Ổn định tâm lý để bình ổn giá
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:12, 08/11/2010
Thị trường vàng, đô la biến động nóng chủ yếu do thị trường thế giới. Đồng đô la suy yếu do chủ trương tài chính của Mỹ để vực dậy nền kinh tế. Giá vàng tăng cao do một số quốc gia tăng cường tích trữ. Thứ kim loại quý này đang phát huy vai trò dự trữ nhiều hơn trao đổi. Nguyên nhân nội sinh, tâm lý lo lắng trước dấu hiệu lạm phát hai con số có thể xảy ra khiến người dân đổ xô đi mua vàng, đầu tư vào bất động sản hoặc gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ và vàng. Theo một công bố trên báo chí, thời gian này, số dư tiết kiệm đã giảm khoảng 45.000 tỷ đồng, chủ yếu do nhà đầu tư rút ra để mua vàng, USD dự trữ. Cũng theo một số liệu trên báo chí, hiện có khoảng 1.000 tấn vàng và hàng chục tỷ USD đang nằm im trong két của người dân, ngoài hệ thống ngân hàng, cũng trước hết để dự trữ an toàn nếu VND tiếp tục yếu đi, CPI tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm và trước tết. Ngày 3-11, đầu giờ chiều, giá USD và vàng đang cao ở mức kỷ lục đột ngột quay đầu giảm nhẹ (tuy chưa vững chắc nhưng lại ổn định liền mấy ngày) sau tuyên bố của Chính phủ không đặt ra vấn đề thay đổi tỷ giá vào thời điểm này. Các ngân hàng cũng tung ngoại tệ ra bán và được phép nâng trần lãi suất VND. Sau sự can thiệp trên, giá trên thế giới tiếp tục tăng nhưng giá trong nước có xu hướng giảm. Như vậy, có vấn đề đầu cơ và tâm lý thị trường.
Tháng 10 cũng là tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, nhất là các mặt hàng thiết yếu, trong đó biến động nhất là lương thực, thực phẩm. Theo Tổng cục Thống kê, giá rau, củ, quả tăng gấp rưỡi, nhiều loại gấp đôi. Cùng với lương thực, thực phẩm, giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng, gas, vật liệu xây dựng cũng leo thang. Tình trạng tăng giá trên do giá gốc tăng, do đầu cơ, do khan hiếm hàng… nhưng một yếu tố không thể bỏ qua, đó là sự tác động vào tâm lý người tiêu dùng, lợi dụng tình hình lũ lụt ở miền Trung và giá vàng, ngoại tệ hiện nay.
Chính vì vậy, cùng với các biện pháp tác động vào thị trường của Nhà nước, quản lý chặt chẽ giá, chống đầu cơ buôn lậu, chống liên kết độc quyền, lợi dụng khan hiếm tạm thời để tăng giá, cần kiên quyết hơn nữa trong việc chống tung tin đồn nhảm, kích động tâm lý người tiêu dùng. Cũng cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa những cố gắng của thành phố Hà Nội, trong đó có nhiều việc đã làm để nhân dân cùng biết, cùng tham gia như khả năng dự trữ các mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp được thành phố hỗ trợ vốn; việc phát triển các điểm bán hàng bình ổn giá; Tháng khuyến mãi của thành phố với sự tham gia của gần 1.000 doanh nghiệp… để tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng, góp phần bình ổn giá, phấn đấu mức lạm phát không vượt xa dự kiến.