét, kể từ khi tiến hành cải cách, chỉ số hài lòng của người dân khi đến các cơ quan hành chính Nhà nước đã tăng lên, giúp cho người dân và doanh nghiệp bớt đi sự chờ đợi, ngột ngạt, thuận lợi hơn, từng bước làm cho nền hành chính hoạt động hiệu quả, thể hiện rõ hơn bản chất chính quyền của dân, do dân, vì dân, tích cực phòng chống tham nhũng... Tuy nhiên, những biến chuyển này chưa triệt để, vẫn còn những mặt hạn chế, hành vi nhũng nhiễu, quan liêu, máy móc gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Cần có nghị quyết chuyên đề về giám sát cải cách thủ tục hành chính


Đại biểu Phạm Thị Hải - Đồng Nai khẳng định những kết quả đạt được từ công tác cải cách thủ tục hành chính là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đại biểu Hải đặt vấn đề: “Trong thực tế thì cải cách hành chính có thực sự làm chuyển biến một cách căn bản thái độ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc phục vụ người dân, phụ vụ các doanh nghiệp như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong quá trình chỉ đạo thực hiện đề án hay chưa? Và cải cách thủ tục hành chính đã đặt ra cho các cơ quan lập pháp những suy nghĩ gì trong quá trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật?”.

Theo đại biểu Hải, đơn giản hóa thủ tục hành chính không thể chỉ là việc đề ra số thủ tục để kiến nghị hủy bỏ hay sửa đổi, bổ sung mà chính là các thủ tục hành chính phải hết sức đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm và được công khai minh bạch đến từng người dân, doanh nghiệp và đơn vị. Khi thực thi nếu vướng mắc thì cơ quan quản lý Nhà nước phải chủ động tháo gỡ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

“Cải cách thủ tục hành chính gốc của nó là con người và sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu có chuyển biến thật sự trong toàn hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ, thực thi là cán bộ lãnh đạo điều hành”, đại biểu Hải nói.

Đại biểu Hải đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thực hiện các kết quả giám sát trên lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy tiến trình đưa chính quyền đến gần dân hơn, thực sự là chính quyền của dân và vì dân.

Cùng đề nghị về việc ban hành nghị quyết, đại biểu Huỳnh Nghĩa - TP Đà Nẵng yêu cầu công khai cụ thể các Bộ, ngành, tỉnh chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Chính Phủ và Thủ tướng Chính Phủ về cải cách thủ tục hành chính để xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc.
“Tồn tại hạn chế của cải cách thủ tục hành chính trong đó vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ban, ngành, địa phương chưa được nhấn mạnh và tập trung làm rõ. Vì thế, các kiến nghị liên quan đến vấn đề này trong cả Báo cáo của Chính Phủ và Báo cáo giám sát đều nằm trong tình trạng mờ nhạt, chưa triệt để. Về dùng các cụm từ chung chung như "có lúc, có nơi" rồi "một số Bộ, ngành, địa phương" là thể hiện sự né tránh, chưa dám nhìn thẳng vào sự thật để phê phán”, đại biểu Nghĩa nói.

Đại biểu Nghĩa đồng tình, để thực hiện việc vận hành có hiệu qủa thủ tục hành chính thì con người là yếu tố quan trọng. Chính phủ cần khẩn trương giải quyết tốt chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp cho cán bộ, công chức mới tạo động lực đảm bảo việc thực thi công vụ có hiệu quả.

Về các vấn đề liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, cấp giấy phép xây dựng, kê khai nộp thuế cũng như thủ tục hải quan, theo đại biểu Nghĩa, Chính phủ cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến và cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm nâng cao hiệu suất giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt xây dựng hệ thống thông tin địa chính, dữ liệu quốc gia về sử dụng đất, vì đây là vấn đề rất cần thiết.

“Với dữ liệu thông tin manh mún như hiện nay, việc xác định một cá nhân có một hay nhiều thửa đất ở các tỉnh, thành phố khác nhau là không thể thực hiện được. Từ đó không thể xác định chính xác để tính thuế thu nhập cá nhân hay kê khai tài sản phục vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, đại biểu Nghĩa nói.

Tán thành các đánh giá, kiến nghị được nêu trong Báo cáo giám sát về cải cách hành chính, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh - TP Hà Nội đề nghị cần làm rõ hơn hướng khắc phục 3 tồn tại trong thời gian tới. Đó là: Chưa có sự phân định rạch ròi giữa trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước với nghĩa vụ của công dân, doanh nghiệp; Các cấp chính quyền chưa xây dựng được hệ thống lưu trữ điện tử về các thông tin liên quan đến công dân và doanh nghiệp, chưa áp dụng các phần mềm quản lý hệ thống dữ liệu này, đặc biệt chưa thực hiện liên thông giữa các cơ quan quản lý để khai thác, sử dụng các thông tin đó; Việc chỉ đạo thực hiện cơ chế một cửa chưa có sự thống nhất.

“Việc đánh giá chất lượng cải cách thủ tục hành chính cần tập trung đánh giá mức độ đáp ứng được 4 mục tiêu: đó là đảm bảo sự quản lý của Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí liên quan đến thủ tục hành chính và tăng thu cho ngân sách”, đại biểu Thanh đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Minh - Ninh Thuận cho rằng, hiện tại có quá nhiều cơ quan, nhiều ngành, nhiều cấp có thẩm quyền ban hành cải cách các thủ tục hành chính trên cùng một lĩnh vực dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lặp rất khó thực hiện. Mặt khác, các thủ tục hành chính được ban hành thông thường xuất phát từ nhu cầu quản lý sao cho thuận lợi của cơ quan công quyền, chứ ít nghĩ đến quyền lợi của người dân hoặc đối tượng có liên quan…. Chính vì vậy, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần sớm nghiên cứu để luật hóa vấn đề cải cách thủ tục hành chính bằng một loại văn bản quy phạm pháp luật thích hợp nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên.

“Có thể là Pháp lệnh về thủ tục hành chính hoặc Luật thủ tục hành chính”, đại biểu Minh đề xuất.

Cùng quan tâm đến các giải pháp nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, đại biểu Hồ Thị Thu Hằng - Vĩnh Long nhấn mạnh đến việc đặt trọng tâm vào những khâu gây phiền hà nhất cho người dân và doanh nghiệp như xây dựng, sửa chữa, sang nhượng nhà cửa, vay vốn, đất đai, hải quan, đóng thuế…

“Tôi thấy rằng nên phát triển mạnh dịch vụ công để người dân và doanh nghiệp không bị hành hạ chạy chọt, lót tay kép cho cán bộ công nhân viên cơ quan lẫn cò trung gian… Mặt khác, việc phát triển tốt dịch vụ công một cách minh bạch, chuyên nghiệp có thể tinh giản biên chế hành chính sử dụng lương ngân sách”, đại biểu Hằng đề xuất.

Đại biểu Hằng cũng đồng ý cần có nghị quyết về chuyên đề cải cách hành chính.

Hoan nghênh tinh thần nhận trách nhiệm, khuyết điểm trong cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, đại biểu Cao Sĩ Kiêm - Thái Bình cho rằng, những nguyên nhân chủ yếu và quan trọng của những yếu kém, hạn chế chưa được làm rõ, đặc biệt là những nguyên nhân về ý thức chấp hành và kỷ cương thực hiện.

Theo đại biểu Kiêm, cải cách thủ tục hành chính phải tạo thuận lợi cho dân và cho doanh nghiệp, nhưng không quên và cũng không được làm yếu và buông lỏng quản lý của Nhà nước.

“Tôi hy vọng rằng nghị quyết của Quốc hội về giám sát cải cách thủ tục hành chính sẽ được thể hiện, sẽ được giải quyết và sẽ được có những lộ trình rất cụ thể, điều kiện rất cụ thể để chúng ta giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra, đặc biệt là những vấn đề cử tri phát hiện”, đại biểu Kiêm nói.

Quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nhà ở, đất đai, đầu tư, xây dựng - những lĩnh vực sát sườn đối với đời sống người dân, đại biểu Ly Kiều Vân - Quảng Trị nhận xét, có đến 70% khiếu nại liên quan đến đất đai trong tổng số các khiếu nại mà nguyên nhân một phần là do hệ thống pháp luật về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng còn bất công.

“Hiện nay có đến 130 đơn vị cấp huyện chưa có Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai. Nguyên nhân là do những quy định về chức năng, nhiệm vụ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có sự chồng chéo với chức năng quản lý Nhà nước về đất đai của Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện”, đại biểu Vân dẫn chứng.

Từ đó, đại biểu Vân đề nghị, cần đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể cần rà soát tất cả các văn bản ban hành để phát hiện các văn bản còn chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp. Tăng cường sự tham gia của nhân dân và các tổ chức vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

“Các cơ quan Nhà nước phải giải quyết công bằng, dân chủ các yêu cầu của tổ chức và công dân. Cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân, công chức trong việc giải quyết công việc”, đại biểu Vân nói.

Cũng góp ý cho các cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đại biểu Nguyễn Minh Hồng - Nghệ An nhận xét, việc thẩm định, phê duyệt, cấp giấy phép xây dựng rất tốt, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng tốt, nhưng chưa chặt chẽ.

“Có một điều ta cứ nói thật với nhau 3 cái tốt đó đi kèm theo một cái thứ tư là mình muốn đạt được 3 cái tốt đó là phải có phong bì hoặc phải có luật đi kèm theo thì 3 cái tốt đó rất nhanh”, đại biểu Hồng nêu thực tế.

Quan tâm đến đột phá vào khâu con người trong cải cách thủ tục hành chính, đại biểu Bùi Thị Hoà - Đắk Nông đề nghị, công tác rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính đó chính là yếu tố con người phải được đặc biệt quan tâm, cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thực thi các nhiệm vụ rà soát bãi bỏ, bổ sung các thủ tục hành chính, cần quan tâm đến việc phân công cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, đạo đức, kỹ năng giao tiếp ứng xử tốt và ý thức tổ chức cao và các bộ phận một cửa, một cửa liên thông với một chế độ đãi ngộ xứng đáng.

“Cần minh bạch các quy định về trách nhiệm, thẩm quyền của đội ngũ cán bộ, công chức để nhân dân giám sát. Kiên quyết xử lý cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu phiền hà nhân dân”, đại biểu Hòa nói.


Dưới một góc nhìn khác, đại biểu Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nền hành chính Việt Nam đang có 3 cái nghẽn: nghẽn về hành chính, hạ tầng, nguồn nhân lực. Trong 3 điểm nghẽn này, 2 điểm nghẽn sau là nghẽn về hạ tầng và nghẽn về nguồn nhân lực muốn giải quyết phải đầu tư rất lớn. Còn nghẽn về hành chính thì đầu tư rất ít nhưng hiệu quả cao nhất và đây cũng là điểm khó nhất, bởi liên quan đến con người, khâu tổ chức, lợi ích…

Theo đại biểu Lịch, thủ tục hành chính chỉ là 1 bộ phận trong nền hành chính. Sau cải cách thủ tục, phải đi vào bộ máy, con người.

“Chính bộ máy làm đẻ ra thủ tục hành chính. Riêng sự chồng chéo chức năng đã làm bộ máy vận hành thủ tục khó”, đại biểu Lịch nói.

Tán thành với việc ra nghị quyết chuyên đề về cải cách hành chính, đại biểu Lịch đề nghị, nghị quyết cần thể hiện được 6 nội dung: Đánh giá những mặt tích cực, hạn chế qua giám sát; Ủng hộ CP nâng cấp cơ quan chuyên trách hành chính thành cơ quan trực thuộc CP đủ quyền hạn; Quyết tâm chuyển từ nền hành chính quản lý sang hành chính phục vụ, Nhà nước ko bao cấp những quan hệ dân sự mà hiện Nhà nước đang làm; Đánh giá lại, rà soát lại theo từng nhóm vấn đề để ban hành văn bản; Sau thủ tục, định hướng thời gian tới đi vào cải cách bộ máy công chức và con người, làm cơ sở cải cách tiền lương.

Các Bộ trưởng nói gì?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo tính toán của tổ công tác Đề án 30 của Thủ tướng, đơn giản hóa gần 5.000 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của 24 bộ, ngành; dự kiến các cơ quan Trung ương phải sửa 1.016 văn bản, trong đó bao gồm 42 luật, 12 pháp lệnh, 183 nghị định, 37 quyết định của Thủ tướng, 313 quyết định của bộ trưởng, 336 thông tư và 93 văn bản khác. Ở tất cả 63 địa phương phải sửa đổi khoảng 3.000 văn bản, ước tính mỗi địa phương phải sửa 50 văn bản.

“Đây là một áp lực lớn đối các bộ, ngành, địa phương, bởi lẽ chỉ khi nào các cơ quan chức năng ban hành xong văn bản này lúc đó người dân và cộng đồng doanh nghiệp mới chính thức được hưởng lợi. Do đó chúng tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội rằng thành công của Đề án 30 mới chỉ là bước đầu, vấn đề quan trọng mang tính quyết định và phải hoàn thành trong thời gian sớm nhất việc thực thi phương án đơn giản hóa của gần 5.000 thủ tục hành chính còn bất cập”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, qua triển khai Đề án 30, vẫn còn nhiều sự nhũng nhiễu gây khổ cực cho người dân, cho doanh nghiệp do quy định của thủ tục hành chính và do một bộ phận cán bộ, công chức trong tổ chức thực hiện thủ tục hành chính. Chính phủ đã nhận rõ những hạn chế, những tồn tại, khuyết điểm của thủ tục hành chính, nguyên nhân của nó và đang nỗ lực chủ động tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó ưu tiên tập trung hoàn thành vào Quý 4/2010 và 6 tháng đầu năm 2011.

Để sớm đưa các phương án đơn giản hóa gần 5.000 thủ tục đi vào cuộc sống, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ưu tiên đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội năm 2011 việc sửa đổi, bổ sung những luật, pháp lệnh đảm bảo việc thực thi các phương án đơn giản hóa những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan trực tiếp đến 4 lĩnh vực được giám sát nói riêng, Đề án 30 nói chung theo nguyên tắc một luật sửa nhiều luật, một pháp lệnh sửa nhiều pháp lệnh và theo trình tự, thủ tục rút gọn, thực chất chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điểm, điều liên quan đến thủ tục hành chính trong 42 luật và 12 pháp lệnh. Đồng thời, tiếp tục đưa nội dung giám sát và việc thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Đề án 30 vào một chương trình kỳ họp thích hợp của Quốc hội Khóa XIII để đảm bảo việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính triệt để, sớm mang lại lợi ích cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tránh tình trạng các cơ quan chức năng chậm trễ kéo dài việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ và Quốc hội thông qua.

Bộ trưởng cũng thống nhất với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội là Quốc hội cần có Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục giám sát công tác cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới.

“Chúng tôi nghĩ, cán bộ tiếp xúc với dân và doanh nghiệp là do bố trí, trước hết là do cấp Ủy, chính quyền và cấp Bộ, ngành bố trí, nếu ta phát hiện cán bộ tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó cho người dân và doanh nghiệp, chúng ta kịp thời thay thế ngay cũng là đáp ứng nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng tha thiết đề nghị người dân và các cơ quan thông tấn báo chí tích cực tham gia giám sát việc thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương. Người dân và doanh nghiệp có quyền kịp thời phát hiện các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, các thủ tục hành chính còn bất cập để phản ánh tới các cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính để tháo gỡ kịp thời.

Bộ trưởng hứa sẽ nỗ lực hơn nữa để tổ chức thành công việc thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giai đoạn 3 của Đề án 30, cũng như việc tổ chức thực hiện kiểm soát chặt chẽ thủ tục hành chính từ khâu dự thảo đến khâu thực hiện theo quy định của nghị quyết Quốc hội và các nghị định của Chính phủ.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên ghi nhận tất cả những ý kiến phát biểu đóng góp của các đại biểu Quốc hội và khẳng định, những ý kiến này hoàn chính xác và đã phản ánh đúng bức tranh về thủ tục hành chính về đất đai ở các địa phương.

Về vấn đề sửa Luật đất đai liên quan đến thủ tục hành chính, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã là cơ quan chủ trì thành lập 5 đoàn đi tổng kết về việc triển khai Luật Đất đai ở các địa phương. Một trong những nội dung quan trọng của tổng kết này liên quan đến thủ tục hành chính, từ tổng kết này, Bộ đang chuẩn bị một dự thảo, đề cương luật sửa và tới đây sẽ trình Quốc hội. Luật sửa sẽ dành trọn một chương liên quan đến thủ tục hành chính về quản lý và sử dụng đất đai trong đó quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận cho người đang sử dụng đất, đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bảo lãnh quyền sử dụng đất...

Về các thủ tục rườm rà, phức tạp trong đất đai, theo Bộ trưởng, hiện có 85 thủ tục hành chính, trong đó Trung ương hiện không có thủ tục nào cả, vì đất đai cơ bản theo luật 2003 đã giao hết quyền cho địa phương. Về cấp tỉnh có 41 thủ tục, cấp huyện có 33 thủ tục và các khu công nghệ cao, khu kinh tế có 6 thủ tục, cấp xã có 5 thủ tục. Bộ đã rà soát lại bước đầu và trong 85 thủ tục này, riêng Bộ tài nguyên và môi trường đã thay thế 66 thủ tục hành chính bằng 54 thủ tục mới, góp phần giảm 52% chi phí về tuân thủ thủ tục hành chính.

“Sắp tới sẽ tiến hành giảm 30 đến 50%, cho nên chúng tôi đang quyết tâm giảm 30 đến 50%, đặt ra chỉ tiêu này cũng sẽ cố gắng rất lớn nhưng mà 30 đến 35% thì chắc chắn hiện nay đang dự kiến làm được”, Bộ trưởng khẳng định.

Về việc rút ngắn thời gian giao đất, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và những lần thay đổi..., Bộ trưởng cho biết, trước đây là một dự án giao đất thì có 11 bước phải làm và làm hết 11 bước này thường mỗi một dự án mất từ 4-6 năm mới giao đất được. Nay cải cách, đã rút ngắn được 1/3 đến 1/2 thời gian, một số dự án vừa triển khai thực hiện còn rút ngắn thời gian nhiều hơn nữa.

Bộ trưởng cũng cho biết, về đăng ký làm thủ tục lần đầu, trong luật quy định là 55 ngày, nay Bộ rút ngắn, nhiều tỉnh, thành phố làm chỉ có 30 ngày. Còn về cấp lại mất khoảng 20 ngày.

Về cấp một loại giấy sử dụng đất, Bộ trưởng cho biết, hiện nay đã triển khai thực hiện được ở 63 tỉnh, thành phố và ước đã cấp được trên 65 vạn giấy.

Về vấn đề trùng lặp chức năng giữa các cơ quan Nhà nước khi ở địa phương có tới 3 tổ chức quản lý đất đai: Phòng tài nguyên và môi trường; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; Trung tâm phát triển quỹ đất, Bộ trưởng thừa nhận, thực tế cho thấy 3 tổ chức này có chồng chéo. Lý do chồng chéo không phải do luật phân định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức này chồng chéo mà do trong thời gian vừa qua, một số địa phương do thiếu nhân lực nên đôi khi đã lấy cán bộ của Phòng tài nguyên môi trường sang làm cả nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, lấy cán bộ của Phòng đăng ký quyền sử dụng đất sang làm quản lý nhà nước….

“Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến này, trong giai đoạn tới một mặt chúng tôi rà soát lại các văn bản hướng dẫn quy định của Chính phủ, liên tịch giữa các bộ có vấn đề gì nữa không và những địa phương cụ thể chúng tôi sẽ có chấn chỉnh cụ thể, làm sao cho 3 tổ chức này rành mạch, rõ ràng về các chức năng nhiệm vụ”, Bộ trưởng nói.

Xung quanh vấn đề về thế chấp sổ đỏ, sổ hồng để vay vốn, Bộ trưởng cho biết, việc thế chấp khi vay vốn là cần thiết, bởi hiện nay, đất đai có 2 người chủ: thứ nhất, người dân là chủ đất đai; thứ hai, Hiến pháp quy định đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước là người đại diện sở hữu đất đai này.

“Khi người dân đi giao dịch mà không đi đăng ký thế chấp thì Nhà nước không kiểm soát được, không kiểm soát được quyền của Nhà nước đối với đất đai nên quan điểm của chúng tôi đề nghị là vẫn phải giữ đăng ký thế chấp, tuy có một vài khó khăn, nếu không thì Nhà nước không kiểm soát được”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, việc đăng ký thế chấp còn bảo đảm quyền lợi của những người có lợi ích có liên quan và tạo được tiền đề cho thị trường bất động sản phát triển bền vững, minh bạch, hạn chế tối đa giao dịch ngầm. Đồng thời, hạn chế tình trạng gian dối, cả về mặt diện tích, thời hạn sử dụng, về thực hiện các quyền khác trong giấy giả…

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp tiếp thu và giải đáp thêm ý kiến của các đại biểu xung quanh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính.

Bộ trưởng nhất trí, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những nội dung quan trọng để cải cách hành chính thành công.

“Tôi nghĩ cái gì đúng đắn và văn minh của loài người thì chúng ta cần tiếp cận và chúng ta đi nhanh thì kết quả tốt và làm muộn thì giá thành càng cao. Không chỉ là giá thành kinh tế mà còn là niềm tin, trách nhiệm của nhà nước với công dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và cải cách Chính phủ điện tử sẽ đảm bảo xử lý công việc cho công dân 3 nhất: đó là nhanh nhất, nhiều nhất và ít tiêu cực nhất.

“Tôi có cảm nhận chỉ khi nào chúng ta giải quyết công việc cho công dân mà không cần gặp nhau thì mới hết tiêu cực”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, đến nay đã có gần 90% công chức ở Trung ương và 78% công chức ở tỉnh, thành và 40% công chức ở huyện và gần 20% công chức ở xã có máy tính, làm việc bằng máy tính. Số liệu này đang thay đổi rất nhanh.

“Hiện tại có 20/22 bộ, ngành có cổng thông tin điện tử, trừ Bộ Công an và quân đội do hoạt động đặc thù. Có 62/63 tỉnh thành có cổng thông tin điện tử, trừ Đắk Nông đang tích cực triển khai để sớm có vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Hiện có 5.700 thủ tục hành chính được công khai trên các cổng thông tin điện tử hoặc website của các bộ, ngành và các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện tại Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, tỉnh thành bất cứ vào lúc nào và đảm bảo đến hết năm 2010 để thực hiện tốt pha 2, tức là giao ban trực tuyến với tất cả các quận, huyện, thành phố, thị xã và phấn đấu trong vài ba năm tới thì Chính phủ có thể làm trực tuyến với tất cả các xã, phường, thị trấn trong cả nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng cũng thừa nhận, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính vẫn còn một số tồn tại như ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan Nhà nước chủ yếu là quy mô nhỏ; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho hai đối tượng là người dân và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; nhiều cán bộ, công chức chưa có thói quen sử dụng thư điện tử, trao đổi văn bản điện tử, chưa hình thành văn hóa chia sẻ thông tin và hạn chế việc ứng dụng công nghệ thông tin; kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn hẹp chưa tương xứng với lợi ích do ứng dụng công nghệ thông tin mang lại…. Chính vì vậy, trong năm 2010, Bộ thông tin và truyền thông trình Chính phủ phê duyệt 4 đề án lớn sẽ thực hiện trong giai đoạn 2011 – 2015, gồm: Đề án sớm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông với 6 nhiệm vụ chính, trong đó có nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước và đời sống xã hội; Đề án tổ chức Chính phủ điện tử thông suốt từ Trung ương đến địa phương và cơ sở; Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đảm bảo cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu chuyên gia; Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, vùng khó khăn.

Liên quan đến việc Quốc hội ra Nghị quyết chuyên đề về giám sát cải cách thủ tục hành chính, kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, trên cơ sở Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này và trình Quốc hội xem xét thông qua tại một phiên họp khác trong kỳ họp này.

Những kết quả nổi bật từ việc thực hiện cải cách hành chính nói chung và thủ tục hành chính nói riêng giai đoạn 2001 – 2010


- Đã công bố được Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng internet, với trên 5.700 TTHC, trên 9.000 văn bản có quy định về TTHC và trên 100.000 biểu mẫu thống kê TTHC.

- Đã chuẩn hóa và thống nhất được bộ TTHC cấp huyện, cấp xã. Theo đó, ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một bộ TTHC cấp xã và một bộ TTHC cấp huyện (từ 10.000 bộ TTHC cấp xã, 700 bộ TTHC cấp huyện xuống còn 63 bộ TTHC cấp xã, và 63 bộ TTHC cấp huyện) để thống nhất thực hiện tại từng địa phương.

- Các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc rà soát các TTHC thuộc phạm vi quản lý theo đúng tiến độ và đạt được chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định về TTHC được giao. Theo đó, trong tổng số 5.421 TTHC được rà soát, đã kiến nghị để bãi bỏ 480 TTHC, thay thế 192 TTHC, sửa đổi, bổ sung 4.146 TTHC. Ngoài ra, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện các phương án đơn giản hóa còn nhằm cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

- Đã thông qua phương án đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý của Nhà nước. Theo đó, nhiều TTHC được bãi bỏ, thay thế; nhiều mẫu đơn, tờ khai được đơn giản hóa hoặc mẫu hóa thống nhất trong cả nước; nhiều yêu cầu, điều kiện đã bị loại bỏ; nhiều trình tự, cách thức giải quyết, hồ sơ phải nộp đã được đơn giản hóa. Theo tính toán, các phương án đơn giản hóa 258 TTHC sẽ tiết kiệm được cho người dân và doanh nghiệp hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm . Chính phủ, các Bộ, ngành đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản QPPL có liên quan.

- Chính phủ đã ban hành các nghị địnhvề việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, tạo khung pháp lý cho người dân tham gia, giám sát thực hiện TTHC; việc kiểm soát TTHC, làm cơ sở cho việc duy trì kết quả của việc cải cách TTHC, bảo đảm kiểm soát ngay từ khâu dự thảo, ban hành cho đến thực thi trên thực tế, cũng như lượng hóa được chi phí tuân thủ các TTHC; đồng thời thiết lập cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Chính phủ tiếp tục thông qua và tổ chức thực thi các phương án đơn giản hóa đối với gần 5.000 TTHC còn lại, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu về đơn giản hóa TTHC đã đặt ra.

V.A