Hy vọng những mùa điện ảnh mới!
Văn hóa - Ngày đăng : 07:43, 07/11/2010
Một cảnh trong phim “Cánh đồng bất tận”.
Cùng trải nghiệm với nhiều khán giả tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia sau một buổi chiếu, có thể cảm nhận thấy sức thu hút của “Cánh đồng bất tận” không chỉ từ hiệu ứng tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư mà vì bộ phim có những cảnh quay thực sự xúc động, đã vượt qua những chuẩn mực duy mỹ đơn thuần. Đó là cảnh quay khi Sương (Hải Yến) bị một đám đàn bà đánh ghen. Hải Yến đã diễn tả được nỗi sợ hãi của một cô gái điếm bơ vơ giữa những người đàn bà rượt đuổi trong cơn ghen điên cuồng. Hay trong cảnh quay khi ông Võ dẫn theo hai con Điền, Nương bỏ đi sau những đêm hoan lạc, ném tiền xuống bàn cho Sương… người xem thấy được vẻ uất ức cố che giấu đằng sau sự lạnh lùng vô cảm… Nửa đầu đoạn phim, mâu thuẫn được đẩy lên cao tạo nên cảm xúc mãnh liệt. Đó là việc không phải bộ phim nào cũng làm được. Tiếc là điều đó không được duy trì đến hết tác phẩm.
Kịch bản phim xử lý có chỗ chưa khéo khi phần sau quá sa đà vào những chi tiết nhỏ. Việc đạo diễn đã không tiếp tục đi theo điểm nhìn của Điền và Nương để kể tiếp câu chuyện mà chuyển sang điểm nhìn khách quan, cộng với việc sử dụng quá nhiều các cảnh quay cận, trung cảnh đã làm bó hẹp không gian phim. Dường như Nguyễn Phan Quang Bình muốn chú trọng đến những va chạm của các nhân vật hơn là nỗi đơn độc của chính nhân vật giữa mênh mang trời nước miền Tây. Tiếc là, cách khai thác đó lại dễ khiến cho diễn viên bộc lộ điểm yếu diễn xuất. Dustin Nguyễn đã diễn tả rất tốt chất cộc cằn của ông Võ nhưng chưa thực sự thuyết phục khi thể hiện tình yêu, nỗi đau cũng như sự dịu dàng, chăm sóc vốn được chôn sâu trong cái vỏ cộc cằn. Hải Yến diễn tốt trong những cảnh quay không thoại với ngoại hình đã đạt đến độ chín nhưng khi cận mặt và cất giọng là lộ rõ độ phô thanh sắc của nữ minh tinh này. Bên cạnh đó, nụ cười “tỏa sáng một khúc sông” của Tăng Thanh Hà trong vai người mẹ qua hồi tưởng của Điền và Nương đẹp một cách… khó hiểu, dễ khiến người ta tin người mẹ đã bỏ nhà vì… theo người đàn ông khác.
Thêm một vấn đề nữa là văn của Nguyễn Ngọc Tư đọc lên cảm thấy rất “đời” nhưng khi lên phim lại có lúc gây cảm giác “kịch”. Một thử thách dễ thấy trong việc chuyển ngôn ngữ kể của văn học vào điện ảnh. Nguyễn Phan Quang Bình đã xúc động quá mức cần thiết ở cương vị đạo diễn. Và vì thế, anh đã không làm tốt được việc duy trì cảm xúc, kết nối phần hình ảnh đẹp, âm thanh ấn tượng, kịch bản điện ảnh chuyển thể tương đối tốt để tạo nên một tác phẩm điện ảnh chín hơn.
“Cánh đồng bất tận” tiêu biểu cho một tham vọng lớn và có thể chưa đi đến tận cùng của sức sáng tạo, nhưng người xem nhìn thấy rõ sự nỗ lực của toàn bộ ê-kip. “Cánh đồng bất tận” cũng đã phát hiện ra một số gương mặt mới cho điện ảnh Việt Nam như Lan Ngọc, Thanh Hòa. Bộ phim cũng đạt chuẩn quốc tế về hình ảnh và âm thanh, đủ sức phát hành rộng rãi ngoài thị trường Việt Nam. Phim không chỉ tạo nên một làn sóng tranh luận sôi động của giới phê bình và những người quan tâm đến điện ảnh mà còn có doanh thu bán vé đáng kể. Phần đông khán giả đến rạp cũng đã vượt qua sự hiếu kỳ thường thấy về những cảnh “nóng”. Điện ảnh Việt Nam cần lắm những cú hích như thế để có thể thu hút hơn nữa sự chú ý của công chúng, sẵn sàng cho mùa vàng mới của nghệ thuật thứ bảy.