Khắc khoải chờ ngày hết ngập
Đời sống - Ngày đăng : 08:28, 06/11/2010
Người dân “vá” những đoạn đê bao bị vỡ tại quận 12. |
Khốn khổ vì vỡ đê bao!
Đỉnh cao nhất của đợt triều cường đầu tháng 11 với mức triều tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) ngày 3-11 là 1,52m đã đi qua. Tuy nhiên, đến ngày 4-11, nhiều bà con ở phường Thạnh Xuân (quận 12) vẫn chưa trở lại được với cuộc sống thường nhật vì "dư âm" của các đoạn bờ bao vỡ khiến nước tràn vào nhà vẫn đang còn! Những người dân sống hai bên bờ con sông Sài Gòn đã quen với triều cường. Trước đó, theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (BCH PCLB) TP Hồ Chí Minh, đợt triều cường cuối tháng 10 cũng làm vỡ 9 đoạn đê bao thuộc các quận 12, Thủ Đức và Bình Thạnh. Theo các hộ dân khu phố 4 (phường Thạnh Xuân, quận 12), ngoài các lý do khách quan như mực triều ngày càng cao thì các công trình ngăn triều đang thi công cũng góp phần làm… ngập nặng. Cụ thể, khi dự án công trình thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn thi công gói thầu 4B2, đơn vị thi công không làm dứt điểm mà dừng dở dang khiến nhiều đoạn bị vỡ, nước tràn vào nhà dân. Gói thầu này được khởi công ngày 10-11-2009 và thời gian hoàn thành theo kế hoạch là ngày 10-8-2010, tuy nhiên chủ đầu tư đã xin gia hạn đến quý I-2011. Hiện đoạn bờ bao dọc kênh này vẫn thi công dang dở, ở một số đoạn bờ bao không được đóng cừ mà chỉ đổ bùn đất tạm nên nước liên tục chảy ngược vào vườn nhà dân.
Năm 2011 có hết ngập?
Từ năm 2001 đến 2010, TP giao cho các quận, huyện thực hiện 479 hạng mục công trình với kinh phí 789,3 tỷ đồng để tu bổ, nâng cấp các tuyến bờ bao xung yếu, xây dựng các cống nhỏ phục vụ việc tiêu thoát nước và chống triều cường trên địa bàn các quận ngoại thành. Trong hai năm gần đây, theo Phó Văn phòng BCH PCLB TP Hồ Chí Minh Phạm Việt Thắng thì năm 2008 các quận, huyện đã hoàn thành 113 trong kế hoạch 136 công trình (đạt gần 84%), 7 công trình đang tiếp tục triển khai và 16 công trình còn lại đang chuẩn bị thi công; năm 2009 hoàn thành được 75 trong tổng số 126 công trình (đạt 60%), hiện đang thi công 41 công trình, số còn lại đang được thẩm định hồ sơ.
Tuy nhiên, công trình được kỳ vọng sẽ làm giảm ngập úng do triều hiệu quả nhất là dự án thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn thuộc quy hoạch chống ngập úng của TP do Ban Quản lý dự án Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư hơn 454 tỷ đồng. Công trình sẽ xây dựng 66,8km đê bao và 211 cống ngăn lũ tự động, có thể chịu được mực nước triều lên đến 2,2m (hiện kỷ lục triều chưa đến 1,6m) để bảo vệ các quận 12, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Hóc Môn. Sau 7 năm thi công chậm chạp, hiện dự án đã xong giai đoạn 1 (khoảng 70% khối lượng công việc). Chủ đầu tư đặt quyết tâm hoàn thành giai đoạn 2 trong năm 2010, song khó hoàn thành do tiến độ thực hiện rất chậm. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận 12 cũng cho biết, tuy các công trình đầu tư tu bổ, nâng cấp các tuyến bờ bao xung yếu, xây dựng các cống nhỏ trên địa bàn quận đã gần hoàn chỉnh, tuy nhiên phải đến khi dự án bờ hữu sông Sài Gòn hoàn thành thì mới yên tâm không còn xảy ra tình trạng bể bờ bao. Ông cũng hy vọng dự án sẽ hoàn thành trong năm 2011 để thoát cảnh ngập do triều.
Theo ông Phạm Thế Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên nước (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam), đỉnh triều cường tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn năm sau thường cao hơn năm trước 0,83cm. Trong khi đó, đỉnh triều cao nhất thường rơi vào tháng 12. Vì vậy, những ngày gian nan vì triều cường của người dân TP vẫn còn đang ở phía trước bởi các dự án ngăn triều vẫn đang được thi công với tốc độ của... " rùa "!
Triều cường tháng 11 sẽ đạt mức 1,56m Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, đợt triều cường tháng 11 sẽ đạt đỉnh 1,56m vào lúc 18h30 ngày 8-11. Đây là mức triều rất cao nên sẽ gây ngập nặng và vỡ nhiều đê bao. Ngoài ra, đợt triều cường này có thể sẽ có diễn biến bất thường do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió đông bắc mạnh và nhiễu động trong đới gió đông trên cao. Để đối phó với đợt triều cường này, UBND TP đã yêu cầu các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng, chống lụt bão, chống sạt lở và tiêu thoát nước đã được chấp thuận đầu tư năm 2008 và năm 2009. Ban Chỉ huy PCLB TP triển khai các kế hoạch kiểm tra bờ bao, nhất là các đoạn hay bị vỡ trong thời gian vừa qua, chủ động phòng, chống ngập theo phương châm "bốn tại chỗ" và "ba sẵn sàng" cho đợt triều cường này. |