Tổng tuyển cử tại Myanmar: Bước tiến lịch sử

Thế giới - Ngày đăng : 06:41, 08/11/2010

(HNM) - Cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang và cơ quan lập pháp các cấp ở Myanmar - sự kiện chính trị quan trọng được chờ đợi suốt hai thập kỷ qua - đã diễn ra hôm qua (7-11).

Từ 6 giờ 30 phút sáng, khoảng 40.000 điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước đã mở cửa để đón trên 29 triệu cử tri, đại diện cho gần 60 triệu người dân tham gia bỏ phiếu. Việc bỏ phiếu đã kết thúc ngay trong chiều tối cùng ngày.

Người dân Myanmar tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 7-11.

Mặc dù đến cuối ngày 7-11 vẫn chưa có kết quả chính thức, song cuộc tổng tuyển cử đầu tiên theo Hiến pháp Liên bang năm 2008 này vẫn được xem là bước ngoặt trong "Lộ trình bảy bước tới dân chủ" mà Chính phủ Myanmar từng đề ra, nhằm tiến tới một "nhà nước dân chủ thực sự và có kỷ cương", đánh dấu sự dịch chuyển từ chính phủ quân sự sang dân sự.

Tham gia cuộc đua quyết định này có 37 chính đảng, được Ủy ban Bầu cử Liên bang (UEC) cấp phép, tại 7 khu vực và 7 bang thiểu số, với 3.071 ứng cử viên, trong đó có 82 cá nhân tự ứng cử, chạy đua vào hơn 1.000 ghế lập pháp các cấp. Quốc hội mới của Myanmar gồm Thượng viện và Hạ viện, với quyền lập pháp được chia sẻ qua các cấp liên bang, khu vực và bang. Hạ viện gồm 440 ghế, trong đó 330 đại diện dân sự được bầu chọn qua lá phiếu và 110 đại diện của quân đội. Thượng viện gồm 224 ghế, trong đó 168 ghế do dân bầu và 56 ghế do Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Phát triển Myanmar, Thống tướng Than Shwe chỉ định. Trong số các chính đảng tham gia tranh cử lần này, Đảng Phát triển và Đoàn kết Thống nhất (USDP), với 18 triệu đảng viên do Thủ tướng U Thein Sein hiện đứng đầu là chính đảng lớn mạnh nhất, với 1.112 ứng cử viên, trong đó có 26 đương kim bộ trưởng.

Trở lại với "Lộ trình bảy bước tới dân chủ" mà Thủ tướng Myanmar Khin Nyunt từng công bố tháng 8-2003 nhằm chuyển đổi Myanmar từ chính quyền quân sự sang dân sự, được xem là chìa khóa mang lại sự đoàn kết dân tộc, góp phần đưa Myanmar - một đất nước với nhiều dân tộc và những nét văn hóa khác nhau - tiến tới một nền dân chủ thực sự. Trong đó, cuộc bầu cử lần này là bước thứ 5 trong lộ trình. Ðể phù hợp với lộ trình quan trọng này, tháng 5-2008, Myanmar đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân để thông qua hiến pháp mới, quy định tổng thống là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu nhà nước, được quyết định qua bầu cử Quốc hội; đồng thời là người đứng đầu Ủy ban An ninh - Quốc phòng.

Ðể chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử tiến tới thành lập một chính phủ dân sự, ngay từ đầu năm Myanmar đã ban hành Luật Bầu cử mới. Tháng 4 vừa qua, Thống tướng Than Shwe, Thủ tướng U Thein Sein cùng một số bộ trưởng trong chính phủ đã rời quân đội, thành lập một chính đảng mới mang tên USDP để tham gia bầu cử. Cuối tháng 10 vừa qua, Myanmar đã chính thức thay quốc kỳ nhằm thể hiện rõ quyết tâm của chính phủ và nhân dân trong tiến trình tiến tới một nền dân chủ toàn diện mà ở đó tinh thần đoàn kết và hòa hợp dân tộc là cốt lõi và động lực cho mọi sự phát triển. Quyết tâm này đã được thể hiện rõ trước thềm bầu cử, khi từ chính phủ đến các chính đảng, từ ủy ban bầu cử các cấp đến các ứng cử viên đều sẵn sàng cho ngày tổng tuyển cử trở thành một ngày trọng đại nhất trong lịch sử đất nước, ngày của đoàn kết và hòa hợp dân tộc.

Mặc dù phải đối mặt với không ít thách thức, nhất là sức ép từ các nước phương Tây, nhưng Chính phủ Myanmar đã nỗ lực hết mình để tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử trên tinh thần tự do và công bằng, nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân và đất nước. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon cho rằng, cuộc bầu cử là trắc nghiệm quan trọng về triển vọng hòa bình, dân chủ và phát triển ở Myanmar. Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan mong muốn "cuộc bầu cử sẽ là cơ chế tương đối hiệu quả để đạt đến hòa giải dân tộc". Song các nhà phân tích lại cho rằng, trong tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar, không ai khác, chính người dân nước này mới đóng vai trò quyết định vận mệnh của dân tộc.

Đình Hiệp