Chưa như mong muốn

Chính trị - Ngày đăng : 07:00, 08/11/2010

(HNM) - Triển khai từ năm 2006, Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội về


Phong trào “Người Hà Nội quyết tẩy trừ tệ đổ rác ra đường và rác trên tường” do Báo Hànộimới phát động đã được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng,
góp phần xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp.  


Theo Chương trình 08, phẩm chất thanh lịch, văn minh của người Hà Nội được xác định là "Yêu nước, sống có trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô, trung thực, tự trọng, nghĩa tình; có lối sống và nếp sống trong sạch, lành mạnh; có tri thức, năng động, sáng tạo, chủ động và vững vàng trong phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, tiêu biểu cho phong cách học tập, lao động mới; có thể chất tốt và luôn có ý thức vươn lên trong cuộc sống".

Chung niềm mong muốn bồi đắp thêm truyền thống văn hóa tốt đẹp cho người Hà Nội, các ngành, đoàn thể đã cụ thể hóa những tiêu chí đó thành chương trình hoạt động. MTTQ thành phố tổ chức các phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt", hội nghị biểu dương các tấm gương "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền", "Đền ơn đáp nghĩa", "Xóa đói giảm nghèo". Hội Nông dân đẩy mạnh phong trào xây dựng "Người nông dân Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại". Thành đoàn Hà Nội xây dựng hình ảnh người thanh niên Thủ đô vừa kế thừa nét truyền thống, vừa tiếp thu được những tinh hoa văn hóa của nhân loại, đáp ứng các yêu cầu "Sức khỏe, trí tuệ - Ðoàn kết, sáng tạo - Thanh lịch, tình nguyện". Hội Phụ nữ phát động chị em thanh lịch trong ăn mặc, giao tiếp, ứng xử. Đặc biệt, ngành GD-ĐT Hà Nội vừa hoàn thành bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh" cho học sinh Hà Nội và đưa vào giảng dạy thí điểm từ lớp 1 đến lớp 11...

Trong những ngày diễn ra lễ lớn của Thủ đô và đất nước, dường như những hành động, ứng xử không thanh lịch, văn minh như vi phạm luật khi tham gia giao thông, đổ rác bừa bãi, đi vệ sinh không đúng nơi quy định, nói tục, chửi bậy, dán quảng cáo rao vặt trái phép, bôi bẩn nơi công cộng... có phần giảm bớt. Nhưng có vẻ như lễ tết qua đi, mọi việc "đâu lại đóng đấy", lại phóng nhanh, vượt ẩu, lại đổ rác ra đường, lại nói với nhau bằng những lời khó nghe. Người ta không thể cố để thanh lịch, văn minh bởi những phẩm chất ấy nó chưa "ngấm" vào mỗi người, chưa trở thành nét tính cách của người dân Thủ đô. Ban Chủ nhiệm Chương trình 08 cũng thẳng thắn nhìn nhận: Tính hiệu quả của chương trình chưa cao so với yêu cầu. Cho đến nay, một số mục tiêu cơ bản của chương trình về tỷ lệ gia đình văn hóa (trên 80%), làng, tổ dân phố văn hóa (trên 50%), đơn vị văn hóa (trên 60%), xây dựng hệ thống nhà văn hóa, câu lạc bộ văn hóa xã, phường, thị trấn đã đạt, nhưng chất lượng vẫn còn ở mức vừa phải. Hiệu quả đầu tư các nguồn lực để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn thấp…

Vẫn là chuyện ý thức của mỗi người

Có ý kiến cho rằng, tiêu chí văn minh, thanh lịch của Hà Nội khá trừu tượng nên khó thực hiện, cần phải được cụ thể bằng những tiêu chuẩn rõ ràng để có thể đưa vào thực tiễn quản lý đô thị. Lại có ý kiến khác, nét đẹp được tổng hòa từ rất nhiều yếu tố nên không dễ định tính, định lượng.

Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội phân tích: Chất văn minh, thanh lịch tự nó toát lên; giống như người đẹp thì phải qua cảm nhận nhiều hơn là nhờ số đo các vòng. Vì thế, nếu mọi sự giáo dục từ gia đình, nhà trường đến những cuộc vận động trong xã hội chỉ mang tính chất giáo điều, lý thuyết thì khó mang lại hiệu quả. Thay đổi cách sống, ý thức của con người là một việc không đơn giản, không thể trong ngày một ngày hai. Để bảo tồn, phát huy và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, hiện đại, chúng ta cần phải có biện pháp giáo dục kiên trì và có tính thuyết phục. GS Lê Văn Lan cũng cho rằng: Để chuyển biến nhận thức của mọi người, trước hết phải từ chính các phương tiện thông tin đại chúng, rồi chính mỗi người tự nhắc nhau chứ không nên hô hào.

Từ kinh nghiệm triển khai có hiệu quả phong trào giữ ngõ phố "xanh - sạch - đẹp", ông Lê Thế Đạt, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 6, phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm) chia sẻ: Người Hà Nội thanh lịch, văn minh thì không thể đổ rác bừa bãi. Phường đã hạn chế tình trạng này bằng cách "Xây dựng cơ chế tự quản ở khu dân cư". Cứ 16h hằng ngày, Ban vận động gửi về Đài Truyền thanh phường danh sách các trường hợp vi phạm để kịp phê bình, nhắc nhở và việc này thực sự có tác dụng. Còn bà Nghiêm Tú Phương, Tổ trưởng tổ 2 - khu phố 1, phố Hàng Lược, phường Hàng Mã khẳng định: Đặc trưng của phố Hàng Lược cũng như nhiều con phố trong khu phố cổ là số nhà đông hộ. Để các hộ trong các số nhà đoàn kết, khu phố 1 đã bầu ra trưởng số nhà. Hằng tháng, các trưởng số nhà họp cùng tổ trưởng, trưởng ban mặt trận tìm cách giải quyết, tháo gỡ những khó khăn. Nếu có tranh chấp, cãi vã thì tổ hòa giải sẽ vào cuộc. Bằng biện pháp vừa tình, vừa lý này, từ đầu năm đến nay, khu phố 1 chưa có trường hợp tranh chấp, cãi cọ đáng tiếc nào xảy ra.

Gìn giữ và phát huy nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội rõ ràng không dễ nhưng cũng không phải là không thể.

Minh Ngọc