Đặt mức tăng trưởng GDP năm 2011 là 7-7,5%
Chính trị - Ngày đăng : 16:18, 08/11/2010
Nghị quyết đánh giá, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 được thực hiện trong bối cảnh đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và thiên tai, dịch bệnh. Nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đạt được phần lớn các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Các cân đối vĩ mô nhìn chung ổn định, kinh tế phục hồi khá nhanh và ổn định, tăng trưởng kinh tế (GDP) ước đạt 6,7%, xuất khẩu ước tăng 19,1%, cao hơn 3 lần so với kế hoạch.
An sinh và phúc lợi xã hội được chăm lo tốt hơn. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực (là Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới,…), vị thế của nước ta được nâng cao trên trường quốc tế. Kết quả năm 2010 đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục. Kinh tế tăng trưởng nhưng thiếu tính bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; cơ sở hạ tầng còn yếu kém; hiệu quả đầu tư thấp; tỷ lệ nhập siêu lớn; bội chi ngân sách cao; giá cả nhiều mặt hàng tăng khá nhanh, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại; một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết; tình trạng ô nhiễm môi trường còn nghiêm trọng; tai nạn, ùn tắc giao thông vẫn xảy ra nhiều. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với vị trí, vai trò chiến lược của khu vực này. Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Trong năm 2011, mục tiêu phát triển tổng quát của Việt Nam là tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết đề ra một số chỉ tiêu phát triển cụ thể.
Về kinh tế, Quốc hội thống nhất năm 2011, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7-7,5% so với năm 2010; Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 tăng 10% so với năm 2010. Nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu; Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%.
Về xã hội, tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 6,5%; trung cấp chuyên nghiệp tăng 10%; cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 16,5%; Tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,7 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài; Giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới; 4% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới; Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống 17,3%; Diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đầu người là 19 m2...
Về môi trường, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 86%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch là 78%; 69% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; 82% chất thải rắn y tế được xử lý; 83% chất thải rắn ở đô thị được thu gom; 40% diện tích rừng được che phủ…
Để đạt được kế hoạch, Quốc hội yêu cầu tập trung triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính gồm: Chỉ đạo, thực hiện các giải pháp để tăng cường ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển; Thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế mà trước hết là điều chỉnh cơ cấu đầu tư, bao gồm cơ cấu đầu tư trong từng ngành, từng lĩnh vực, cơ cấu nguồn vốn theo hướng giảm đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư; Triển khai kịp thời các chính sách bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội. Tập trung giải quyết một số vấn đề xã hội và môi trường bức xúc; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường đào tạo, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội trong giai đoạn mới; Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Đáng chú ý, trong nhóm các giải pháp quản lý kinh tế, Quốc hội yêu cầu áp dụng các biện pháp để tăng mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn, nhất là hàng tiêu dùng cao cấp đắt tiền, gắn với đẩy mạnh sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu để giảm tỷ lệ nhập siêu. Tăng tính ổn định các cân đối lớn, như cân đối cung cầu hàng hóa gắn với định hướng tiêu dùng, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư; cân đối ngoại tệ quốc gia, thu chi ngân sách...
Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; tăng tổng phương tiện thanh toán phù hợp với các chỉ tiêu vĩ mô. Thực hiện đồng bộ các giải pháp điều chỉnh lãi suất phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường, tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.
Quản lý chặt chẽ thị trường vàng, việc lưu hành ngoại tệ. Chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá cả một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước đang quản lý như điện, than, các dịch vụ công như y tế, giáo dục,... theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách hỗ trợ đối với người có công, các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo….
Áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nợ công, cơ cấu nợ công và ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Từng bước giảm tỷ lệ huy động vào ngân sách so với GDP, đồng thời với việc áp dụng quyết liệt các biện pháp chống thất thu.
Cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, trước hết tập trung củng cố, tăng cường năng lực và sự phát triển bền vững của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trên cơ sở rà soát, đánh giá kỹ, chấn chỉnh, sắp xếp lại một cách căn bản; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tập đoàn, tổng công ty, đi đôi với hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan nhà nước. Tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước phải tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh chính, thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo tài chính, thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc. Kiên quyết tách biệt chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, phát triển mạnh các loại hình kinh tế ngoài nhà nước. Tạo môi trường bình đẳng về pháp luật và trên thực tế giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội và mức độ tiếp cận của các doanh nghiệp đối với các nguồn lực, nhất là đất đai, vốn tín dụng đầu tư. Có cơ chế, chính sách, tạo sự phát triển có hiệu quả, bền vững các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo điều kiện phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác.