Quyết liệt ổn định giá các mặt hàng thiết yếu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 05/11/2010
Giá hàng hóa tăng mạnh
Người dân lựa chọn thực phẩm được bày bán tại siêu thị Fivimart. Ảnh: Linh Tâm
Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, CPI tháng 10 đã tăng 1,05% so với tháng trước. So với tháng 12-2009, CPI đã tăng 7,58%. Như vậy, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2010 ở mức 8%, CPI trong 2 tháng cuối năm chỉ được phép tăng thêm 0,42%. Đây là mục tiêu quá khó, bởi trong tháng 10, giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã ở mức cao và có chiều hướng tiếp tục tăng.
Trong tháng 10, giá gas bán lẻ đã tăng 15.000 đồng/bình (loại 12kg). Nhưng ngay trong ngày đầu tiên của tháng 11, mỗi bình gas (loại 12 kg) tăng thêm 25 đến 35.000 đồng/bình (tùy thương hiệu). Giá xăng, dầu thế giới đang ở mức cao và theo tính toán của DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, sau khi cộng thêm các loại thuế, phí theo quy định, giá xăng dầu nhập khẩu đã cao hơn giá bán lẻ hiện hành. Tuy nhiên, trong tháng 10, Bộ Tài chính đã yêu cầu các DN chưa điều chỉnh tăng giá bán lẻ, tiếp tục trích quỹ bình ổn xăng dầu để giữ ổn định giá bán.
Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội nhiều loại thực phẩm tươi sống đã tăng giá mạnh. Mặt hàng rau, củ tăng giá gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với giữa tháng 10. Tại chợ Hôm, giá thịt lợn tăng từ 5 đến 10 giá. Cụ thể, thịt lợn nạc lên 70.000đồng/kg, thịt ba chỉ lên 55.000đồng/kg. Giá thịt bò đã tăng 10.000đồng/kg. Các loại thủy sản cũng chung đà tăng giá, cá chép giá từ 50-60.000đồng/kg, trắm 40.000đồng/kg, rô phi 35.000đồng/kg, tôm càng 150.000đồng/kg…
Đặc biệt, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng lên mức 20.000 đến 20.200 đồng/USD cũng là một trong những nguyên nhân gây áp lực tăng giá hàng nhập khẩu, ảnh hưởng đến tốc độ tăng CPI trong tháng 10 và những tháng cuối năm.
CPI có vượt mức một con số?
Theo các chuyên gia kinh tế, trong tháng 11 sẽ có nhiều yếu tố bất lợi gây áp lực tăng giá. Dự báo, giá nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất sẽ tăng cao. Diễn biến thời tiết bất thường ở miền Trung và miền Nam cũng tác động tiêu cực tới nguồn cung và giá nhiều mặt hàng thiết yếu.
Nhận xét về tốc độ tăng CPI, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, sẽ có 2 "kịch bản" CPI cả năm 2010. Một là, trong 2 tháng cuối năm, với nhiều yếu tố tác động gây tăng giá, CPI cả năm 2010 sẽ ở mức 11 đến 12%. Hai là, với những nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ và quyết tâm của bộ, ngành, địa phương, CPI năm nay sẽ ở mức một con số.
Để đạt mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng CPI cả năm nay ở mức 1 con số, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát thuế, giá và thực hiện biện pháp chống liên kết độc quyền, nâng giá bất hợp lý, cần đẩy mạnh kiểm soát việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá tại doanh nghiệp (DN). Việc giữ ổn định tỷ giá và giá các mặt hàng thiết yếu như điện, than, nước sạch, cước vận tải… cũng là biện pháp quan trọng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, từ nay đến cuối năm, sẽ điều hành sát sao công tác quản lý giá thông qua các biện pháp cân đối giá cả, kiểm soát, thanh tra việc đăng ký, niêm yết giá. Đối với lương thực, thực phẩm, Bộ đang chỉ đạo quyết liệt để ổn định giá, bởi nhóm hàng này là một trong những nguyên nhân gây tăng CPI…
Thực hiện mục tiêu bình ổn giá những tháng cuối năm, UBND TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực. Từ đầu tháng 7-2010, 13 DN đủ điều kiện đã được TP tạm ứng 350 tỷ đồng, lãi suất 0% để dự trữ 9 nhóm hàng thiết yếu gồm gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng, thực phẩm chế biến, thủy hải sản đông lạnh, dầu ăn, đường, rau quả… Tính đến hết tháng 10-2010, toàn TP đã có 388 điểm bán hàng bình ổn giá, phấn đấu đến hết năm 2010, có khoảng 500 điểm bán hàng tại khu vực nội thành và một số huyện, thị xã phục vụ người dân. Trong tháng 11, TP tổ chức "Tháng khuyến mại" với hơn 1.000 điểm bán hàng, mức giảm giá hàng hóa lên tới 50%, tạo cơ hội mua sắm hàng giá rẻ cho người dân và du khách.
Với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tốc độ tăng giá tiêu dùng những tháng cuối năm dự kiến sẽ được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để Chính phủ tiếp tục thực hiện bình ổn giá thị trường những tháng đầu năm 2011, thời điểm có nhiều áp lực gây tăng giá do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.