Nên quy định "cứng" số dư đại biểu ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử
Chính trị - Ngày đăng : 14:31, 08/11/2010
Thảo luận về dự luật, các đại biểu đều thống nhất trong lần sửa đổi này chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thực sự cần thiết, nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức bầu cử khi tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong cùng một ngày. Bởi vì để sửa đổi căn bản, toàn diện cơ chế, phương thức tổ chức bầu cử đòi hỏi phải sửa đổi từ Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cũng như các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước. Hơn nữa thời gian tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vào tháng 5 thì thời gian không còn dài, khó có thể sửa đổi toàn diện và đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Nên quy định cứng số dư đại biểu ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử
Đại biểu Trần Văn Tấn - Tiền Giang cho rằng, Điều 46 của dự luật qui định, số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó. Nếu đơn vị bầu cử đó được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là hai người, như vậy là chưa khoa học, chưa đảm bảo sự công bằng cho cử tri lựa chọn bầu đại biểu Quốc hội giữa các đơn vị bầu cử trong cả nước.
“Vì yêu cầu danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó là qui định quá chung, có thể nhiều hơn 1, 2, 3 và các cơ quan tổ chức sẽ chọn phương án tối thiểu để an toàn cho ứng cử viên và yêu cầu cơ cấu theo qui định”, đại biểu Tấn nói.
Theo đại biểu Tấn, dự án luật nên qui định mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá ba đại biểu. Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là hai người. Trong trường hợp hết người ứng cử vì lý do bất khả kháng, thì do Hội đồng bầu cử quyết định.
Đại biểu Lương Phan Cừ - Đắk Nông cũng cho rằng, luật hiện hành chỉ quy định danh sách ứng cử viên mỗi đơn vị được bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó. Nhưng thực tiễn nhiệm kỳ bầu cử thì số dư này thường chỉ có 1 hoặc 2 và chúng ta chuẩn bị thường chỉ có 1 hoặc 2. Điều đó làm hạn chế ý nghĩa của bầu cử.
“Đã nói đến bầu cử có nghĩa là lựa chọn. Cử tri phải có quyền lựa chọn người xứng đáng vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất cũng như cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Việc chuẩn bị số dư hầu như tối thiểu đã cản trở sự lựa chọn của cử tri”, đại biểu Cừ nói.
Từ đó, đại biểu Cừ đề nghị chỉ nên quy định cứng số dư ít nhất của mỗi đơn vị bầu cử là 2 đại biểu.
Chung mối quan tâm, đại biểu Danh Út - Kiên Giang cũng cho rằng, dự thảo luật quy định số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó là quá chung, không cụ thể.
“Thực tế không chỉ có đơn vị chỉ được bầu 3 đại biểu mà có đơn vị cá biệt bầu 1, bầu 2 đại biểu, như vậy đơn vị được bầu một, hai đại biểu thì số dư là bao nhiêu, dự thảo luật không quy định”, đại biểu Út nhận xét.
Để đảm bảo tính cạnh tranh, dân chủ, công bằng giữa các ứng cử viên trong bầu cử, đại biểu Út đề nghị dự án luật quy định mỗi đơn vị bầu cử có ít nhất số dư là 2 người để nâng cao tính lựa chọn trong công tác bầu cử.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Bạc Liêu cũng nhận xét, quy định về số lượng người trong các danh sách bầu cử như trong dự thảo chưa đảm bảo được sự công bằng cho các ứng cử viên cũng như quyền lựa chọn các cử tri đối với các đơn vị bầu cử.
“Nếu đối với đơn vị bầu cử chọn 2 đại biểu số lượng nhiều hơn thì có thể đưa ra 3 ứng cử viên cũng đã thỏa mãn đối với quy định trong các dự thảo luật này rồi. Điều đáng sợ là khi xảy ra trường hợp bất khả kháng, đặc biệt đối với những tổ chỉ bầu 2 ứng cử viên thôi nên không đảm bảo được số lượng đại biểu chung cho cả bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân mà trong các cuộc bầu cử vừa qua đã gặp phải”, đại biểu Ry nói.
Đại biểu Ry nhất trí, nên quy định cứng vào trong luật này là đối với mỗi đơn vị bầu cử so với số lượng bầu ít nhất phải nhiều hơn 2 người, trừ trường hợp bất khả kháng do Hội đồng bầu cử quyết định.
Nên công bố ngày bầu cử sớm hơn
Theo đại biểu Nguyễn Hồng Nhị - Nghệ An, việc công bố ngày bầu cử nên thực hiện trước 120 ngày, thay vì 150 ngày như hiện nay, để các bước hiệp thương, các công việc chuẩn bị khác có thời gian chủ động và thực hiện tốt hơn.
“Về lâu dài Quốc hội nên nghiên cứu để có hướng dẫn cho các địa phương, các cơ quan làm dưỡng nguồn hoặc quy hoạch đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tạo điều kiện để phát triển, theo dõi, bồi dưỡng, giúp đỡ những người có điều kiện tham gia làm đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Quốc hội, giúp cho Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử các cấp chủ động hơn trong quá trình tổ chức bầu cử. Bởi vì chờ đến khi Hội đồng bầu cử Trung ương định hướng cơ cấu thì việc chọn lựa các ứng cử viên, đặc biệt là ở các tỉnh người đông, đất rộng là rất khó khăn do đó chất lượng không được như mong muốn”, đại biểu Nhị nói.
Đại biểu Sùng Thị Chư - Yên Bái cũng nhất trí, thời gian công bố ngày bầu cử nên tăng lên là 120 - 125 ngày, trên cơ sở đó phân bổ thời gian hợp lý cho 5 bước của quá trình hiệp thương. Có như vậy mới hạn chế được những vướng mắc và những hạn chế trong quá trình tổ chức bầu cử, đảm bảo được thời gian để lựa chọn và giới thiệu được những ứng cử viên để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đảm bảo chất lượng.
Nhất trí quy định thời hạn công bố ngày bầu cử sớm hơn, đại biểu Đặng Huyền Thái - TP Hà Nội cho rằng, việc này sẽ giúp tổ chức tốt quy trình hiệp thương cũng như công tác chuẩn bị cho bầu cử.
“Những cuộc bầu cử trước đây hầu như đều rất cập rập, nhất là công tác hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức hiệp thương. Đặc biệt là ở Hà Nội với bước 2 và bước 4 chúng tôi thấy rằng có rất nhiều khó khăn, khi ở địa phương là nơi mà có số đại biểu của Trung ương và các bộ, ngành, tỉnh thành ứng cử rất đông, vì vậy cần phải có thêm thời gian. Mặt khác, trong tình hình hiện nay khiếu kiện ngày càng nhiều trong bầu cử, trong bước 4 và bước 5 chắc chắn cũng sẽ phức tạp hơn, nên cần có thêm thời gian để giải quyết triệt để thì có kết quả bầu cử tốt hơn”, đại biểu Khánh nói.
Đại biểu Khánh đề nghị nên tăng thêm 15 ngày cho mỗi cuộc bầu cử. Trên cơ sở sửa đổi thời gian như trên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ hướng dẫn điều chỉnh lại thời gian các bước hiệp thương cho phù hợp, trong đó cần giãn thời gian của bước 2, bước 4 trong cuộc bầu cử.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Trần Thị Dung - Điện Biên cũng chung đề nghị, thời gian để công bố ngày bầu cử trong toàn quốc phải được công bố sớm hơn và đề nghị là 120 ngày hoặc 125 ngày.