Chưa nên đặt nhiều kỳ vọng
Xã hội - Ngày đăng : 06:58, 05/11/2010
Trữ lượng chỉ gần một triệu tấn
Khai thác khoáng sản tại Quảng Ninh.
Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Vinh (Tổng hội Địa chất Việt Nam), đất hiếm (rare earth) là nhóm nguyên tố hiếm, có hàm lượng ít trong vỏ Trái đất và rất khó tách ra từng nguyên tố riêng biệt. Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, chia làm hai nhóm nặng và nhẹ. Với phần đông người dân, hiểu biết về đất hiếm đều ở mức sơ sài, nhưng trên thực tế chúng có mặt trong hầu khắp gia đình. Cụ thể: Cerium là chất mài mòn được dùng để sản xuất tivi màn hình phẳng; Neodymium được dùng sản xuất ổ cứng máy tính... Nhiều nguyên tố khác cũng tham gia vào thành phần thiết bị hiện đại, tinh xảo nhất của ô tô, máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng, điện thoại di động. Bởi vậy, nếu nguồn đất hiếm bị lũng đoạn, các hãng sản xuất lớn trên thế giới sẽ vấp phải vấn đề nghiêm trọng và có thể khiến cho giá nhiều mặt hàng dân dụng tăng cao. Có nhà khoa học còn cho rằng, nếu không có đất hiếm, nền kinh tế hiện đại sẽ ngừng hoạt động.
PGS-TS Nguyễn Khắc Vinh cho biết thêm, hiện chưa có nghiên cứu nào đánh giá tổng thể về trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam, song các công trình nhỏ lẻ cho thấy lượng khoáng sản này không dồi dào như chúng ta tưởng. Các kết quả nghiên cứu tìm kiếm từ năm 1958 đến nay đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái. Dọc bờ biển miền Trung cũng phát hiện quặng Monazit, Xenotim đi kèm với Ilmenhit trong sa khoáng ven biển. Dù nhiều tài liệu đưa ra con số trữ lượng đất hiếm hiện có vào khoảng 17 đến 22 triệu tấn, song trữ lượng khả thi chỉ là gần 1 triệu tấn.
Theo công bố của Tổng hội Địa chất Việt Nam, các nước có trữ lượng đất hiếm đáng kể là Trung Quốc (27 triệu tấn, chiếm 30,6% của thế giới), các nước thuộc khối SNG (19 triệu tấn, 21,5%), Mỹ (13 triệu tấn, 14,7%), Australia (5,2 triệu tấn, 5,9%), Ấn Độ (1,1 triệu tấn, 1,25%)... Điều đó cho thấy Việt Nam có tiềm năng về đất hiếm nhưng chưa có đủ bằng chứng tin cậy để khẳng định vị trí thứ ba thế giới như một số nguồn tin gần đây cho biết.
Đòi hỏi công nghệ cao
Các nhà khoa học Việt Nam đã có những nghiên cứu về đất hiếm cách đây hơn 50 năm. Nước ta đã nghiên cứu sử dụng đất hiếm trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo nam châm vĩnh cửu, biến tính thép, chế tạo hợp kim gang, thủy tinh, bột màu, chất xúc tác trong xử lý khí thải ô tô... Tuy nhiên, những nghiên cứu ứng dụng đất hiếm vẫn dừng lại ở mức phòng thí nghiệm và quy mô bán công nghiệp. Hằng năm, nước ta mới khai thác nhỏ với sản lượng vài chục tấn quặng Bastnaesit ở Đông Pao (Lai Châu) và vài nghìn tấn quặng Monazit ở ven biển miền Trung để xuất khẩu tiểu ngạch.
Khó khăn lớn nhất trong khai thác đất hiếm chính là việc chúng có chứa nguyên tố rất độc, đặc biệt là nguyên tố có tính phóng xạ. Vì thế, nếu khai thác không đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường. Để khai thác, tuyển và chế biến đất hiếm đòi hỏi quy trình công nghệ rất cao mà Việt Nam chưa thể tự chủ được. Việc Nhật Bản, cụ thể là Công ty Toyota Tsusho gần đây tuyên bố sẽ hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam khai thác đất hiếm là thông tin đáng mừng. Như vậy, nguồn khoáng sản đang "ngủ yên" trong lòng đất sẽ có cơ hội "thức giấc".
Song, có một thông tin đáng lưu ý. Theo tài liệu của Sở Địa chất Mỹ công bố liên tục trong nhiều năm gần đây thì toàn thế giới có khoảng 150 triệu tấn đất hiếm, trong đó trữ lượng là 99 triệu tấn. Sản lượng khai thác hằng năm là 120.000 tấn. Nếu nhu cầu hằng năm tăng 5% thì thế giới còn có thể khai thác đất hiếm được gần 1.000 năm nữa. "Với tình hình tài nguyên và cung cầu đất hiếm ở thế giới và trong nước hiện nay, không nên đánh giá quá cao và hy vọng quá nhiều vào nguồn quặng đất hiếm của Việt Nam sẽ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của đất nước", PGS - TS Nguyễn Khắc Vinh khẳng định.
- Công dụng chủ yếu của đất hiếm là dùng trong ngành công nghệ thực phẩm, y tế, đánh bóng thủy tinh, gốm sứ, máy tính, chiếu sáng, ô tô thân thiện với môi trường (hy-bid), nam châm, pin, xúc tác lọc hóa dầu, tên lửa, radar, công nghiệp hạt nhân, đối phó với biến đổi khí hậu... - Những năm qua, 4 nước khai thác đất hiếm đáng kể là: Trung Quốc (120.000 tấn/năm, chiếm 97% tổng sản lượng thế giới), Ấn Độ (2.700 tấn/năm, chiếm 2,1% thế giới), Brazil (650 tấn/năm), Malaysia (350 tấn/năm). Nhu cầu đất hiếm tăng trung bình 8-11%/năm. - Giá tinh quặng bastnaesite năm 2008 là 8,82 USD/kg, nhưng chế biến sâu thành sản phẩm hàng hóa giá đất hiếm rất cao. Kim loại đất hiếm tinh khiết 99,99%, giá khoảng 221.000 USD/kg Europium, 145.000 USD/kg Terbium. |