Thanh niên khuyết tật làm giàu

Xã hội - Ngày đăng : 08:26, 07/11/2010

(HNM) - Không đầu hàng số phận, vượt lên chính mình, trở thành ông chủ lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đó là anh Nguyễn Hoàng Hà (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội) - thanh niên khuyết tật vừa được tuyên dương tại


Bị bại liệt do di chứng từ người cha bị nhiễm chất độc da cam trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, đôi chân dần bị teo nên nỗi chân thấp, chân cao. Dù vậy, từ bé Hà đã mơ ước sẽ vào giảng đường đại học. "Tôi học để trở thành người có ích", anh Hà chia sẻ.

Để vun đắp ước mơ của mình, Hà đã phải trải qua những năm học phổ thông thật nhọc nhằn. Năm 2000, Hà đã thi đỗ vào Khoa tiếng Anh - Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội ngoài sự mong đợi của mọi người. Niềm vui được nhân lên trong gia đình, nhưng đối với Hà lại thêm sự lo lắng vì đi lại khó khăn, trường học xa nhà. Không đầu hàng trước khó khăn, hàng ngày Hà đi học bằng chiếc xe máy ba bánh mà bố mẹ dành dụm tiền sắm cho anh. Bốn năm học trôi nhanh, Hà tốt nghiệp loại khá, niềm vui trong gia đình và láng giềng tăng thêm, nhưng rồi anh còn lo lắng hơn trước: "Ai sẽ là người tiếp nhận mình vào làm việc với đôi chân không lành lặn?".

Anh Hà kể, "Tốt nghiệp đại học, tôi tin vào năng lực của mình và tự tin đi xin việc. Một số nơi tiếp nhận vào vị trí biên dịch tài liệu và làm công tác văn phòng, nhưng tôi đã chọn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tổng hợp của người tàn tật tỉnh Thái Bình. Lý do tôi chọn không phải vì mặc cảm, tự ti vì mình khuyết tật, mà doanh nghiệp đó có những số phận kém may mắn như tôi. Gần 1 năm làm việc tại Thái Bình, tôi được nhiều thứ hơn tôi tưởng tượng, đó là lòng bao dung, công việc, niềm tin và cả những bài học mang đậm tính thương trường".

Khi có được chút kinh nghiệm, Hà nghĩ phải làm điều gì đó cho quê mình và nhận được sự đồng tình của gia đình với ý tưởng mở một xưởng may cho người nghèo và khuyết tật trên địa bàn xã Yên Sở. Được sự giúp đỡ của gia đình, xưởng may ra đời. Lúc đầu chỉ khoảng 10 lao động, nhưng dần cũng phát triển đến 50 lao động, mức lương bình quân từ 1,5 triệu đến 2,5 triệu đồng/người/tháng (trong đó có hơn 60% là người khuyết tật và dân tộc thiểu số), trong đó có 40% lao động được tham gia bảo hiểm xã hội từ cuối năm 2008.

Mong muốn mở rộng xưởng để giúp được nhiều người khuyết tật, năm 2007, Hà đã mạnh dạn xây dựng xưởng may diện tích 100m2 tại xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, thu hút 40 lao động là người khuyết tật, trẻ mồ côi và con của các hộ nông dân nghèo. Dự định của Hà trong 3 năm tới, là hợp tác với một số đối tác, xây dựng xưởng may quy mô 1.000m2, tạo thêm việc làm cho 150 lao động khuyết tật.

Đã trở thành ông chủ, được xã hội ghi nhận, nhưng Nguyễn Hoàng Hà vẫn chưa bằng lòng với chính mình. Hiện anh đang theo học lớp cao học Khoa tiếng Anh - Đại học Hà Nội. "Ước mơ cháy bỏng của tôi là tiếp tục học cao hơn nữa, không chỉ bổ trợ thêm kiến thức mà còn trở thành một giảng viên ngoại ngữ, sống và làm việc trong môi trường phù hợp hơn với sức khỏe của mình", anh Hà cho biết thêm.

Mai Toàn