Thêm cơ hội có việc làm cho người khuyết tật

Đời sống - Ngày đăng : 07:07, 09/11/2010

(HNM) - Người khuyết tật (NKT) gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Phần lớn họ phải sống dựa vào sự giúp đỡ, hỗ trợ từ gia đình, người thân. Khi Luật NKT được thi hành thì NKT sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc học nghề, tìm kiếm việc làm.

Nước ta có 6,7 triệu người tàn tật, chiếm khoảng 7,8% dân số, trong đó hơn 3,6 triệu là nữ giới và hơn 5 triệu người sống ở nông thôn. Số đông NKT chưa có việc làm và phải sống dựa vào gia đình, người thân và trợ cấp xã hội. Trường hợp NKT có việc làm thì công việc chủ yếu là làm nông nghiệp, chỉ 5% làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, buôn bán và một số ít khác trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và hành chính sự nghiệp. Bên cạnh đó, NKT còn khả năng lao động chưa được ưu tiên trong việc tiếp cận các việc làm phù hợp với họ.

Đào tạo nghề cho người khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo huyện Đông Anh.

Pháp lệnh Người tàn tật quy định: doanh nghiệp phải nhận từ 2-3% lao động là NKT. Nếu chưa hoặc không nhận đủ tỷ lệ này thì hằng tháng phải nộp vào Quỹ việc làm dành cho người tàn tật một số tiền tương ứng với mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước với số người tàn tật mà doanh nghiệp còn thiếu... Quy định là vậy nhưng trên thực tế, số doanh nghiệp thực hiện quy định vẫn rất ít. Nhiều NKT trẻ sau khi được học nghề, hoặc đã tốt nghiệp các trường CĐ, ĐH nộp đơn xin việc nhưng vẫn bị doanh nghiệp từ chối tiếp nhận với những lý do khác nhau. Chẳng hạn có doanh nghiệp viện cớ Luật Lao động quy định thời giờ làm việc của NKT không vượt quá 7h/ngày hoặc 42h/tuần để không tiếp nhận NKT vào làm việc. Doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất hiện đại lại lo ngại NKT khó có khả năng đáp ứng được công việc nên không nhận họ vào làm việc...

Theo ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, thời gian qua các chính sách của Nhà nước cũng như các cấp, các ngành đã có những hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho NKT còn khả năng lao động, nhưng hiệu quả chưa được nhiều. “NKT chỉ có thể tạo dựng được cuộc sống ổn định khi có một tay nghề, việc làm ổn định chứ không thể nhờ vào sự trợ giúp của cộng đồng, xã hội. Có một thực tế là trong khi mục tiêu dạy nghề, tạo việc làm cho NKT luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của công tác trợ giúp đối tượng thì hiện nay người lao động khuyết tật vẫn chưa có việc làm do nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ của mình với xã hội”, ông Liêu chia sẻ.

Hiện nay, Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH đã dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT. Trong đó có điều khoản quy định riêng dạy nghề và tạo việc làm cho NKT nhằm cung cấp hàng loạt “chiếc cần câu cơm” cho NKT. Dự thảo đặt ra yêu cầu: cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng trên 30% lao động trở lên là NKT có trách nhiệm cải tạo điều kiện và môi trường làm việc phù hợp với NKT theo quy định của pháp luật; cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng dưới 30% lao động là NKT theo điều kiện cụ thể bố trí, sắp xếp công việc cho NKT phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật, cải tạo môi trường làm việc, trang bị các phương tiện, công cụ hỗ trợ, người trợ giúp để NKT có thể làm việc bình thường. NKT tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho NKT được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh.

Dự thảo cũng quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy chế hoạt động, điều lệ phù hợp với đối tượng lao động là NKT và sử dụng trên 30% lao động là NKT được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; miễn tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước; khi có nhu cầu cần vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh nhằm ổn định việc làm cho NKT được vay vốn với mức vay theo quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội, lãi suất cho vay bằng 50% mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với các đối tượng vay vốn giải quyết việc làm, lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay trong hạn; cơ sở sản xuất, kinh doanh nhận ổn định từ 10 lao động là NKT trở lên nhưng có tỷ lệ lao động là NKT dưới 30% được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện và môi trường làm việc đối với NKT và dạy nghề tại doanh nghiệp theo số NKT được tuyển dụng vào làm việc ổn định tại cơ sở đó; doanh nghiệp tự tổ chức dạy nghề, bổ túc tay nghề và nhận NKT vào làm việc ổn định được hưởng chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho NKT từ nguồn quỹ việc làm.

Gần 2 tháng nữa Luật NKT sẽ chính thức được thi hành. Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT được ban hành, cùng với việc thực thi nghiêm túc của các cơ quan chức năng, những trở ngại mà NKT gặp trong học nghề và tìm kiếm việc làm sẽ được giảm thiểu đáng kể.

Quỳnh Anh