Cần rà soát, sàng lọc

Kinh tế - Ngày đăng : 07:06, 04/11/2010

(HNM) - Sau hơn 20 năm Việt Nam mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), khu vực này ngày càng tỏ rõ tầm quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, qua thời gian, nhu cầu định hướng thu hút vốn ĐTNN cũng thay đổi và rất cần sự điều chỉnh để dòng vốn chảy đúng hướng, phát huy tối đa mặt tích cực...


Công ty CP Group đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi có 100% vốn đầu tư nước ngoài.   Ảnh: Tào Ngọc


Đến nay, Việt Nam đã thu hút được hơn 190 tỷ USD vốn ĐTNN đăng ký, trong đó mới giải ngân khoảng 1/3. Các dự án ĐTNN thu hút 2 triệu nhân công làm việc trực tiếp và hàng vạn người lao động gián tiếp. Riêng 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam thu hút thêm 12,8 tỷ USD. Mặc dù giải ngân chưa được như mong muốn, nhưng các doanh nghiệp (DN) ĐTNN cũng đã góp phần vào việc đưa nhiều công nghệ hiện đại vào Việt Nam và tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương. Các DN có vốn ĐTNN đã kích thích, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP cả nước, tạo đà thu hút thêm một số nguồn vốn đầu tư khác.

Tuy nhiên, cần có những đánh giá sâu hơn để có thể tiếp tục "gọi" thêm nhiều vốn ĐTNN, phát huy được những tác động tích cực và giảm những hạn chế trong quá trình thu hút vốn ngoại. Giai đoạn đầu mở cửa, nền kinh tế cần thu hút vốn trên diện rộng, nên đã chấp nhận những dự án cần nhiều đất đai, khai thác tài nguyên, công nghệ chỉ ở mức độ trung bình. Hàng trăm dự án sản xuất đã đăng ký và triển khai tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực, ít thấy dự án có trình độ công nghệ cao, có sản phẩm đạt giá trị gia tăng cao. Hoạt động của các DN ĐTNN chưa góp phần tạo nhiều thay đổi về chất, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Thực tế hoạt động của một số DN còn tạo ra những mặt trái, như đẩy nhanh tốc độ khai thác tài nguyên, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường...

Hiện nay, các nhà ĐTNN đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực du lịch và bất động sản. Phần lớn những dự án này có quy mô vốn khá lớn, chiếm những vị trí đắc địa ở nhiều đô thị, khu nghỉ mát nổi tiếng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai dự án càng nhanh càng tốt. Đồng thời, thường xuyên giám sát về tiến độ, nếu phát hiện tình trạng chậm tiến độ, hay sang nhượng cho đối tác khác sẽ nghiêm khắc xử lý và kiên quyết thu hồi giấy phép. Làm được như vậy, một mặt môi trường kinh doanh, uy tín của địa phương sẽ tăng lên, mặt khác còn thể hiện sự quyết tâm của địa phương trong thu hút vốn ĐTNN. Ngành chức năng cần cân đối, đối chiếu lượng dự án đã cấp phép với chiến lược phát triển, như cầu về vốn, công nghệ, sản lượng của những loại sản phẩm chủ lực trên từng địa bàn, khu vực. Gần đây, nhờ thực hiện có hiệu quả công tác này mà một số địa phương đã tái cơ cấu một phần quy hoạch về đầu tư phát triển theo hướng bảo đảm quan hệ cung cầu.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), do được cảnh báo và tiếp nhận thông tin chính xác, được tư vấn từ các cơ quan quản lý nên một số địa phương đã dừng hoặc không chấp thuận dự án sản xuất xi măng, thép xây dựng, dệt may, sản xuất sơn công nghiệp, sân gôn... để dành nguồn đất đai cho những dự án xứng đáng hơn về mặt công nghệ và giá trị gia tăng của sản phẩm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bộ KH-ĐT khẳng định, sẽ gia tăng tần suất kiểm tra và nâng cao chất lượng của việc thẩm định hồ sơ dự án nhằm sàng lọc nhà đầu tư mới. Nhiều chuyên gia về công nghệ, pháp lý sẽ được huy động để làm tốt việc này, ngăn chặn tối đa nhà đầu tư định giá cao thiết bị, vật tư nhập khẩu từ công ty mẹ khi hình thành dự án, nhưng khi đi vào hoạt động lại bán sản phẩm ngược trở lại cho công ty mẹ với giá thấp hơn so với giá trị đích thực. Việc thu hút vốn ĐTNN cũng sẽ được phân bổ hợp lý, coi trọng sự liên thông và tuân thủ quy hoạch chung, cân đối chặt chẽ về nhu cầu từ cấp quốc gia đến vùng lãnh thổ và từng địa phương… Việc đặt lợi ích toàn cục lên trên lợi ích cục bộ sẽ có tác dụng phòng tránh, giảm thiểu tình trạng đầu tư chồng chéo, dẫn đến lãng phí hoặc dư thừa vốn cùng một loại sản phẩm.

Các cấp quản lý đang chuyển mạnh về tư duy và mục tiêu thu hút vốn ĐTNN, theo hướng nâng cao chất lượng. Với dự án đã cấp phép, ngành chức năng sẽ tập trung đánh giá tiến độ triển khai, coi mức độ giải ngân là biểu thị sự quyết tâm của nhà đầu tư. Đại diện Bộ KH-ĐT cho biết, hiện có hơn 20 dự án quy mô lớn cần rà soát, sàng lọc. Việc sàng lọc các dự án sẽ làm cho dòng vốn ĐTNN chảy đúng hướng hơn.

Hồng Sơn