Chủ động di dời dân khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở, tập trung cứu đói, cứu rét
Chính trị - Ngày đăng : 07:06, 04/11/2010
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm hỏi và tặng quà đồng bào bị thiệt hại do ngập lụt ở thôn Thuận Lợi, xã Phước Thuận (Ninh Thuận). Ảnh: TTXVN |
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đi thăm một số nơi bị lũ lụt ở địa phận thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi lời thăm hỏi, chia sẻ với đồng bào vùng bị ngập lũ và yêu cầu các lực lượng của tỉnh, với sự hỗ trợ của công an, quân đội tiếp tục kiểm tra, duy trì trực ban 24/24h để ứng cứu kịp thời và thường xuyên thông báo tình hình lũ cho nhân dân biết. Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý ở lưu vực các dòng sông lớn, cấp ủy, chính quyền địa phương cần chủ động phòng tránh, tổ chức di dời các hộ dân trong các vùng có nguy cơ sạt lở, vùng bị ngập, vùng trũng, thấp ven sông, ven biển về nơi an toàn.
Chiều tối cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến kiểm tra tình hình phòng chống, khắc phục hậu quả lũ lụt tại tỉnh Phú Yên. Cùng đi có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão trung ương Cao Đức Phát.
Làm việc với UBND tỉnh Phú Yên, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến toàn thể nhân dân Phú Yên. Chủ tịch nước yêu cầu các cấp chính quyền, nhân dân Phú Yên chuẩn bị mọi phương án để ứng phó với đợt mưa lũ mới trong vài ngày tới khi đợt áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đang hướng vào đất liền. Song song với công tác chuẩn bị ứng phó, Chủ tịch nước chỉ đạo các bộ, ngành và tỉnh Phú Yên tập trung cứu đói, cứu rét cho người dân vùng lũ. Cần huy động tối đa các nguồn lực của địa phương, quân khu và trung ương bảo đảm an toàn cho dân; cấp phát đủ lượng thuốc men, bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe cho người dân tại những nơi lũ rút.
* Mưa lớn trong những ngày qua khiến hồ thủy lợi, thủy điện ở Nam Trung bộ quá tải phải đồng loạt xả lũ, tình trạng ngập lụt ở hạ du thêm căng thẳng. Hôm qua (3-11), các địa phương tiếp tục ráo riết huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu dân vùng trũng thấp, vùng bị chia cắt; sửa chữa các tuyến đường để nhanh chóng thông xe tại điểm ách tắc.
Tại Khánh Hòa, nước lũ rút chậm, nhiều tuyến giao thông huyết mạch từ thị xã Cam Ranh đi huyện Khánh Sơn ngập sâu, khiến các khu dân cư ở huyện này bị cô lập. Tỉnh Khánh Hòa đang huy động tối đa lực lượng, phương tiện, quyết tâm đến ngày 5-11 thông xe đèo Hòn Giao và tuyến đường 723 nối Nha Trang - Đà Lạt.
Tại Phú Yên, do 3 hồ thủy điện sông Hinh, Krông Hnăng, sông Ba Hạ trên dòng sông Ba đồng loạt xả lũ với tổng lưu lượng 8.300 m3/s nên một số khu vực trũng dưới hạ du Phú Yên bị ngập lụt nặng nề. Huyện Đông Hòa nước lũ dâng cao làm 5/6 thôn tại xã Hòa Thành bị chia cắt và ngập sâu trong nước. Hiện tại, toàn xã này có 1.260 hộ bị ngập trong nước. Mưa lũ đã làm 5 người ở tỉnh Phú Yên bị chết, 2.080 ngôi nhà bị ngập; tối qua (3-11), Phú Yên tiếp tục di dời 321 hộ với 1.178 người ở các vùng ven sông suối, trũng thấp, ven cửa sông của 2 huyện Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu. Chiều 3-11, ông Nguyễn Bá Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ký văn bản báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên, khẳng định Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ đã vi phạm quy chế vận hành liên hồ chứa khi xả lũ lưu lượng lớn trong ngày 2-11 làm hạ lưu ngập nặng, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành di dời dân.
Tối qua (3-11), Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên cho biết, lũ các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Gia Lai lên lại, dự báo kéo dài 2 đến 3 ngày. Đặc biệt, trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có khả năng xuất hiện đợt lũ lớn.
Số người chết tại các tỉnh tăng thêm 4 người, nâng số người bị chết do mưa lũ ở Nam Trung bộ lên 14 (Khánh Hòa 5 người, Phú Yên 5, Ninh Thuận 3, Lâm Đồng 1). Hàng nghìn hécta hoa mầu bị hư hỏng; nhiều nhà cửa, công trình công cộng bị ngập chìm trong nước lũ.