Hành lang pháp lý cho Hà Nội phát triển
Chính trị - Ngày đăng : 06:41, 05/11/2010
Luật Thủ đô sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý và phát triển Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước. Ảnh: Đàm Duy
Tờ trình dự án Luật Thủ đô của Chính phủ nêu rõ, sau 9 năm thực hiện, Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội đã bộc lộ nhiều bất cập cả từ khía cạnh pháp lý, cũng như khả năng giải quyết những vấn đề đặt ra trên thực tế. Cụ thể, nhiều nội dung của pháp lệnh chủ yếu đặt ra mục tiêu, phương hướng, chính sách chung về xây dựng và phát triển Thủ đô mà chưa có nhiều quy định mang tính định lượng và cơ chế bảo đảm thi hành trên thực tế. Trong khi đó, nhiều quy định của pháp lệnh sau này đã trở nên không thực hiện được do các quy định trong các đạo luật mới được QH thông qua sau đó, có thứ bậc hiệu lực pháp lý cao hơn.
Thực tế, việc đô thị hóa ở Hà Nội diễn ra với tốc độ rất nhanh, vượt xa khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của Thủ đô. Tình trạng tăng dân cư tự phát; ô nhiễm môi trường, ngập lụt; nạn ách tắc giao thông do gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân; sự xuống cấp của cảnh quan đô thị, cũng như tình hình vi phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực quản lý đô thị không những chưa giảm, mà còn có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Để từng bước giải quyết, khắc phục những vấn đề phát sinh do hệ quả của quá trình đô thị hóa, cùng với các biện pháp kinh tế - xã hội, quy hoạch thì cần phải áp dụng một số biện pháp hành chính cần thiết. Vì vậy, để có thể chế đủ khả năng giải quyết những vấn đề đặt ra, cần thiết phải nâng pháp lệnh lên thành luật, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội theo một số chính sách, cơ chế đặc thù.
Tạo lập bộ mặt không gian đô thị xứng tầm với vị trí Thủ đô
Dự thảo Luật Thủ đô đưa ra những yêu cầu cao và nghiêm ngặt hơn so với mặt bằng chung của cả nước để giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay trong quản lý đô thị, môi trường, giao thông ở Thủ đô. Về cơ bản, những quy định này mới so với pháp lệnh; cao hơn, khắt khe hơn so với pháp luật hiện hành áp dụng chung cho cả nước. Đáng lưu ý là việc không cho phép xây dựng mới các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, một số trường học, bệnh viện, không mở rộng diện tích, quy mô giường bệnh của các bệnh viện trung ương hiện có ở nội thành; chỉ số môi trường ở Thủ đô cao hơn tiêu chuẩn chung cho phép; dành diện tích đất trong các dự án phát triển nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội cao hơn so với quy định chung; thu phí lưu thông một số phương tiện giao thông ở nội thành nhằm khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm tình trạng quá tải về giao thông, ô nhiễm môi trường không khí... Đặc biệt, về quản lý dân cư, dự thảo Luật Thủ đô vẫn kế thừa những quy định còn phù hợp của pháp lệnh, nhưng đã giao Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp với quy mô, mật độ, cơ cấu dân cư hợp lý theo quy hoạch chung Thủ đô.
Ba vấn đề còn ý kiến khác nhau
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, hiện có 3 vấn đề chính còn ý kiến khác nhau. Thứ nhất là vấn đề thu phí lưu thông. Trong quá trình soạn thảo, Chính phủ nhận thấy quy định như vậy là cần thiết trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề hết sức bức xúc đã tồn tại nhiều năm nay, không những chưa được giải quyết, mà còn có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập, đất công bị lấn chiếm, ô nhiễm môi trường… Phạm vi áp dụng các biện pháp này chỉ hạn chế trong khu vực nội thành Thủ đô và trong một số lĩnh vực nhất định. Tuy nhiên, đây là một loại phí mới, chưa nằm trong danh mục phí và lệ phí hiện hành, do vậy Chính phủ đề nghị QH cho ý kiến về việc quy định loại phí này. Tương tự, tình trạng lấn chiếm đất đai, xâm lấn các công trình văn hóa, vi phạm các quy định về xây dựng, cư trú đang phổ biến hiện nay ở Hà Nội, đòi hỏi phải có những biện pháp hành chính nghiêm để xử lý.
Vấn đề thứ hai là quản lý dân di cư. Có một số ý kiến băn khoăn liệu việc đặt thêm các điều kiện hạn chế cư trú ở khu vực nội thành có trái với quy định tại Điều 68 của Hiến pháp hay không? Chính phủ cho rằng quy định như dự thảo luật là cần thiết, bảo đảm tính hợp hiến, đã được pháp lệnh quy định, hợp lý và phù hợp với chủ trương của Đảng. Mặt khác, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một tăng do tình trạng quá đông dân cư ở nội thành, gây sức ép về kinh tế - xã hội.
Vấn đề thứ ba là việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Pháp luật áp dụng chung cho cả nước khó có thể quy định hết các vấn đề phát sinh phức tạp, bức xúc ở Thủ đô, nhất là trong bối cảnh hệ thống pháp luật còn thiếu, chưa đồng bộ.
Không nên áp dụng các biện pháp hành chính để điều chỉnh và quản lý dân cư |